Từ ngày 11/2/2017, các thuê bao cố định tại 13 tỉnh, thành gồm: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ đổi mã vùng điện thoại cố định.
Đại diện VNPT cho biết, sau khi Bộ TT&TT ban hành thông tư về quy hoạch kho số viễn thông” và quyết định việc ấn định thời gian đổi mã vùng điện thoại cố định, VNPT đã bắt tay thực hiện các công việc cho công tác đổi mã vùng mạng cố định. Liên quan đến khía cạnh kỹ thuật, do mạng cố định đầu tư đã lâu nên VNPT đã phải thực hiện nhiều biện pháp dồn dịch, chuyển đổi, tối ưu thiết bị … để đáp ứng yêu cầu đổi mã vùng của Bộ TT&TT.
Việc đổi mã vùng cố định sẽ được triển khai đối với tất cả các thuê bao cố định của tất cả các nhà mạng, ở 59/63 tỉnh, thành phố. Số thuê bao cố định của VNPT tại 59 tỉnh, thành phố hiện nay là 4,5 triệu ở trên 109 tổng đài. Bên cạnh đó, VNPT cũng sẽ tiến hành đổi số cho 1,8 triệu thuê bao thuê Gphone.
Đại diện VNPT cho biết, với 2 lần kinh nghiệm đổi số cho mạng cố định và mạng di động thì VNPT đã sẵn sàng các phương án về kỹ thuật. VNPT đã xây dựng phương án đổi mã tỉnh đối với thuê bao cố định và thuê bao Gphone và phương án định tuyến trên các tổng đài liên tỉnh, Gate quốc tế, Gate di động, đồng bộ phương án tính cước.
Bên cạnh đó, VNPT đã chuẩn bị hệ thống âm thông báo để thông báo cho khách hàng khi thực hiện không đúng phương thức đổi mã vùng bằng cách dùng song song 2 phương thức quay số theo cách cũ và mới. Sau 30 ngày sẽ chỉ còn quy số theo cách mới, nhưng có thông báo âm cho khách hàng biết.
Để chuẩn bị cho việc triển khai phương án đổi mã vùng cố định, VNPT cũng làm việc với 13 doanh nghiệp như: Viettel, MobiFone….. để phối hợp. Song song với đó, VNPT tiến hành thử nghiệm phương án kỹ thuật trên các mạng cố định và di động:
Đại diện VNPT cho biết, trên mạng lưới cố định của VNPT đang có 5 loại Tổng đài cố định: AXE, E10B, EWSD, NEAX Sigma, VKX. VNPT thử nghiệm thành công phương án kỹ thuật để triển khai đổi số cho các dòng tổng đài này. Mạng di động với 2 loại tổng đài VNPT cũng đã thử nghiệm thành công phương án kỹ thuật để đổi số cho các thuê bao Gphone.
VNPT cho biết, dự kiến sẽ thực hiện triển khai công tác đổi mã vùng thành 03 giai đoạn (chuyển đổi mã vùng hiện tại của 59/63 tỉnh, Thành phố trên toàn quốc. Trừ 04 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang như sau: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 11/2/2017 sẽ thực hiện tại 13 tỉnh, thành gồm: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Giai đoạn 2 bắt đầu từ gày 15/4/2017, VNPT sẽ thực hiện tại 23 tỉnh thành gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 17/6/2017, VNPT sẽ thực hiện tại 23 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp.
VNPT còn cho biết, công việc đổi số chỉ thực hiện vào ban đêm và sẽ thực hiện trong 02 tiếng về cơ bản khách hàng sẽ không ảnh hưởng đến dịch của khách hàng. Nếu khi có bất cứ một nguy cơ nào ảnh hưởng đến dịch vụ thì VNPT sẽ thực hiện khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo sáng hôm sau khách hàng sử dụng bình thường. Các phương án kỹ thuật của VNPT đảm bảo không ảnh hưởng đến việc ghi cước và tính cước của hệ thống tổng đài và đáp ứng khả năng quay số song song theo mã vùng cũ và mới. Bên cạnh đó, hệ thống ghi âm VNPT sẽ tiến hành đặt tại các tổng đài HOST và tổng đài liên tỉnh và Gate di động. VNPT đã sẵn sàng các hệ thống ghi âm và đã thử nghiệm thành công khả năng phát âm thông báo thay đổi mã vùng cho từng tỉnh đã sẵn sàng.
“Việc thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng. Ví dụ card visit, bao bì, biển quảng cáo… phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu giữ trong điện thoại di động. Hiện nay số điện thoại liên hệ của các cơ quan Đảng, Chính quyền, tổ chức quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, ngân hàng, doanh nghiệp đa phần là số thuê bao cố định. Việc thay đổi mã vùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động điều hành của các cơ quan nói trên, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng, doanh nghiệp… Nhiều tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp phải chủ động tổ chức bộ máy trả lời và thông báo việc đổi mã vùng cho khách hàng của mình. Đồng thời các cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký lại thông tin, danh bạ, in biển quảng cáo, bao bì sản phẩm…” đại diện VNPT cho biết.
Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng tối đa, VNPT sẽ thực hiện một số công việc sau: Trước thời điểm đổi mã vùng: tổ chức truyền thông việc đổi mã vùng theo chủ trương của Bộ TTTT đến khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua website của VNPT, qua Call Center, email, Fanpage, qua các đầu mối chăm sóc khách hàng, xây dựng các ứng dụng hỗ trợ khách hàng nhận biết mã vùng…
Theo PV (Ictnews.vn)