4G tại Việt Nam: "Không nên chậm trễ thêm"

19/08/2016 14:33:00

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, 2016 là năm chín muồi để đưa 4G vào Việt Nam, không nên chậm trễ thêm.

 

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, 2016 là năm chín muồi để đưa 4G vào Việt Nam, không nên chậm trễ thêm.

Như vậy, mạng 4G LTE sẽ chính thức đưa vào vận hành tại Việt Nam trong năm nay. Câu hỏi đặt ra là 4G vào Việt Nam thời điểm này là nhanh hay chậm, phù hợp hay không phù hợp.

Đã có nhiều tranh luận đưa ra về vấn đề này. Một mặt, có những ý kiến cho rằng so với thế giới, Việt Nam khá chậm chân trong việc phổ cập 4G khi đã có 170 nước, 521 nhà cung cấp triển khai mạng LTE và LTE-A trên toàn cầu.

Một số khác đưa ra quan điểm, Việt Nam cần tập trung tối ưu hóa mạng 3G hiện tại, hơn là bỏ ra chi phí lớn để nâng cấp 4G. Theo nhóm này, mạng 3G HSPA+ có thể đạt tốc độ tối đa 42 Mb/s. Nếu tối ưu được tốc độ này, người dùng chưa chắc cần đến kết nối 4G.

Chia sẻ về việc 4G vào Việt Nam nhanh hay chậm, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phân tích: “Nói sớm hay muộn cần có chuẩn để đánh giá. Chẳng hạn, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chính thức công nhận sự xuất hiện của mạng LTE-A (mạng đang triển khai tại Việt Nam) vào năm 2012. Như vậy, xét về vấn đề tiêu chuẩn, Việt Nam chậm khoảng 4 năm so với quốc tế”.

4G tai Viet Nam: 'Khong nen cham tre them' hinh anh 1
Ông Lê Nam Thắng nhận định, chúng ta không nên chờ đợi thêm nữa trong việc phổ cập 4G tại Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng.

“Về xu hướng, kinh nghiệm từ các dịch vụ khác cho thấy, nếu một dịch vụ nào có khoảng 10-15% dân số thế giới sử dụng, nó sẽ trở thành xu hướng không thể cưỡng lại được. Tính đến tháng 8/2015, có khoảng 800 triệu người dùng 4G trên toàn thế giới, chiếm khoảng 10% dân số. Như vậy, Việt Nam chậm khoảng một năm”, ông Lê Nam Thắng nhận định.

Trong khi đó, nếu tính về nhu cầu thị trường, đây là thời điểm cần thiết để triển khai 4G bởi theo ông Thắng, khu vực nông thôn có thể chỉ cần kết nối 2G, 3G nhưng tại các đô thị, người dùng cần đến công nghệ tốt hơn. Bên cạnh đó, giá thiết bị, giá cước 4G cũng đang đi xuống nên việc triển khai 4G là đúng thời điểm.

“Có những yếu tố chậm một vài năm, có những yếu tố đúng thời điểm nhưng cá nhân tôi cho rằng, đây là thời điểm rất tốt để triển khai 4G. Chúng ta không nên chậm trễ thêm nữa”, ông Thắng kết luận.

Đồng quan điểm này, ông Mantosh Malhotra - Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á - cho rằng, Việt Nam đi chậm hơn một chút so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc chúng ta lựa chọn công nghệ cho phù hợp.

“Việt Nam đi chậm nhưng có lợi thế đi tắt đón đầu. Nhiều nước đã triển khai 4G từ lâu nhưng chưa phủ sóng rộng khắp được. Như vậy, việc triển khai sớm không mang đến hiệu quả”, vị đại diện Qualcomm chia sẻ.

Trước đó, tại nhiều hội thảo, hội nghị trong nước, các nhà cung cấp đã đề nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép triển khai phổ cập 4G tại Việt Nam để tránh tụt hậu. Các nhà mạng đều tỏ ra sẵn sàng trong việc phủ sóng 4G.

4G tai Viet Nam: 'Khong nen cham tre them' hinh anh 2
Thử nghiệm mạng 4G tại Việt Nam cho kết quả khả quan. Ảnh: Thành Duy.

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đầu tư bài bản cả về mạng lưới và dịch vụ 4G, tiến tới triển khai nhanh chóng và hiệu quả dịch vụ 4G tại Việt Nam”, ông Lương Mạnh Hoàng - Chủ tịch VNPT-VinaPhone chia sẻ vào hồi tháng 5.

Dịch vụ 4G được đưa vào thử nghiệm trên diện rộng tại Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 12/2015 bởi nhà mạng Viettel. Liền sau đó, VinaPhone công bố thử nghiệm 4G tại TP HCM vào tháng 1/2016. Đến tháng 7, nhà cung cấp thứ 3 là MobiFone công bố thử nghiệm 4G.

Kết quả của quá trình thử nghiệm chưa được công bố. Tuy nhiên, đứng trên góc độ người quan sát, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương nhận định việc thử nghiệm rất thành công. “Các nhà mạng lựa chọn công nghệ, băng tần phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, tốc độ vượt trội, giá cả cũng không khác biệt so với 3G”.

Theo ông Nam, đây là cơ sở quan trọng để chính thức triển khai 4G tại Việt Nam.

Theo Thành Duy (Zing.vn)

Nổi bật