Xin lại chiếc xe cho em trai mượn từ 2 năm trước, tôi hoảng sợ khi nhận được tin nhắn của bố mình

29/08/2024 23:00:56

Tôi không muốn thừa nhận sự thật nhưng có vẻ tôi chỉ là một mảnh ghép dư thừa trong gia đình…

Xin lại chiếc xe cho em trai mượn từ 2 năm trước, tôi hoảng sợ khi nhận được tin nhắn của bố mình

Ngày xưa lúc còn là một thiếu nữ mộng mơ, tôi hay tưởng tượng ra cuộc sống của mình khi trưởng thành sẽ rất hạnh phúc. Lấy một người chồng bình thường, có bạn bè gia đình yêu thương, đẻ vài đứa con xinh và mua một căn nhà mơ ước.

Thế nhưng khi lớn lên, tất cả những thứ trên mãi chỉ là giấc mộng không có thật. Tôi trải qua 2 mối tình vô cùng thất bại, đến lúc gặp được người phù hợp với mình thì phải chịu danh phận là vợ hai vì trước đây chồng tôi đã qua một đời vợ. Anh ấy có một đứa con riêng, còn tôi cưới 4 năm mong mãi vẫn chẳng dính bầu.

Công việc của tôi có nhiều áp lực, ngày nào cũng lê thê mệt mỏi mà không thể thoát ra vì tôi sợ nghỉ việc xong chẳng kiếm được chỗ mới. Tuổi 35 quá nhiều chênh vênh, quá nhiều sự thật tàn khốc quật vào người khiến tôi kiệt quệ.

Nhưng tất cả đều không đáng sợ bằng việc tôi bị gia đình bỏ quên. Từ hồi cấp 3 khi chuẩn bị thi đại học tôi đã bắt đầu cảm giác được chuyện bố mẹ ít quan tâm đến mình hơn em trai. Và hơn chục năm trôi qua thì càng ngày tôi càng hiểu thế nào là “trọng nam khinh nữ”.

Một câu chuyện quá cũ nhưng chẳng ai giống ai. Tôi bị phân biệt đối xử bằng việc không được bố mẹ ủng hộ học hành lên cao, không được ăn ngon mặc đẹp, không cho làm ở tập đoàn lớn vì sợ “con gái giỏi quá lấn át hết cả em”.

Lễ cưới của tôi cũng qua loa sơ sài, bố mẹ còn mời rất ít khách vì nghĩ “con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”. Của hồi môn mẹ cho tôi đúng 2 chỉ vàng, còn bố là một tràng dọa nạt, kèm lời dặn đi làm dâu “không được để xấu mặt nhà ngoại này”.

Bố mẹ giao ước luôn với tôi rằng có chuyện gì xảy ra thì bên ngoại cũng không chịu trách nhiệm, thậm chí em trai còn nói “Đừng nghĩ đến chuyện cãi nhau với chồng xong bỏ về đây”, bởi vì chính nó sẽ đuổi tôi ra ngoài đường.

Cũng may là cả gia đình chồng đều đối xử tốt với tôi nên mấy năm qua chưa từng có biến cố gì to tát. Họ là niềm an ủi duy nhất khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp của hai tiếng "gia đình". Dù tôi là người con dâu thứ hai nhưng bố mẹ chồng không hề ý kiến gì cả. Ngược lại họ quan tâm tôi như con gái ruột, bảo tôi cứ sống thoải mái tự do đừng nghĩ gì đến lời đàm tiếu của thiên hạ.

Thi thoảng vợ chồng tôi cũng bát xô đũa lệch, song anh ấy lớn hơn tôi nhiều tuổi nên vẫn nhịn vợ nhiều hơn. Từng đổ vỡ một lần nên chồng tôi rất thấm thía giá trị của hạnh phúc. Anh ấy sợ cảnh chăn đơn gối chiếc, sợ vợ vắng nhà lâu ngày. Anh bảo vợ cũ ngày xưa thiệt thòi vì anh chưa học được cách làm người chồng tốt. Giờ trải qua vô số sóng gió anh đã ngộ ra nhiều thứ trong hôn nhân, bởi vậy nên anh không muốn lặp lại sai lầm quá khứ nữa.

Xin lại chiếc xe cho em trai mượn từ 2 năm trước, tôi hoảng sợ khi nhận được tin nhắn của bố mình - 1

Tôi rất phiền muộn vì mãi không đẻ được con nhưng chồng thì ung dung không suy nghĩ gì cả. Không phải vì đã có con riêng nên anh chẳng quan trọng con chung nữa, mà anh quan điểm con cái là lộc trời cho. Dục tốc bất đạt, để thuận tự nhiên biết đâu lại xuất hiện tin vui.

Nghe lời chồng khuyên nên tôi cũng dần thả lỏng tâm trạng. Chồng ủng hộ tôi chuyên tâm vào sự nghiệp, học tiếp lên Thạc sĩ để hoàn thành tâm nguyện suốt bấy lâu.

Rồi đùng cái khi tôi không còn sốt sắng lo chuyện đẻ nữa thì phát hiện có bầu. Lúc thử que tôi chẳng dám tin đó là sự thật, ôm chồng nằm một chỗ khóc như mưa.

Biết tôi mang thai thì nhà nội vui lắm. Bố mẹ chồng mang sang cả đống đồ ăn với thuốc bổ dành cho bà bầu. Chồng thì thay hết đồ đạc trong nhà sang những thứ an toàn êm ái, còn dọn dẹp sẵn một phòng nhỏ để “làm ổ” cho em bé sau này. Bạn bè người quen thi nhau nhắn tin chúc mừng tôi, đồng nghiệp còn tặng quà cho tôi là một túi vitamin bầu.

Nhưng tuyệt nhiên bên ngoại không hề có động tĩnh gì cả.

Tôi mòn mỏi chờ một cuộc gọi hoặc tin nhắn từ bố mẹ, chỉ cần hỏi thăm một câu thôi là tôi cũng vui rồi. Vậy mà chẳng ai nói năng gì cả, khiến tôi thất vọng đến nhói lòng.

Nhà vợ chồng tôi ở gần ngoại hơn nội. Tôi từng nghĩ gần thế thì sau này sinh cháu sẽ tiện cho ông bà sang chơi, nếu gửi con thì cũng không xa xôi lắm. Song đến lúc này thì tôi đã bỏ luôn suy nghĩ đó, vì biết chắc không trông đợi gì được ở chính bố mẹ mình.

Tôi cứ ngây thơ nghĩ bố mẹ vẫn thương mình, vẫn là con dứt ruột đẻ ra nên sẽ không bao giờ tệ bạc với mình cả. Nhưng hôm nay tôi bắt đầu nhen nhóm ý định sẽ cắt đứt quan hệ với chính gia đình mình, vì một chuyện vô tình xảy ra ngoài ý muốn.

Số là ngày xưa lúc học đại học tôi có mua một chiếc xe tay ga. Bố mẹ ngăn cản tôi theo đuổi ước mơ, kìm nén tôi làm rất nhiều thứ nhưng tôi vẫn luôn cố gắng vừa học vừa làm để có tiền. Hồi ấy khi mới là sinh viên năm 2 tôi đã kiếm được mỗi tháng 11 triệu. Tôi làm thêm mấy việc cùng lúc, miệt mài cày cuốc không nghỉ ngày lễ Tết nào. Gom được 40 triệu tôi đem đi mua xe máy ngay lập tức, dù trả góp cũng quyết thoát cảnh chờ xe bus khổ sở mỗi ngày.

Lúc biết tôi tự sắm xe tay ga thì bố mẹ mắng tôi một trận té tát, kêu vác về chật nhà rồi lãng phí nọ kia. Mẹ chì chiết tôi là kiếm được nhiều tiền đáng lẽ ra phải sắm xe cho em trai mới đúng, dù khi ấy mới tí tuổi nó đã bị phường đưa vào danh sách quản giáo thường xuyên. Bố mẹ luôn ưu ái nó hơn tôi, mặc cho nó là một thằng hư hỏng.

Cứ rình tôi vắng nhà là thằng em xách xe đi “sĩ gái”. Nó khoe xe ga gần trăm triệu là của nó, toàn chở mấy đứa trẻ ranh đi đánh võng khắp nơi. Rồi chuyện gì tới cũng tới, nó ngã 5 lần 7 lượt khiến tôi phải đem xe đi sửa hết mớ tiền. Tôi chán lắm nhưng không dám kêu than gì cả, bởi có khóc thì cũng chẳng ai bênh.

Đến khi lấy chồng tôi mới thở phào vì được thoát khỏi căn nhà đó. Bố mẹ không còn ai để mắng nữa, thằng em cũng không thể gây sự với tôi. Nhưng rồi họ vẫn bắt nạt tôi nhờ chiếc xe tay ga. Họ ép tôi để lại xe cho thằng em sử dụng, với lý do nhảm nhí là “Gái theo chồng thì lấy xe chồng mà đi”. Tôi không đồng ý thì họ chửi bới. Cuối cùng tôi đành phải để xe lại nhà, nhưng ra điều kiện rằng chỉ cho thằng em mượn cái xe làm phương tiện đi lại, chứ giấy tờ mua bán vẫn chứng minh chủ sở hữu là tôi, nó không thể lấy xe trắng trợn như ăn cướp được.

Sau khi thỏa thuận xong với chính người thân mình thì tôi nuốt cục tức bước ra khỏi cửa. Chồng hiểu hoàn cảnh của tôi nên thương lắm, anh ấy rút tiền túi ra mua cho tôi một chiếc xe khác để đi làm.

Hôm rồi trời mưa to nên cây cối gãy đổ, tôi để xe trước cửa ngân hàng nên bị một cành phượng to rơi xuống đè hỏng luôn. Nhìn hiện trường sự cố cái xe mà tôi suýt ngất. Thân xe gãy làm đôi, gương nát bét, bánh xe cong vẹo. Nói chung là nát đến độ tiệm sửa xe cũng lắc đầu trả lại, bảo tôi đem tiền sửa đi sắm cái mới còn hơn.

Chồng bận rộn nhiều việc nên tôi không thể nhờ anh đưa đón mỗi ngày được. Bụng bầu đang ngày càng lớn hơn, tôi nên đi xe riêng để chủ động đỡ phiền người khác. Bảo mua xe mới thì tôi cũng tiếc. Cuối cùng tôi quyết định về bên ngoại để đòi lại cái xe kia.

Biết ngay là thằng em không chịu giao trả. Tôi cãi nhau với nó một trận om sòm, lôi cả nhau ra ngoài ngõ chửi vì quá tức. Hàng xóm nghe chuyện xong đều góp ý là em tôi phải trả lại chị gái chiếc xe, hôm để lại xe tôi cũng ghi âm đàng hoàng nên nó không cãi cùn nổi nữa. Tôi cho nó mượn chứ chẳng phải biếu không, đi “xe chùa” 2 năm rồi cũng đến lúc phải trả chứ.

Mẹ tôi bênh con trai nên đuổi con gái ra ngoài. Tôi ức quá nên bắt taxi về, không ngờ lát sau lại nhận được tin nhắn từ bố ruột.

“Mày làm chị mà khốn nạn với em thế, có cái xe cũng không cho nó được. Từ giờ mày đừng bước chân về nhà nữa. Tao không có đứa con nào ích kỷ như mày”.

Đọc đến chữ cuối cùng xong tôi bật khóc. Anh tài xế cũng sợ hãi vì tôi khóc to như bị ai đánh vậy. Tôi chẳng hiểu mình đã làm gì sai để bị đối xử bất công như thế. Tài sản của mình mà cũng bị người thân lấy mất, họ còn bao che bênh vực lẫn nhau như thể tôi là người dưng nước lã ven đường.

Tôi chấp nhận mất luôn cái xe mua bằng mồ hôi nước mắt. Từ bây giờ tôi phải mạnh mẽ hơn thôi, vì bao năm qua tự tôi khiến mình thiệt thòi quá nhiều rồi…

Theo Tiểu Ngạn (Phụ Nữ Việt Nam)

Nổi bật