Nếu so sánh mức sống ở quê với mức sống ở thành phố lớn, chẳng cần nói cũng biết đâu là nơi đắt đỏ hơn. Về quê, trước mắt đã thấy một cái lợi: Chi phí mua thực phẩm (thịt thà, rau củ) rẻ hơn hằn thành phố. Gia đình nào ở chung với ông bà thì còn tiết kiệm được hẳn khoản tiền thuê nhà và tiền thuê người trông con nếu ông bà vẫn còn mạnh khỏe, để có thể hỗ trợ trông cháu.
Nghĩ sơ sơ đã thấy sống ở quê có vẻ tiết kiệm hơn ở thành phố, nhưng sự thật liệu có chắc là như vậy?
Hai vợ chồng chu nhập 24 triệu/tháng, sống ở quê vẫn tiêu hết sạch
Cách đây chưa lâu, trong một cộng đồng chuyên chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân, một bà mẹ 2 con hiện đang sống ở quê đã than ngắn thở dài. Chuyện là vợ chồng cô thu nhập 24 triệu/tháng - không quá cao nhưng cũng không thể gọi là thấp so với mặt bằng chung ở quê, vậy mà đến cuối tháng vẫn chẳng tiết kiệm được mấy, có tháng còn hết nhẵn.
Hoàn cảnh của gia đình này có thể tóm tắt như sau:
- Hai vợ chồng làm nhà nước, không đầu tư, không có thêm bất kỳ nguồn thu nhập nào khác ngoài lương. Tổng thu nhập 24 triệu đồng.
- Vợ chồng hiện có hai con nhỏ: 1 bé chuẩn bị vào lớp 1, 1 bé 18 tháng chưa đi học.
- Cộng tổng các khoản chi tiêu mà cô vợ đã liệt kê, có thể thấy con số cuối cùng dao động trong khoảng 14-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cô vợ này lại cho biết rằng đó chỉ là những khoản chi cố định và cơ bản nhất mà cô nhớ và ghi lại được, ngoài ra vẫn còn nhiều khoản phát sinh bất chợt khác nên gần như tháng nào gia đình cô cũng tiêu hết 24 triệu, hoặc chỉ tiết kiệm được khoảng 2-3 triệu.
Sống ở đâu cũng thế, muốn tiết kiệm được tối đa, phải làm ngay 3 việc này!
Mức sống ở quê có thể thấp hơn thành phố, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cứ sống ở quê là có thể tiết kiệm được nhiều hơn. Tiết kiệm mà đơn giản vậy, làm gì còn ai vung tay quá trán nữa, đúng không?
Chính bởi thế, dù đang sống ở thành phố lớn hay miền quê nhỏ, bạn cũng cần thực hiện 3 việc này càng sớm càng tốt.
1 - Ghi chép cụ thể từng khoản chi
Dù là một cọng hành hay một ly trà đá, tiền đã bay khỏi ví, nhảy khỏi tài khoản thì nhất định phải ghi lại. Giống như cô vợ trong chia sẻ phía trên, tổng thu nhập 24 triệu/tháng, các khoản chi cơ bản và cố định chỉ hết khoảng 14-15 triệu, vậy mà cuối tháng vẫn nhẵn túi. Điều đó đồng nghĩa với việc các khoản chi lặt vặt ngốn tới 8-9 triệu đồng, hoàn toàn là một con số không nhỏ chút nào.
Nếu không ghi chép các khoản chi, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng chẳng hiểu tiền đi đâu mất. Việc cắt giảm chi tiêu, lên kế hoạch tiết kiệm cũng sẽ khó hơn nhiều.
Thế nên đừng có tặc lưỡi "ôi giời có đáng bao nhiêu đâu mà, ghi lại làm gì". Nghĩ vậy, có khi đến mùa quýt năm sau cũng chưa tiết kiệm nổi...
2 - Lương về tay, gửi tiết kiệm ngay
Tiết kiệm trước, chi tiêu sau chứ đừng làm ngược lại. Đó mới là cách tiết kiệm đúng. Nếu chưa tự tin cắt giảm chi tiêu tối đa để tiết kiệm được nhiều nhất có thể, hãy bắt đầu với mốc 10% thu nhập hàng tháng. Những tháng sau, hãy tập cân đối và giảm chi tiêu để tăng dần tỷ lệ tiết kiệm này lên. Làm như vậy, bạn vừa hình thành thói quen tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu, vừa không để sinh hoạt của bản thân hay gia đình bị đảo lộn quá nhiều vì ngân sách bị cắt giảm đột ngột.
3 - Đặt hạn mức cho từng khoản chi
Tiền ăn, tiền chi tiêu cá nhân, tiền mua sắm đồ dùng trong nhà,... hay nói chung là tất cả những khoản chi được coi là cơ bản và cố định trong tháng, hãy đặt hạn mức cho chúng! Có thể trong 1 vài tháng đầu, bạn vẫn sẽ bội chi nhưng việc đặt ra hạn mức sẽ giúp bạn học cách cân đối chi tiêu. Ví dụ như hạn mức tiền ăn của cả gia đình trong 1 tháng chỉ là 8 triệu, mà mới giữa tháng đã tiêu hết 5 triệu rồi, tự khắc bạn sẽ biết cách cân đối chi phí mua thực phẩm trong vòng nửa tháng còn lại. Các khoản chi khác cũng vậy.
Cái gì cũng cần có giới hạn, để bản thân không vung tay quá trán, nhớ nhé!
Theo AMT (Phụ Nữ Số)