Vẻ ngoài hiền lành nhưng ẩn chứa một cá tính và nghị lực mạnh mẽ. Ðó là những gì mà tôi cảm nhận được khi ngồi nói chuyện với chàng tân sinh viên của Ðại học (ÐH) Oxford Lê Quốc Minh, học sinh lớp 12 chuyên Tin, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ÐH Quốc gia Hà Nội.
Viên ngọc thô quý giá
Trong câu chuyện của mình, Minh cùng bố đều nhắc đến và bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô giáo đã dạy em suốt những năm học phổ thông. Ðặc biệt một trong những người đồng hành là thầy Nguyễn Giang, trung tâm Ivy League Việt Nam. Khi được hỏi đến cậu học trò cưng Lê Quốc Minh, thầy Giang cho biết: “Tôi chỉ nói một điều, Minh là viên ngọc thô mà nếu được rèn giũa tốt thì sẽ trở thành một viên ngọc rất quý”.
Hai thầy trò Minh gặp nhau cách đây gần một năm khi bố mẹ đưa Minh đến gặp và “giao” cho thầy Giang trọng trách phải làm thế nào để em có cơ hội đỗ vào các trường ÐH hàng đầu của Mỹ, thầy Giang đã nhận thấy đây là một viên ngọc mà càng mài sẽ càng sáng. Bằng chứng là theo thầy Giang, Minh là một cậu bé vụng về trong giao tiếp, chân thật với bạn bè, ngây ngô với bạn gái nhưng học tập thì đáng nể.
Lê Quốc Minh. |
Trong mắt thầy Giang, Minh có vẻ “khá già” so với lứa tuổi, em thích đọc sách, thích những điều hàn lâm. Minh còn là người có cảm hứng bất tận nhưng cũng rất dễ nản. Có thể học quên ngày, quên đêm đấy nhưng có thể buông luôn. Tuy nhiên, sau đó em cũng nhanh chóng xốc lại tinh thần.
Thầy Giang cũng chia sẻ về hành trình hai thầy trò cùng nhau đi xin học bổng sau khi biết đã đỗ vào trường ÐH Oxford. “Ngày 11/1/2017 là ngày vui của Minh khi em nhận được thư chấp nhận vào học ngành Khoa học máy tính tại trường Somerville, ÐH Oxford. Nhưng kèm theo đó là nỗi lo lắng tột độ của gia đình. Minh đã đỗ rất nhiều trường ÐH của Mỹ với mức học bổng cao ngất ngưởng như ÐH Miami, Connecticut, Earlham nhưng em chỉ muốn học ở Oxford. Tiền đâu ra mà học ở đó? Ngày 28 tết Ðinh Dậu rét mướt, bố mẹ Minh đến gặp tôi với vẻ mặt vừa vui vừa buồn: "Thầy ơi, bây giờ làm cách nào để có tiền cho Minh đi học” – thầy Giang chia sẻ. Ba người như một gia đình ấy đã ngồi bàn nhau cách và phân tích xem liệu có khả thi. Nào là đăng tin này lên xem có mạnh thường quân nào tài trợ cho Minh không? Nhưng thật khó vì ở Việt Nam, liệu có mạnh thường quân nào đủ dũng cảm cho Minh vay một số tiền rất lớn để đi học Oxford? Hay viết thư cho Microsoft, Google hay FB để hỏi xem Nadella, Lary Page và Mark Zukerburg có giúp được Minh không? Cũng không khả thi lắm. Cuối cùng, thầy Giang đưa ra phương án Minh hãy viết thư cho trường hỏi xin giảm học phí. Trong bức thư gửi thầy giáo phỏng vấn mình, Minh đã viết: “Khi em nhận được thư chấp nhận vào trường ÐH Oxford, em và gia đình vừa vui mừng vừa lo lắng. Vui vì chưa bao giờ dám nghĩ giấc mơ Oxford của em lại thành hiện thực, lo là vì bố mẹ em giờ lấy đâu ra tiền để cho em đi học… Giờ đây Oxford đã chạm đến tay em nhưng vì không đủ điều kiện mà em có nguy cơ tuột mất cơ hội này”.
Hai tuần sau, Minh nhận được thư mời tham gia chương trình học bổng Qartar Thatcher của trường Somerville, quỹ học bổng này với số lượng học bổng cấp ra chỉ từ 1 đến 2 suất mỗi năm cho học sinh trên toàn thế giới. Nhưng để có học bổng, Minh còn phải chứng minh cho hội đồng xét học bổng rằng em xứng đáng được nhận thông qua việc bổ sung hồ sơ chứng minh năng lực và bài luận. Hỏi về bài luận, Minh cười và chỉ nói em viết một bức thư gần 500 từ trình bày về ý tưởng của em liên quan đến ngành học. “Em ấp ủ một suy nghĩ ngây thơ là không bao giờ để những khó khăn về tài chính cản bước em tới Oxford, cản bước em thai nghén ý tưởng biến trí tuệ nhân tạo thành những giải pháp giáo dục. Em mong muốn những ý tưởng này sẽ giúp ích cho trẻ em Việt Nam nghèo khó đang sống ở những vùng núi xa xôi, hàng ngày phải trèo đèo lội suối để đến trường. Em mường tượng một ngày kia sẽ tạo ra phần mềm máy tính để giúp các em nhỏ được tiếp cận với tri thức của nhân loại và hoà nhập vào một xã hội rộng lớn hơn… Em cũng mường tượng về một Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu nhờ phát triển ngành khoa học máy tính, một đất nước mà mới chỉ vài thập kỷ trước, tới 90% người dân còn đang bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà không hề hay biết cuộc cách mạng máy tính đang diễn ra mạnh mẽ khắp mọi góc của thế giới này…” - Bức thư của Minh đã chạm đến trái tim của những giáo sư xét học bổng tại ÐH Oxford bởi nó đề cập đến vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục hiện nay và thể hiện cái tâm của một chàng trai Việt Nam mới 18 tuổi. Ðể có được những dòng chữ này, Minh đã trải nghiệm bằng chính cuộc sống của mình. Từ nhỏ, Minh đã được theo chân bố mẹ đi thiện nguyện khắp các vùng khó khăn. Hầu như các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi nào khó khăn nhất, gia đình Minh đều đặt chân đến. Em nói rằng chỉ có đi em mới thực sự hiểu thế nào là nghèo. Còn ngồi ở thành phố, nghèo với em chỉ là khái niệm.
Gia đình hạnh phúc của Minh. |
Một gia đình nghiêm khắc
Thừa nhận mình không chăm học, chỉ học những gì mình thích nhưng khi đã thích thì Minh dồn toàn tâm toàn ý để thực hiện bằng được. Ngày mới vào lớp 10 chuyên Tin, Minh chưa biết gì về tin học, nhưng sau một năm “cày”, Minh đã chính thức ghi tên mình vào đội tuyển tin học của trường tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Sau khi được giải quốc gia, giữa năm lớp 11, Minh bắt đầu quay lại học tiếng Anh để chuẩn bị đi du học. Chỉ có gần 8 tháng để chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa như TOEFL, SAT 1, SAT 2 và làm hồ sơ du học, theo Minh đó là quá muộn, nhưng với 2 tháng ôn thi Minh đạt 106 điểm TOEFL, 1500 /1600 điểm SAT 1. Thi SAT 2 (gồm Toán 1, Toán 2 và Vật lý) Minh đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 điểm cũng với thời gian ôn 2 tháng.
Là cha của hai cậu con trai, anh Lê Quốc Hùng cho rằng các bậc cha mẹ ai cũng phải đối diện với khó khăn khi con bước vào tuổi “ô mai”. Gia đình anh cũng thế. Trước khi muốn nói với con điều gì, hai vợ chồng anh đều phải trao đổi, cân nhắc từng lời nói, từng hướng tiếp cận con nhưng đôi khi vẫn thất bại. Chính vì vậy, giải pháp được anh đưa ra đó là thông qua thầy cô, thông qua bạn bè để tác động tới Minh. Anh cũng thừa nhận vợ chồng anh rất nghiêm khắc và luôn đặt mục tiêu rõ ràng cho con trong ngắn hạn và dài hạn nhưng cũng tạo cho con thói quen độc lập và tạo mọi điều kiện cho con được học những môn học yêu thích.
Nói về cậu con trai, anh Hùng cho biết, anh rút ra được hai điều để nuôi dạy con đó là tìm được môi trường học tập cho con tốt, ở đó, tất cả các bạn đều có ước mơ, có hoài bão lớn, lúc đó cha mẹ chỉ còn đóng vai trò là người định hướng. Minh đã may mắn được học ở những môi trường như vậy. Thứ hai là có những người thầy tâm huyết luôn bên con. Trong câu chuyện của mình, anh Hùng vô cùng biết ơn các thầy cô giáo tại trường THPT chuyên KHTN, những người đã tạo ra một môi trường học thuật rất tốt tại trường và rất giỏi trong việc khuyến khích học sinh của mình có các ước mơ thực sự lớn để chinh phục các đỉnh cao khoa học.
Em cũng mường tượng về một Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu nhờ phát triển ngành khoa học máy tính, một đất nước mà mới chỉ vài thập kỷ trước, tới 90% người dân còn đang bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà không hề hay biết cuộc cách mạng máy tính đang diễn ra mạnh mẽ khắp mọi góc của thế giới này…”. Trích bài luận gửi trường ÐH Oxford của Lê Quốc Minh |
Theo Nghiêm Huê (Tri Thức Trực Tuyến)