Ung thư 'nhảy' lên giai đoạn 3 sau 3 năm chỉ vì sợ làm 1 điều

07/04/2025 18:31:22

Cách đây 3 năm, người phụ nữ sống tại Hải Phòng được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Tuy nhiên, vì sợ làm 1 điều nên khối u của bệnh nhân đã "nhảy lên" giai đoạn 3.

Trường hợp bệnh nhân L.M.L (tại Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) trước đó đã được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày từ năm 2022. Thời điểm đó, bệnh nhân đã được bác sĩ tư vấn phẫu thuật triệt căn khối u và không cần bổ trợ hoá chất do ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, bệnh nhân xin về suy nghĩ thêm. Sau đó, vì lý do “sợ phẫu thuật” mà người bệnh đã từ chối ca mổ.

Lần nhập viện này, bệnh nhân bị đau nhiều, nôn ra máu, cơ thể suy kiệt.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn III, biến chứng chảy máu nghiêm trọng.

Với tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã quyết định truyền máu song song tiến hành ca phẫu thuật cấp cứu.

Sau khoảng 2 giờ, các bác sĩ đã tiến hành cắt toàn bộ dạ dày, nạo vét các tổ chức xung quanh dạ dày, ngăn chặn tình trạng chảy máu và thực hiện nối phần thực quản với ruột non theo kiểu Roux-en-Y để lập lại lưu thông tiêu hóa.

Ung thư 'nhảy' lên giai đoạn 3 sau 3 năm chỉ vì sợ làm 1 điều
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.

Ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng và an toàn. Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc đặc biệt, nâng cao dinh dưỡng tĩnh mạch, kết hợp dinh dưỡng qua đường tiêu hóa sớm. Sau 4 ngày, người bệnh hồi phục tốt và được ăn uống trở lại.

Sau khi hồi phục lại sức khoẻ, nữ bệnh nhân L hối hận chia sẻ: “Nếu tôi đồng ý phẫu thuật sớm hơn, có lẽ ca phẫu thuật của tôi sẽ đơn giản hơn rất nhiều và không phải tổn hại nhiều đến sức khỏe như vậy. Tôi hy vọng những người bệnh khác sẽ tuân thủ điều trị của bác sĩ khi chiến đấu với căn bệnh ung thư”.

Theo Ths.Bs Phạm Đức Tuấn, Khoa Phẫu trị xạ trị và Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả chảy máu dạ dày.

Với trường hợp của bệnh nhân L, phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày là một giải pháp điều trị hiệu quả, giúp nâng cao cơ hội sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn dạ dày và hạch, giúp ngăn chặn sự lan rộng của ung thư và kiểm soát tình trạng chảy máu dạ dày.

Ung thư dạ dày và cách phòng ngừa

Ung thư đường tiêu hóa đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề của toàn cầu, trong đó bao gồm cả ung thư dạ dày. Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globocan 2020), tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 17.000 ca mắc ung thư dạ dày mới, thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Bệnh thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác.

Theo chuyên gia ung bướu, khi bệnh ung thư tiến triển hơn người bệnh mới có những dấu hiệu rõ như: đau bụng, buồn nôn, thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút.

Chuyên gia cho biết ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa từ sớm bằng cách:

- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. Hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất có hại, tăng nguy cơ mắc ung thư.

- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Các thực phẩm đã qua chế biến thường chứa một số chất độc hại, có thể tăng nguy cơ mắc ung thư.

- Ngừng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia để hạn chế nguy cơ mắc ung thư.

- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)