Đã gần 1 tuần trào lưu 'dậy thì thành công' làm mưa làm gió khắp cộng đồng mạng và độ nóng của nó dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Có người nói tuổi thơ là một bức tranh được chính chúng ta tô vẽ bằng những gam màu kỉ niệm khác nhau, trầm ấm có, tươi vui có và cả những nỗi buồn, sự tiếc nuối cũng có.
Anh chàng này tham gia trào lưu "dậy thì thành công" một cách "rất có tâm" ẢNH: NVCC |
Trong ký ức của bao người, tuổi thơ là những trận đòn roi vì cái tội ham chơi, để đầu trần chạy nhảy giữa trưa nắng chang chang. Là những buổi chiều hùa theo đám con nít trong xóm đi đá banh, bắn bi, nhảy dây… Nếu có cơn mưa bất chợt đổ xuống thì càng mừng, đứa nào đứa nấy mặt mũi rõ hớn hở, tiếng cười giòn tan xen lẫn tiếng mưa rơi xuống đường...
Một ý tưởng hài hước về trào lưu "dậy thì thành công" ẢNH: NVCC |
Với bạn Lệ Hằng, tuổi thơ là "Hồi nhỏ xíu tóc cột 2 chỏm, ngày nào mình cũng ngồi chồm hổm ngay cổng đợi mẹ đi chợ về. Mà không hiểu sao hồi đó mình chuyên gia nói ngược, cứ kiểu như buồn thì nói vui, no thì gọi là đói. Có hôm đợi lâu quá mới thấy mẹ về, mình nhảy tưng tưng rồi la lên “mẹ đi chợ lâu, con nhớ mẹ con vui quá chừng”, vậy là cả nhà được trận cười no nê”.
Hay “đáng sợ” hơn là câu chuyện của cô bạn có tài khoản Phương Võ khi kể về ước mơ tóc nối và lần chơi dại nhớ đời: “Cái thời học cấp 3, lớp 10, 11 là đang hot vụ nối tóc. Nhà thì có 2 chị em gái, tóc mình cứ theo thời nên thành ra cắt ngắn mất tiêu. Thấy tóc con em dài mình mới nảy ra ý định cắt một nhúm để nối vào tóc mình, vì tóc ngoài tiệm bán mắc lắm”…Châm ngôn sống của giới trẻ thuở dậy thì là "nói được làm được". Cô bạn lựa một đêm mẹ không có nhà, lén cắt phăng chùm tóc của em gái: “Mình cũng tính toán kỹ lắm, chia tóc nó làm 3 lớp, chỉ cắt lớp giữa thôi để khi thả ra sẽ không bị lộ. Vậy mà hôm sau về, mẹ cột tóc cho nó thì phát hiện ngay. Ác nỗi mình giấu chùm tóc trong ba lô, nó rơi ra ngay khoảnh khắc quan trọng. Vậy là mình bị trận đòn tởn tới già, haha”.
Khoảnh khắc nhí nhảnh của tuổi học tròẢNH: LƯU TRÂN |
Những câu chuyện này dường như đã chạm đến vùng kỷ niệm tuổi thơ của mỗi người, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X. Nhiều thành viên cũng nhanh chóng “góp vui” cho "tuyển tập oanh liệt một thời" của mình. “May mình không nghịch trò gì tổn hại tới thân thể mình cả. Mỗi cái ngu là ngày bé ganh tị với thằng em, lợi dụng lúc nó ngủ mang gối bịt mặt mũi không cho nó thở. May sao lương tâm mình thức tỉnh nên bỏ tay ra kịp. Nó khóc ré lên, mình được trận đòn to và bây giờ có nguyên thằng em lười không tả nổi”, tài khoản Hoàng Minh chia sẻ.
Một số bạn trẻ, đặc biệt là nữ có một đam mê kỳ lạ: hình xăm nghệ thuật. Nhiều cô gái nóng bỏng đã phải năn nỉ thuyết phục mẹ cha cho đam mê vẻ ngoài 'kì dị' này. Họ bị dị nghị và xăm xoi thế nào với những hình xăm chi chít toàn thân?
Đã từng một thời, trò kéo co là tuyên ngôn của sức mạnh tập thểẢNH: NGUYỄN TIẾN LUẬT |
Thế rồi, cái trào lưu “tuổi thơ dữ dội” lại len lỏi vào tận cơ quan nơi tôi làm việc, một chị đồng nghiệp hào hứng kể về tuổi thơ “cổ trang” khi mê chơi trò công chúa, hoàng tử.
“Thời đó coi phim kiếm hiệp nhiều, mê làm công chúa lắm. Cứ suốt ngày lấy mền mùng gối chiếu mà quấn vào người rồi giả bộ đi thướt tha như mấy diễn viên trên tivi. Có lần đi lên cầu thang, đang làm điệu thì vấp một cái té lộn cổ”. Cũng may nhờ lớp áo choàng quá dày mà thân thể chị được bình an, chỉ trừ việc một cái răng cửa… “tử nạn”.
Thuở bé, khu vui chơi với trò cầu trượt luôn hấp dẫn trong mắt trẻ conẢNH: LƯU TRÂN |
Người này vừa dứt câu, người kia đã tiếp lời: “Xưa coi phim thấy cảnh người ta cắt cổ tay tự tử, thế là hôm đó bị bố mẹ mắng, mình cũng lấy đồ rạch cổ tay để…kết liễu cuộc đời. Nhưng nghĩ và làm nó khác nhau lắm, mình sợ đau, sợ máu mà cũng sợ chết nên đâu dám cắt thật. Giả bộ xịt thuốc đỏ lên tay rồi nằm lăn ra ngay cửa phòng, để thêm cái lưỡi lam bên cạnh cho giống thật. Vậy mà nằm suốt từ trưa đến chiều chả ai phát hiện ra. Bố mẹ mãi coi tivi dưới lầu rồi. Nghĩ lại lúc đấy mà cắt tay thật thì...”.
Con diều bằng giấy cũ, dán chi chít hồ nhưng vẫn được cả đám nâng niu như báu vậtẢNH: NGUYỄN TIẾN LUẬT |
Rồi lần lượt, những câu chuyện về “tuổi thơ dữ dội” được kể cứ hiện ra trước mắt tôi như một thước phim quay chậm về những tháng ngày trong trẻo của cuộc đời. Đó là những ngày mà người ta sống không chút hoài nghi, thế giới trong đôi mắt của một đứa trẻ bao giờ cũng đẹp rực rỡ và lương thiện vô cùng.
Tắm mưa cùng lũ con nít chung xóm, ai mà chưa từng trải qua ẢNH: ĐỘC LẬP |
Chợt nhớ da diết cái trò mà lũ trẻ trong xóm hay chơi cùng nhau. Con diều giấy làm từ cuốn tập cũ, chi chít những chữ, dán đầy hồ hoặc cơm nguội…vậy mà được đám trẻ nâng niu như báu vật. Những buổi chiều chơi trò vo gạo nấu cơm, cả đám đặt 2 cục gạch làm bếp, giấy báo, cành cây dùng để nhóm lửa rồi xúm nhau vào thổi tù tù. Lửa bén cũng là lúc mặt mũi đứa nào đứa nấy đen xì như ông kẹ, mà vui...
Còn đâu những lần xếp hàng vào lớp mỗi khi tiếng trống trường vang lênẢNH: NGUYỄN TIẾN LUẬT |
Ngày xưa khi còn ở chung với ba mẹ, mỗi khi có khách đến chơi, mẹ lại nhắc tụi nhỏ “con đi ra ngoài cho người lớn nói chuyện”. Rồi không biết tự lúc nào, trong tâm thức những đứa trẻ cứ thắc mắc mãi câu hỏi “người lớn nói chuyện gì, chắc là quan trọng lắm?”. Và không biết bao nhiêu lần ta cứ ước mong được “lớn thật nhanh để tha hồ làm những gì mình thích”…
Nhất quỷ nhì ba thứ ba học tròẢNH: NGUYỄN TIẾN LUẬT |
Để khi đối mặt với khái niệm trưởng thành, con người ta lại khao khát "quay ngược thời gian trở về với tuổi thơ".. Chẳng phải lo công việc, không có deadline, không có những đêm thức khuya chờ sáng, không lo lắng, không phiền muộn, không gì cả... Chỉ cần “ăn được, ngủ được” thì sẽ là “tiên”.
Ngày đó, niềm vui giản dị và đơn sơ đến lạ, nỗi buồn cũng chẳng bao giờ ở lại quá lâu. Đôi khi chỉ một cái kẹo, một miếng bánh cũng làm ta bật cười thích thú.
Quậy phá xong rồi thì tới giờ...ăn đònẢNH: NGUYỄN TIẾN LUẬT |
Tôi lại nhớ đến 4 câu thơ mình vô tình đọc được ở đâu đó: "Ta đi sắp hết nửa đường khôn lớn. Mới nhận ra thơ ấu quá nhiệm mầu. Những câu hát quen từ thời bé dại. Có ai ngờ che chở suốt mai sau"...
Bịt mắt bắt dê luôn có tên trong danh sách bình chọn những trò chơi được yêu thích nhất của tuổi học tròẢNH: NGUYỄN TIẾN LUẬT |
Thế mới nói, con người ta sinh ra và lớn lên, rồi cứ đi, đi mãi, đến khi mỏi gối chồn chân thì chỉ có một nơi duy nhất muốn quay về... Đó là nhà. Và trong cuộc đời mỗi người, sẽ luôn có ít nhất một khoảng thời gian mà ta khao khát được quay trở lại, đó chính là tuổi thơ...
Đi bất cứ đâu, hành lý của Nguyễn Sơn Tùng, 25 tuổi, chàng trai Sài Gòn đang là du học sinh tại Nhật Bản, luôn là đôi dép tổ ong quen thuộc. Đôi dép này xuất hiện trong bộ ảnh rất sinh động của Sơn Tùng.
Theo Lưu Trân (Thanh Niên Online)