Tuổi 25 cần có gì để đến 30 tuổi không là đồ vứt đi?

13/06/2016 15:12:00

Ở tuổi 25, tuổi dấm dớ chẳng còn trẻ nhưng vẫn chưa tới già, người ta cần có gì để vài năm nữa không cảm thấy mình là đồ thất bại?

Ở tuổi 25, tuổi dấm dớ chẳng còn trẻ nhưng vẫn chưa tới già, người ta cần có gì để vài năm nữa không cảm thấy mình là đồ thất bại?

Thời thanh xuân của chúng ta ào xuống như một cơn mưa rào, chưa kịp tạnh khô đã biến mất từ lúc nào. Thời thanh xuân tưởng ngắn, tưởng chỉ để tạo ra đủ kiểu kỷ niệm hồi ức nhưng lại mang nhiều mốc thời gian quan trọng. Tạm chia nó như thế này:

Tuổi 18: Là cái tuổi chính thức được trao đủ quyền công dân, được chịu trách nhiệm về bản thân nhưng vẫn một phần nào đó nằm trong tầm quản lý của bố mẹ. Giai đoạn này gọi là giai đoạn trẻ trâu, là lũ chọi dưa háo thắng vì ngỡ mình đã lớn rồi.

Tuổi 20: Lớn hơn một chút, chín chắn hơn vì đã có thâm niên nghe gia đình, bạn bè, người lớn cả trên mạng lẫn ngoài đời khai thông đầu óc. Ở tuổi này đã bắt đầu biết ý thức định hình bản thân nhưng vẫn còn hơi non nớt.

Tuổi 22: Độ tuổi đẹp nhất trong thời thanh xuân, độ tuổi mà chúng ta bắt đầu có trải nghiệm và ưa trải nghiệm hơn, là độ tuổi ý thức rõ ràng về sự hưởng thụ tuổi trẻ. Tuổi này, nên đi chơi, càng xa càng tốt, gặp gỡ thật nhiều người.

Tuổi 25 cần có gì để đến 30 tuổi không là đồ vứt đi? - Ảnh 1.
 

Và đến tuổi 25, tuổi ranh giới, tuổi dở ông dở thằng, vừa có chút trưởng thành nhưng thực ra vẫn non và xanh lắm. Nếu như ở tuổi 20, bạn tự xác định cho mình là người hay là ngợm, thì ở tuổi 25, những gì bạn làm, những gì bạn có trong tay sẽ quyết định rằng sau này bạn thành công hay cứ tà tà như thế.

Trước đó tôi có đọc một bài viết trên mạng nói rằng, đàn ông tuổi 28 mà không có 500 triệu là đồ vứt đi. Thực tế thì cũng hơi đúng thật, nhưng khác cái, 500 triệu đó không phải nhất thiết phải tồn tại dưới dạng tiền mặt cất kho, mà còn là muôn hình vạn trạng khác.

Nhưng ở đây không bàn về tuổi 28 đó, ở đây bàn về tuổi 25, không chỉ đàn ông hay phụ nữ.

Vấn đề đặt ra là: Tuổi 25 nên có những gì để đến tuổi 30, dù không có đến 500 triệu vẫn không là đồ yếu kém?

Trải nghiệm ít nhất một lần thất bại trong đời

Không ai bắt chúng ta ở tuổi này phải thành công ngay lập tức, phải có nhiều tiền và địa vị cao, lên báo làm gương mặt của năm hay lêu têu trên bảng xếp hạng triệu phú trẻ của Forbes. Mà được như thế thì quá tuyệt vời luôn không phải nghĩ!

Nhưng mà khi vẫn còn trẻ, vẫn còn khoẻ và nhiều thời gian thì nên biết mùi thất bại một lần. Sự thất bại này không phải để răn đe, để kìm hãm bất cứ sự ngông cuồng điên rồ nào của tuổi trẻ, mà chỉ đơn giản là nên biết mà thôi.

Giống như Muhammad Ali từng nói: "Chỉ có gã đàn ông biết rõ mùi thất bại mới có thể lặn xuống dưới đáy tâm hồn, vốc lên một nắm sức mạnh để chiến thắng khi đang ở thế hoà".

Tuổi 25 cần có gì để đến 30 tuổi không là đồ vứt đi? - Ảnh 2.
 

Đó là một dự án start-up mang đầy hy vọng nhưng lại sụp đổ quá nhanh. Đó là những du học sinh từ nước ngoài về, ấp ủ ước mơ tìm được một công việc nghìn đô xứng đáng với tấm bằng của mình thì lại bơ vơ giữa một rừng tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm, hoặc bị đuổi việc!

Thất bại giống như một thứ gia vị cần thiết trong cuộc sống để đủ cả chua cay mặn ngọt, để ta biết rõ mình là ai và mình không phải siêu nhân toàn năng muốn gì cũng có. Kiểu như một phát giật dây từ trên trời xuống mặt đất hiện thực vậy.

Có một ít tiền để lo cho bản thân

Đừng nói tiền không quan trọng nhé, tiền quan trọng cực luôn, quan trọng số 1 trong đời ấy. Nhưng ở tầm tuổi này, tiền chưa phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu, nhưng không có nghĩa là được phép vô sản!

Sau bao nhiêu năm lăn lộn đầu đời, kể cả khi đã tìm ra lối đi cho chính mình hay đang lạc giữa nhiều lựa chọn, hãy cố gắng giữ cho mình một chút tiền phòng thân.

Tuổi 25 cần có gì để đến 30 tuổi không là đồ vứt đi? - Ảnh 3.
 

Có một ít tiền trong tay để đi đây đi đó, biết thêm cái này cái kia, hiểu thêm con người ở Nam sống thế nào, ở Bắc ăn ra sao, ở miền Trung người ta lễ lạp như nào. Đấy là lợi cho việc tăng vốn sống.

Có một ít tiền trong tay để phòng hờ trong mọi trường hợp. Giả sử có nghỉ việc ăn hại ở nhà thì còn có tiền để trang trải và nuôi sống bản thân. Hoặc đến lúc đau ốm thì tự tin nhập viện khám từ đầu đến chân, thay vì ở nhà tra Google triệu chứng bệnh và cosplay thầy lang miệt vườn, sau đó bị đau đầu thì lại đi uống hạ sốt chẳng hạn...

Nói chung là giữ cho mình một ít tiền đi, không dùng cái này thì cũng dùng cái khác. Tuổi 25 chúng nó cưới không ít đâu, có tiền để còn đi ăn cỗ cưới chúng nó một cách hiên ngang mà không sợ tuần sau phải ăn trứng luộc trộn bắp cải nữa.

Một xung đột tranh cãi cho bản thân với gia đình hay những người thân thiết

Cuộc sống từ hồi bé đến lúc lớn chắc chắn không phải một đoạn thẳng tắp, chắc chắn sẽ có đủ kiểu ổ gà ổ voi tượng trưng cho các xung đột lớn nhỏ đối với bố mẹ, ông bà.

Nhưng mà có xung đột không có nghĩa chúng ta là đồ bất hiếu, đồ mất dạy (miễn là khi phản ứng lại bạn không đi quá giới hạn của đạo đức). Nó chỉ chứng tỏ rằng chúng ta và thế hệ trước có những khác biệt mà không phải lúc nào mọi người cũng thông hiểu.

Xung đột với gia đình, sau đó ngồi lại với nhau, tìm ra hướng đi giải quyết với nhau sẽ đem lại tác dụng tuyệt vời cho mọi người, nhất là người trẻ như bạn. Bạn sẽ biết mình yêu mọi người đến thế nào, biết được thế hệ đi trước đúng là đã đi trước và họ có kinh nghiệm để chỉ lại cho bọn trẻ, để chúng nó không đi chệch hướng.

Xung đột, tranh cãi giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề, và giúp ta trân trọng đối phương hơn (trong trường hợp giải quyết xong).

Từng trải qua ít nhất một mối tình

Ở tuổi này, hãy yêu một người nào đó, kể cả mối tình đó không thể kéo dài qua cái ngưỡng 25 này cũng được. Đừng nguỵ biện rằng mình bận kiếm tiền, mình có chí và sẵn sàng đâm đầu vào làm việc 24/7 mà không có thời gian để yêu đương, bởi tuổi trẻ mà đã làm không biết đến ngày mai là hỏng, mất cả một phần cuộc sống đấy.

Tuổi 25 cần có gì để đến 30 tuổi không là đồ vứt đi? - Ảnh 4.

Hãy yêu, để biết rằng mình còn nhiều thứ phải trưởng thành hơn nữa, phải cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Bởi khi yêu, đó không phải chỉ là quá trình nỗ lực phấn đấu cho chính mình, mà còn là nỗ lực thay đổi mình vì một con người khác, hoàn thiện mình vì một tương lai khác. Tự dưng bạn sẽ học được cách trở nên có trách nhiệm hơn, và trách nhiệm là thứ cần có cho cuộc sống gia đình sau này hay cả sự nghiệp của chính bạn.

Hay như người ta nói: "An cư lạc nghiệp", gia đình ấm êm thì sự nghiệp mới thăng tiến, hãy kết hôn đi, rồi bạn sẽ có thêm một lý do nữa để cố gắng mỗi ngày. Lý do đó chính là mái ấm nhỏ của chính bạn đấy.

Tự lập

25 rồi, không còn nhỏ nhắn gì đâu, hãy biết tự lo cho chính mình bằng chính đồng tiền mình kiếm ra. Vài trăm triệu không có nhưng nhất quyết không được ngửa tay xin tiền bố mẹ được nữa. Một công việc nho nhỏ kiếm vài triệu đủ ăn đủ đổ xăng cũng được, và nhớ dành ra một khoản nho nhỏ đi.

Bởi sao? Vì khi con cái đã 25 tuổi rồi thì bố mẹ cũng chẳng còn trẻ nữa. Tuổi ấy của bố mẹ nên là tuổi nghỉ ngơi, tuổi đi thụ hưởng chứ không phải tuổi nai lưng ra kiếm tiền phục vụ mấy con chim chẳng còn non nớt đang nằm vểnh râu ở nhà.

Tuổi 25 cần có gì để đến 30 tuổi không là đồ vứt đi? - Ảnh 5.

Có tiền, hãy mời bố mẹ đi du lịch, dù là chỉ gần gần nhà thôi cũng được, mời các cụ một vài bữa ngon, hay tổ chức cho hai cụ một bữa kỷ niệm gì đó, nhân dịp gì thì tự đi mà chọn.

Ít nhất, bạn chứng minh được cho bố mẹ rằng mình đã lớn, đã có thể lo cho bản thân. Mà con người khi tự lập rồi thì lớn nhanh lắm, có ý thức thì lại càng dễ thành công hơn.

Tóm lại, tuổi 25 là tuổi không cần phải bắt buộc có nhiều tiền trong tay, nhưng phải có nhiều trải nghiệm và vốn sống. Tiền có thể không bắt buộc phải ở trong hình dạng từng lớp Polyme mỏng dính cột bằng dây chun xếp chồng chất lên nhau, mà có thể hiện hữu trong chính những gì mà mình thu được trong quá trình lớn lên.

Mà khi đã chuẩn bị đủ trải nghiệm và tri thức, chỉ cần cố gắng thực sự, thì tuổi 30 sẽ là một món quà đầy giá trị!

Theo Lưu Hồng Phúc (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật