Dù sống ở trong những xóm trọ ẩm thấp từng bị dịch sốt xuất huyết tấn công khiến mọi người phải lần lần lượt nghỉ học tới 5-7 ngày để trị bệnh nhưng không ít sinh viên vẫn chủ quan, lơ là việc mắc màn, diệt muỗi.
Thế nhưng rất nhiều người lại chủ quan, cho rằng đây là một căn bệnh ít nguy hiểm do tỷ lệ tử vong thấp. Mới đây, một nữ sinh 19 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng đã tử vong vì bệnh sốt xuất huyết. Thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là những bạn sinh viên đang thuê trọ ở các khu nhà tồi tàn, ẩm thấp và nhiều muỗi.
Người trong xóm trọ lần lượt nhập viện vì dịch sốt xuất huyết
Ở Nguyên Xá (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), gia đình nào hầu như cũng xây nhà trọ cho sinh viên thuê. Tuy nhiên, vì đáp ứng nhu cầu cho thuê giá rẻ (chỉ từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/phòng) nên các hộ gia đình ở đây đều đầu tư ít vốn liếng, chủ yếu xây nhà cấp 4, lợp mái fibro xi măng. Nhiều xóm trọ lâu năm đã bắt đầu xuống cấp, phòng ốc ẩm thấp, hành lang rêu mốc và nhìn từ phía ngoài, trông chúng sập xệ, tăm tối và rất nóng nực.
Những xóm trọ sinh viên ẩm thấp, được lắp cửa tôn, mái fibro xi măng nên rất nóng bức. Các phòng đều có diện tích khá nhỏ. ...Và khu vực vệ sinh chung thì nhếch nhác. |
Cuộc sống trong những căn phòng trọ vừa nhỏ, vừa thiếu sáng, tường, sàn ẩm mốc... vốn chẳng hề dễ chịu, nhất là vào mùa hè, các căn phòng này dường như đều biến thành "lò bát quái". Đã phải chịu khổ như vậy, nhiều bạn sinh viên còn phải gánh thêm một nỗi ám ảnh khác... đó là bị muỗi cắn.
Theo nhiều sinh viên, môi trường sống ở đây khá tệ. Nhiều xóm trọ không có nước sạch, phải dùng nước máy, lọc và tích vào bể chứa. Các hộ gia đình đều có quỹ đất khá rộng nên ngoài việc xây xóm trọ cho sinh viên thuê, nhiều người còn tranh thủ trồng rau, cây ăn quả hoặc lấy bóng mát. Ngoài ra, vì tập trung quá đông sinh viên, tốc độ đô thị hóa nhanh nên môi trường ở đây cũng bị ô nhiễm. Quanh các con đường chạy ngang dọc trong khu vực này, đâu đâu cũng thấy xe rác hoặc bãi rác thải sinh hoạt mọc lên... Tất cả những lý do đó đã khiến khu vực này dường như nóng, ẩm, bức bối và nhiều muỗi hơn hẳn các nơi khác.
Quỹ đất rộng nên nhiều hộ gia đình tranh thủ trồng rau. Đường đi cũng rợp bóng cây xanh. Nhưng hàng quán và phòng trọ lại rất tồi tệ. Nhiều lối đi ngập rác thải. Hoặc nếu không cũng sẽ có vài bãi rác nhỏ nhỏ như thế này. |
Theo chia sẻ của Quang (sinh viên ĐH Công nghiệp), cách đây không lâu, cậu từng mắc bệnh sốt xuất huyết và sụt mất 3kg. Sau khi Quang nhập viện, ở xóm trọ, nhiều bạn cũng lần lượt phải nghỉ học để điều trị bệnh sốt xuất huyết. Lý do được đưa ra là xóm trọ của cậu phòng nào cũng khép kín trong khi diện tích chật hẹp, ẩm thấp nên khá bí bách. Bên cạnh đó, trước mặt khu trọ còn có một khu vườn, cây cối rậm rạp nên nhiều ruồi, muỗi.
"Chắc vì cây cối um tùm nên ở khu mình trọ rất nhiều muỗi. Mùa hè mà ngồi học bài, chân để dưới bàn là thế nào cũng bị "nở hoa" do bị muỗi chích", Quang cho biết. Theo cậu, từ khi trọ ở đây, năm nào nam sinh này cũng thấy khu vực Nguyên Xá bùng lên dịch sốt xuất huyết. "Mới đây, mình lại thấy có đội y bác sĩ đi phun thuốc khử trùng, diệt muỗi. Mỗi lần như thế, mình lại thấy sợ khi nghĩ về đợt dịch mới đây ở xóm".
Trước mặt xóm trọ của Quang là một vườn cây um tùm. Phía bên ngoài cũng có cây cối phủ kín và phòng ốc mới nhìn qua đã khiến nhiều người phải ngao ngán. |
Long (nam sinh khác của ĐH Công nghiệp, cũng trọ ở Nguyên Xá) tâm sự, cách đây 2 tháng, xóm trọ của cậu cũng bị dịch sốt xuất huyết tấn công. Mọi người ở đây lần lượt nhập viện, riêng Long phải nghỉ học 10 ngày để trị bệnh.
"Không chỉ ở xóm trọ mà thời gian đó, lớp mình cũng nhiều bạn phải nghỉ học vì dịch sốt xuất huyết. Vào bệnh viện gần trường toàn nhìn thấy người quen", Long nói. Bệnh sốt xuất huyết không chỉ khiến cuộc sống của Long bị đảo lộn mà cân nặng, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Xóm trọ mình ở thì không có cây cối hay ao tù, nước đọng nhưng quanh khu vực này, chắc có nhiều người bị bệnh, khí hậu nóng ẩm nên muỗi nhiều, kết quả là bọn mình bị liên lụy do muỗi truyền dịch bệnh từ người này qua người khác".
Nhiều bạn vẫn chủ quan "chỉ cần bật quạt là đủ"
Vì từng bị sốt xuất huyết nên ở xóm trọ của Quang, phòng nào cũng trang bị màn và thuốc diệt muỗi. Quang cho biết, từ sau khi đổ bệnh do muỗi chích, đêm nào đi ngủ, cậu cũng chú ý mắc màn dù trước đó việc này không phải là thói quen của mình.
Từ sau khi bị sốt xuất huyết, Long và các bạn luôn chú ý mắc màn. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng giống như Quang. Rất nhiều bạn dù đã từng ốm vật vã vì muỗi đốt vẫn hết sức lơ là. "Mình không quen mắc màn lắm vì nó tạo cảm giác khá nóng bức. Hơn nữa dạo này ít muỗi rồi nên mình chỉ cần bật quạt là không thấy bị muỗi cắn", Long chia sẻ.
Hồng Anh (một nữ sinh khác từng bị sốt xuất huyết) cũng tâm sự: "Mình không thích mắc màn nên khi thấy bớt muỗi là chỉ bật quạt rồi ngủ".
Không chỉ lười nhác việc mắc màn, nhiều bạn còn hết sức ẩu tả trong sinh hoạt. Phòng ốc vốn đã chật hẹp nhưng họ cũng sinh hoạt lộn xộn, không thường xuyên dọn dẹp.
Ngoài hành lang, thùng rác và bát đũa sạch vứt lẫn lộn. Cảnh sinh hoạt khá bừa bộn của nhiều bạn trẻ. Và thái độ chủ quan, chỉ cần bật quạt để tránh muỗi. |
Thế nhưng khi được hỏi về mối lo ngại bị muỗi chích dẫn đến phát bệnh, nhiều bạn vẫn tỏ ra thản nhiên, không hề lo lắng. Thái độ chủ quan này phổ biến hơn ở những xóm trọ chưa từng có ai bị sốt xuất huyết tấn công. Nhiều bạn còn không tin rằng, bị muỗi chích vài cái là có thể đổ bệnh và đặc biệt, không cho rằng sốt xuất huyết có thể gây tử vong.
Những thùng chứa đồ ăn thừa, thau chậu để nước lưu cữu ở xóm trọ sinh viên. Nhà vệ sinh bừa bộn. Hay ngay cả bản thân nhiều gian phòng chỉ nhìn qua đã thấy ẩm thấp, nóng bức đến nhường nào. |
"Mình nghĩ bị muỗi chích nhiều mới đổ bệnh chứ ít thì chỉ đau hoặc khó chịu thôi. Với lại bệnh sốt xuất huyết thường vẫn chữa được nên mình không hoang mang lắm", Thu (nữ sinh năm 3, ĐH Công nghiệp) tâm sự.
"Mình nghĩ phải ở chỗ nào tù túng quá, nước sinh hoạt bẩn thỉu, nhiều loăng quăng, bọ gậy hay có vườn tược, cây cối rậm rạp mới nhiều muỗi vằn gây bệnh chứ ở xóm trọ mình tuy hơi bừa bộn, thiếu sáng chút nhưng không đến nỗi như vậy. Mình thấy thi thoảng mới bị muỗi cắn nên chắc không có vấn đề gì", Ngọc Anh (một nữ sinh khác) chia sẻ thêm.
Theo Hường Thu (Trí Thức Trẻ)