Ở tuổi 24, Vương Thiện Huy - thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12 - được nhận vào nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - NASA.
Tin tức này khiến những ai yêu mến và dõi theo Olympia, cũng như cộng đồng Olympian cảm thấy tự hào, ngưỡng mộ.
Thiện Huy đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình "chân thành và khiêm tốn nhất có thể" với Zing.vn bởi hoàn toàn đồng ý với mục đích truyền cảm hứng cho các bạn học sinh theo đuổi ước mơ, thay vì tìm kiếm danh tiếng.
Do công việc quá bận rộn, Thiện Huy chỉ có thể dành thời gian trò chuyện khoảng một giờ vào mỗi thứ sáu hàng tuần. Sự chờ đợi này, dành cho một nhân tài có câu chuyện đặc biệt như Huy, là hoàn toàn xứng đáng.
Xếp hạng bét những năm cấp 2, trượt nhiều trường chuyên vì 'ảo tưởng'
Vương Thiện Huy sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, có cha là thợ điện, mẹ là thợ may. Trái với hình dung "con ngoan trò giỏi" về Thiện Huy trước khi bắt đầu trò chuyện, 9X bất ngờ tiết lộ mình từng rất nghịch ngợm, quậy phá và là nỗi đau đầu của cha mẹ suốt nhiều năm ngồi trên ghế nhà trường.
Từ những chuyến xe hàng ngày đến trường cấp một, Huy đã được cha dạy về định luật Ohm, công thức tính công suất P=U*I. Cậu bé Thiện Huy bộc lộ khả năng tính toán rất nhanh, dù không biết ý nghĩa công thức hay đơn vị đo Watt, Volt, Ampe là gì.
Khi Huy học hết tiểu học, cha không kèm cậu học Toán nữa, bởi bản thân không học hết cấp 3 và bận rộn hơn trước. Trong một lần "lảng vảng" ở nhà sách như mọi khi, Huy tình cờ đọc được cuốn sách về Visual Basic 6.0, có nội dung hướng dẫn viết chương trình máy tính.
Ban đầu, 9X tưởng những chương trình máy tính như Paint hay Explorer trong hệ điều hành Windows là "mấy thứ cao siêu đến từ ngoài hành tinh". Nhưng đọc vài trang sách, cậu mới biết lập trình không khó và "một người nhỏ bé trên Trái Đất cũng làm được".
Từ đó, Huy mê tìm hiểu về lập trình đến nỗi ngày đêm "dán mắt" vào máy tính, bỏ bê việc học tập. Không những học kém - xếp hạng 39/46, cậu còn hay gây gổ đánh nhau, làm việc riêng trong lớp nên một năm phải mời phụ huynh lên gặp thầy cô vài lần.
Khi máy tính hỏng, Huy vẫn học lập trình bằng mọi cách. Cậu lén cha mẹ mua sách về đọc và tự viết code theo ngữ pháp, tự test thuật toán của mình trên giấy nháp. Đó chính là "trò làm việc riêng" trong lớp khiến Huy nhiều lần phải chịu phạt.
Cậu học trò Thiện Huy cũng không chịu yên vị học đúng chương trình. Năm lớp 6, 7 chưa được học môn Hóa, Huy đã mượn sách anh chị lớn hơn xem. Thậm chí, khi mới học lớp 8, cậu đã "đọc sách lớp 11 để chơi".
Ngỗ nghịch là vậy, Thiện Huy vẫn được thầy cô đánh giá có năng khiếu Tin học. Bằng chứng là chàng trai thi đỗ vào đội tuyển Tin học của trường chuyên Trần Đại Nghĩa năm lớp 8, song cuối cùng bỏ không theo.
Lên lớp 9, Thiện Huy tình cờ được nghe về thiên văn từ một cô giáo dạy Vật lý, từ đó biết đến NASA và nhờ cha mua sách về đọc. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng chớm nở từ ấy.
"Cấp 2 mình học trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Điều này cho mình suy nghĩ ảo tưởng rằng học sinh bét lớp trường top đầu TP.HCM như mình vẫn giỏi so với mặt bằng chung, và dư sức đỗ trường cấp 3 tốt nhất. Đến lúc rớt hết các trường nằm trong dự tính, mình mới nộp bừa nguyện vọng vào TH Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM - ngôi trường mình chưa từng nghe tên trước đó", Thiện Huy nhớ lại.
Quyết tâm không để cuộc đời trôi đi vô nghĩa
Nhìn về những ngày tháng bị xem là "thảm họa", Thiện Huy cười nói rằng đó thật ra là cả "gia sản" sau này.
"Lập trình khiến cho mình hiểu định nghĩa của từ đam mê. Đam mê gì đó là chấp nhận đánh đổi gần như tất cả để vươn đến nó. Như mình đã đổi lấy điểm 7, 8 môn Toán, Văn, Tiếng Anh... những năm cấp 2 để lấy tư duy thuật toán trong lập trình", Huy kể.
Bằng chứng là lớp 9 Thiện Huy đã xây dựng được thuật toán để giải tháp Hà Nội của riêng mình. Lên cấp 3, cậu học trò ngỗ ngược Thiện Huy thật sự lột xác thành nam sinh giỏi nhất lớp, nhất khối.
Cụ thể, lớp 10 Thiện Huy giành huy chương bạc kỳ thi Olympic Hóa học; lớp 11 giành huy chương đồng Olympic Toán học, giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật - Intel ISEF - cấp thành phố và giải MU Alpha Theta của Mỹ cho thuật toán tháp Hà Nội (một phần của Intel ISEF); lớp 12 giành hai giải nhì kỳ thi học sinh giỏi thành phố môn Toán, Vật lý.
Với Huy, bảng thành tích đó là phần thưởng cậu cho là xứng đáng nhất sau những "thiệt thòi" so với bạn bè đồng trang lứa.
Hỏi chàng trai động lực từ đâu mà có thể thay đổi "ngoạn mục" đến vậy, cậu từ tốn lý giải: "Mình lấy hết động lực, quyết tâm để chấn chỉnh bản thân sau thời gian dài gây lộn xộn cho thầy cô, khiến cha mẹ buồn lòng. Mình đã lựa chọn khi đứng trước hai con đường: Một là đi theo niềm đam mê nghiên cứu khoa học; hai là không làm gì và để cuộc đời trôi đi".
Hóa ra việc trượt "trường chuyên lớp chọn" không tệ như Thiện Huy nghĩ khi học tập tại ngôi trường nhỏ TH Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM, cậu được thầy cô dành nhiều thời gian quan tâm, theo sát.
Các giáo viên, đặc biệt là thầy dạy Toán, đã thấy được khả năng tư duy của Thiện Huy khi làm Toán và giúp đỡ cậu thay đổi phương pháp học tập.
"Thầy dạy Toán tận tâm đến mức mình cảm giác nếu không học sẽ rất có lỗi với thầy. Mình dù cố đến đâu cũng không lấy được điểm 10 bài kiểm tra vì thầy chấm gắt, bắt từng lỗi nhỏ. Đó là cách thầy rèn cho mình cách suy luận logic, cứng cáp, giúp mình lấy huy chương đồng môn Toán lớp 11", Thiện Huy xúc động nhớ về người thầy cũ.
Năm cuối cấp 3, Thiện Huy xin cha mẹ nộp đơn thi Đường lên đỉnh Olympia - cuộc thi mà hồi cấp 2 xem lần đầu thấy câu hỏi khó như dành cho người sao Hỏa, đứa đứng bét lớp như cậu không dám mơ một ngày được trải nghiệm. Thầy hiệu trưởng rất ủng hộ Huy vì rất ít học sinh của trường tham gia sân chơi trí tuệ đó.
Thầy hiệu trưởng Lê Thành Thái của TH Thực hành khi ấy viết về học trò rằng: "Vương Thiện Huy của chúng ta trong vòng thi tuần có đầy đủ 3 yếu tố (kiến thức rộng, thông minh, nhanh nhẹn; tinh thần thép; có được cơ hội tốt) nên đã xuất sắc vượt qua 3 bạn chơi [...] Ở cuộc thi tháng, bạn Huy đã thi đấu xuất sắc về nhì với 220 điểm nhưng thiếu yếu tố may mắn nên phải dừng lại, thật đáng tiếc! Dẫu sao Huy của chúng ta quá tuyệt vời!".
Nhiều bạn bè thấy Thiện Huy ngày xưa quậy phá, sau được lên tivi, thi Olympia và được giải rất mừng.
Đường lên đỉnh Olympia với Huy là nơi có thể chiến thắng áp lực, biết xoay sở ngay cả khi bị dẫn trước. Sau cuộc chơi là cả cộng đồng đến từ mọi miền đất nước. Cột mốc ấy khiến cậu càng trở nên trưởng thành.
Có mất gì khi theo đuổi đam mê suốt cuộc đời đâu nhỉ?'
Tốt nghiệp cấp 3, Thiện Huy sang Nhật Bản du học ngành Quản trị kinh kinh doanh - Xã hội học theo diện học bổng.
Cậu sinh viên năm 2 khi ấy có lẽ đã yên vị tốt nghiệp, ra trường tìm công việc ổn định ở mảng Truyền thông, rồi lập gia đình, nếu như không có cuộc điện thoại từ lãnh sự quán thông báo việc cấp VISA sang Mỹ định cư cho cậu vào năm 2014.
Thiện Huy mất ngủ vài đêm suy nghĩ việc nên ở lại Nhật ổn định hay qua Mỹ làm lại từ đầu. Huy chợt nhớ đến ngày trước mình từng đam mê nghiên cứu khoa học ra sao và đã thay đổi từ học sinh cá biệt thành học sinh giỏi nhờ động lực này thế nào.
"Nghĩ đi nghĩ lại, mình thích làm khoa học hơn. Khoa học đã làm thay đổi cuộc đời mình. Có mất gì khi theo đuổi đam mê suốt cuộc đời đâu nhỉ? Thực ra, khoa học còn làm thay đổi cách mình suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống và nhân loại. Nghiên cứu khoa học, nhất là vũ trụ, mới biết con người nhỏ bé đến nhường nào. Trái Đất cũng chỉ là một hạt cát trong dải ngân hà mà thôi", Thiện Huy chia sẻ.
Để minh chứng cho lời nói của mình, Thiện Huy cho tôi xem bức ảnh có tên "Pale blue dot" do tàu không gian của NASA chụp Trái Đất từ khoảng cách 40 triệu km, trước khi quay con tàu theo hướng vốn có để đi theo không gian.
Về khoa học, "Pale blue dot" không có ý nghĩa gì ngoài tấm ảnh chụp kích cỡ trái đất nhỏ hơn 1 pixel (điểm ảnh). Thế nhưng, nó cũng nói cho chúng ta biết rằng trong không gian vũ trụ, Trái Đất chỉ là một chấm rất nhỏ.
"Tác giả yêu cầu NASA chụp bức ảnh 'Pale blue dot' trong bài diễn văn của mình đã nói: 'Tại sao trên một chấm nhỏ duy nhất gọi là nhà, chúng ta lại đánh nhau như thế?'. Điều này gợi cho mình sự cảm động, đồng thời tạo cho mình suy nghĩ thích làm khoa học và muốn thuộc về khoa học", Thiện Huy bộc bạch.
Ở Mỹ hơn 4 năm nay, Huy đã có bằng ngành Toán và Vật lý tại Cao đẳng Cộng đồng Pasadena, California, Mỹ. Vì chọn học ngành thuộc lĩnh vực STEM, học phí của cậu chủ yếu đến từ khoản học phí khuyến khích của chính phủ Mỹ.
Huy vừa học, vừa làm thêm gia sư trong trường và tham gia khóa nghiên cứu hè 10 tuần ở Viện ĐH California - Berkeley - một trong những trường công tốt nhất nước Mỹ - về Vật lý chất rắn.
Nhờ những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, Thiện Huy được nhận vào thực tập dài hạn tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy của NASA sau một năm nộp hồ sơ ứng tuyển.
Huy cũng vừa công bố phần mở rộng của thuật toán giải phương trình vi phân nhanh và hiệu quả ở một trong những hội thảo toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM).
Ý tưởng của Thiện Huy là sử dụng công thức đạo hàm của tích, tổng viết ngược lại để áp dụng giải phương trình vi phân, thay vì sử dụng những công thức "đao to búa lớn".
9X đến với đề tài trong một lần làm xong bài thi kiểm tra cuối kỳ trên trường và dùng chính đề bài đó nghĩ xem có thể làm gì từ đó. Cậu tình cờ phát hiện phương pháp viết ngược công thức để giải phương trình rất nhanh và hiệu quả. Một số sinh viên sau khi áp dụng cách "nghĩ ngược" của Huy cũng phản hồi rằng rất hữu hiệu.
"Tháng 1 vừa qua, mình giới thiệu khái niệm và triết lý cơ bản đằng sau thuật toán của mình. Vừa qua, mình áp dụng thuật toán vào phương trình Bernoulli và Euler với tốc độ, hiệu suất tăng 3-5 lần. Đầu năm sau, mình sẽ hoàn thành mục tiêu tạo ra phương pháp đơn giản, hữu hiệu để giải mọi phương trình vi phân bậc hai", Thiện Huy chia sẻ.
Huy cho rằng môn Toán chỉ khó khi không thể dùng cách diễn đạt theo cách cho người học dễ hiểu qua những triết lý cơ bản của Toán học.
Bên cạnh đó, Thiện Huy cũng theo startup có tên Alavois CE được 5 năm. Đó là phần mềm cân bằng phương trình hóa học tự động Huy bắt đầu viết từ lớp 10 (năm 2009), qua 3 phiên bản và hoàn thành năm 2014 (phiên bản 1.0 ở Việt Nam; 2.0 ở Nhật; 3.0 - 3.2 ở Mỹ) toàn bộ bằng Pascal.
Nam thực tập sinh dài hạn ở NASA vui vẻ chia sẻ vì song song làm nhiều việc, hiện cuộc sống của cậu xoay quanh việc ăn, ngủ và làm nghiên cứu. Mọi sở thích như chơi đàn organ, guitar điện, guitar bass, trống hay nhiếp ảnh đều phải gác lại.
"Ngày xưa nếu không có ngã rẽ này, chắc mình sẽ theo ngành sáng tác âm nhạc. Đôi khi thấy bạn bè đồng trang lứa ai cũng đã tốt nghiệp, có việc làm, lập gia đình, mình cũng tự dặn bản thân đừng nghĩ nhiều. Mọi sự so sánh đều không có ý nghĩa khi mỗi người lựa chọn con đường riêng", Thiện Huy tiết lộ.
Huy đang cố gắng không biết mệt mỏi để hướng đến giấc mơ cuối cùng - bay vào vũ trụ, mà năm lớp 9 cậu xem qua tivi và nghĩ phóng tên lửa hay tàu con thoi "chỉ dành cho người ngoài hành tinh".
Cậu nói rằng mình luôn có một mô-típ: Biết đến và mơ một cái gì đấy ngoài hành tinh rồi thấy gần gũi hơn, người Trái Đất có thể với tới được; tiếp đó dám nghĩ dám làm để chạm đến giấc mơ. Ngay lúc này, giấc mơ lớn nhất của Thiện Huy là được nhìn ngắm Trái Đất từ vũ trụ.
"Quê hương của một phi hành gia là Trái Đất - một cựu phi hành gia đã nói thế. Trái Đất rộng lớn, nhưng cũng nhỏ hơn 1 pixel trong tấm ảnh 'Pale blue dot' mà mình chia sẻ. Đó là lý do mình luôn tin khoa học vũ trụ có thể thay đổi được nhận thức con người", Thiện Huy khẳng định với niềm tin ánh lên trong đôi mắt.
Theo Thu Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)