Tối qua, một đoạn clip phỏng vấn nhanh các bạn trẻ tại một lễ hội về giày đã nhận được sự chú ý rất lớn từ cư dân mạng. Không hẳn là do gu thời trang độc đáo của các bạn, mà sức hút ở đây nằm ở chính giá tiền thật sự đằng sau những item thời trang ngự trên người những bạn trẻ trong clip.
Một chiếc khẩu trang có giá 1 triệu 4, một cái áo thun basic có giá 16 triệu, một đôi giày trông thì bình thường nhưng giá lên đến 60 triệu - ngang ngửa những mẫu xe tay ga đời mới. Trung bình, nhiều outfit xuất hiện trong đoạn clip này đều có giá dàn trải từ 20-90 triệu đồng.
Chỉ sau một đêm, clip gốc đã nhận về hơn 1,5 triệu view, lác đác thêm nhiều page khác chia sẻ nữa chắc cũng đã tròm trèm gần chục triệu lượt xem.
Và dễ thấy, trong số hàng nghìn bình luận để lại, hay trên các bài chia sẻ về trang cá nhân là những sự cảm thán về giá thành của set đồ. "Chỉ là quần áo mà cũng tốn cả hàng triệu đồng, có đáng không" là thắc mắc mang tính chán nản phổ biến nhất.
Ừ thì, rõ ràng việc bỏ số tiền lớn như vậy để sắm sửa một bộ quần áo đi chơi vẫn là chuyện nghe có vẻ hoang đường với đại đa số. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng ở đâu đó, đã và đang có những bạn trẻ sẵn sàng chi tiền để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, cụ thể là qua chính những thứ mà các bạn đang mặc trên người.
Khi biết được giá của những item mà các bạn trẻ khoác lên người có khi còn gấp 3, 4 lần lương cơ bản của một nhân viên văn phòng, rất nhiều người đã thốt lên: "Sao lại phải mua đồ đắt như thế?" Kèm theo đó là một loạt những gợi ý shopping với mức giá... vừa phải hơn.
Đại loại thế này:
"Cái áo giá 6 triệu của bạn nam trong clip không khác gì cái áo thun mình mới mua cách đây một tuần ở chợ Hoàng Hoa Thám. Còn đôi giày kia thì mình khuyên bạn nên ra khu Nguyễn Trãi, quận 5 mà tìm nhé. Chỉ cỡ 700k thôi nhưng chấp hết mưa gió. Còn đôi giày của bạn giá tới 18 triệu nhưng chắc trời mưa là các bạn sẽ lại cởi ra bỏ vào cặp rồi đi chân đất hết ấy mà!"
Một bạn nữ khác khi xem đến đoạn một cô nàng chia sẻ outfit của mình có giá gần 90 triệu thì lại thốt lên: "Cái túi 60 triệu và đôi giày 16 triệu cơ á??? Mình đã phải nghe đi nghe lại vì sợ nhầm nhọt chỗ nào đó. Nếu có tiền nhiều như thế thì mình chẳng bao giờ tiêu xài như các bạn đâu."
Không chỉ có những bạn trẻ ngang hàng phải lứa mới lên tiếng về cách mua sắm của các nhân vật trong clip mà kể cả những đàn anh, đàn chị cũng bất ngờ "đứng lớp" và chia sẻ về những giáo trình với nội dung: "Làm thế nào để tiêu tiền hiệu quả?"
Nhẹ nhàng nhất thì là "ngày xưa ấy mà, chị mơ đến một đôi Converse còn chẳng có mà mang". Căng thẳng hơn, vài người thẳng thừng phán xét "các em chắc chưa làm ra được đồng tiền nào nên mới có thể sắm sửa phung phí đến vậy."
Thế là trên Facebook bỗng rộ lên phong trào giảng dạy kinh tế vi mô, soạn thảo cẩm nang chi tiêu dành cho các bạn trẻ mới lớn. Nhưng không phải cho người thân, cho bạn bè, mà là cho những cậu bé, cô bé chẳng liên quan đến mình. Ai cũng ái ngại "dùm" gia đình các bạn, rằng để các bạn tiêu tiền như thế là sai quá, phí quá, mấy tấm vải manh che thân che cổ mà bằng cả mét vuông nhà ở.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây đâu hẳn là tiền. Đây là câu chuyện về sở thích và lựa chọn của mỗi người cơ mà?!
Quần áo, giày dép thì cũng tương tự việc bạn mua mấy ly trà sữa. Có người thích uống trà sữa 15k bán ở lề đường, nhưng cũng có những người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi được tu ừng ực một ly sữa tươi trân châu đường đen size lớn giá gần 80k.
Và giả sử bây giờ bạn mua ly nước 80k xong bị người khác nhảy vào góp ý chê bai chỉ vì ly nước của bạn có giá gấp 4 lần của họ, bạn có thấy họ chưa được duyên dáng hay không? Áp dụng tương tự với câu chuyện mua quần áo hàng hiệu nhé.
Cuộc sống của chúng ta ai cũng mưu cầu hạnh phúc, áp dụng cho cả các quyết định của bản thân trong việc ăn nhà hàng hay vỉa hè, uống trà sữa hay nhâm nhi trà đá, mua quần áo đắt tiền hay chỉ làng nhàng vừa đủ. Con người không ai giống nhau, nhận thức giá trị hạnh phúc cũng chẳng ai khớp trùng.
Có người thích sống phô trương, có người lại thích khiêm tốn dung dị. Bạn không thể bắt người phô trương phải khép kín mới hạnh phúc, hoặc không thể bắt người khép kín phải phô diễn mọi thứ cho thiên hạ cùng xem.
Có những người dồn tất cả tiền đi du lịch để ở khách sạn 5 sao và chấp nhận ăn mì gói. Miễn họ thấy hạnh phúc.
Có những người dành tiền mua hết các mẫu điện thoại mới nhất, nhưng chỉ đi một chiếc xe đạp. Miễn họ thấy hạnh phúc.
Và có những người mua một tá quần áo hàng hiệu, kể cả chục triệu một chiếc áo phông, miễn điều ấy khiến họ thấy vui, chẳng ai có quyền cấm cản. Chiếc áo giá 10 triệu với người chỉ có 20 triệu trong tài khoản ngân hàng có thể là một vấn đề, nhưng với những người có cả trăm triệu thì cũng chỉ như dằn tiền mua một ly sữa tươi trân châu đường đen mỗi sáng.
Chưa kể rằng quần áo ở đây không chỉ mang tính chất che nắng che mưa mà còn là thứ giúp các bạn tự tin hơn, nói lên được những châm ngôn sống, những suy nghĩ ẩn giấu bên trong mỗi con người (hidden statement). Quần áo có khả năng nói lên rằng chủ nhân nó là ai, tương tự với chiếc giá sách trong phòng một người thích chữ nghĩa.
Mà những thứ này chẳng phải rất xứng đáng để chi trả hay sao?
Và nếu như không có những bạn trẻ chịu chơi trên, liệu cơ hội nào cho chúng ta được nhìn thấy những Off-White, những Balenciaga, Gucci, Louis Vuitton hay đủ các nhãn thời trang xa xỉ mà không phải chỉ ôm lấy Fashion TV hay các ấn phẩm tạp chí thời trang danh giá?
Tiền ai người nấy giữ, tiêu sao người ta chịu. Hạnh phúc là dành cho họ, chứ đâu ai chi tiền để làm vừa mắt người xung quanh?
Tiêu dùng thông minh không phải là có bao nhiêu cũng đem về cất ống heo giấu chặt dưới ngăn tủ. Tiêu dùng thông minh là biết khả năng mình đến đâu, tiêu xài đúng với mức sống cá nhân và biết cách chi trả để bản thân được hạnh phúc. Mục đích tối thượng của cuộc đời chẳng phải cũng chỉ là để cảm thấy hạnh phúc và thoải mái thôi sao?
Thay vì lên mạng góp thêm vài viên gạch cho một cuộc chiến không có hồi kết thì tốt nhất là mỗi người cứ làm việc và tận hưởng cuộc sống theo cách của mình.
Nếu thứ gì khiến bạn hạnh phúc và có thể mua được bằng tiền thì cứ mua thôi. Chỉ cần bạn thấy mình xứng đáng với những thứ đắt tiền đó, và tiền sắm được là tiền bạn tự kiếm ra bằng sức lao động, hoặc tiền được bố mẹ ưu ái dành cho - thì tại sao lại phải cảm thấy xấu hổ vì mình sắm một đôi giày đắt hơn, một chiếc áo xa xỉ? Đầu óc, tâm trí hãy để dành cho những thứ khác không ai có thể mua được nhé.
Theo Nhật Chung - Tuấn Maxx (Helino)