Bà mẹ trẻ và giờ phút đối mặt cái chết khi trekking
Trước thông tin một phượt thủ tử vong sau nhiều ngày mất tích khi khám phá cung đường Tà Năng – Phan Dũng gây xôn xao dư luận, nhiều người đã liên tục chia sẻ kinh nghiệm xương máu của mình khi trekking (Đi bộ đường dài, đi bộ leo núi nhiều ngày tới những vùng đồi núi có địa hình gồ ghề, lởm chởm).
Chị Nguyễn Hồng Thu, một bà mẹ đến từ thành phố Hồ Chí Minh đã kể về lần suýt chết khi vượt cung đường Tà Năng – Phan Dũng, được mệnh danh là cung đường rừng trekking đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam với tính chất địa hình đồi núi, trải dài hơn 50km.
Theo chị Hồng Thu, cuối tháng 9 năm ngoái, vì muốn cho 2 cô con gái nhỏ trải nghiệm du lịch khám phá nên chị cùng mấy bạn đồng nghiệp mua tour đi trekking cung đường Tà Năng.
"Vốn là người không biết sợ là gì, nhưng đây là lần đầu tiên mình cảm thấy kinh hoàng khi phải đối mặt với cái chết. Hôm ấy, sau khi đi bộ một chặng đường dài gần chục km, chỉ còn một con suối nữa là đến khu cắm trại, khoảng tầm 4h chiều, một cơn mưa như trút nước bắt đầu đổ xuống", chị Thu nhớ lại.
Theo lời chị Thu, lúc đó, đoàn bị tách làm hai: Con gái lớn của chị cùng vài người bạn sang được bên kia suối, còn chị, con gái nhỏ cùng 7 bạn nữa bị kẹt lại ở bên này.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước từ trên rừng đổ xuống ầm ầm, con suối hiền hoà bỗng nhiên gầm thét dữ dội. Dưới cơn mưa đó, cả đoàn ở hai bên suối chờ nhau.
Một tiếng... hai tiếng... mưa không ngớt, nước suối không rút, trời thì sầm sập tối. Porter (người dẫn đường) không có dao, chẳng có dây thừng, bật lửa ướt sũng cũng chẳng thể bật nổi lửa, sóng điện thoại tuyệt nhiên không có một vạch nào.
"Tận cùng của tuyệt vọng, mình bảo với porter và mọi người trong đoàn, không thể chờ được vì trong điều kiện này, nếu kẹt ở giữa rừng kiểu gì cũng chết, chi bằng liều quay ra, mệt cũng phải quay ra" - chị Thu cho hay.
Ngay lập tức, đoàn 9 người còn lại quay trở ra khỏi rừng. Còn những người bên kia suối tiếp tục đi lên đỉnh đồi để dựng trại.
Con đường đi về cực kỳ gian nan, cả đoàn phải băng qua bốn con suối. Có chỗ phải bám thanh tre để bò qua, có chỗ lòng suối rộng như một con sông nhỏ, nước ngập đến gần cổ, phải nắm tay nhau, chân phải bám thanh gỗ mà đi.
"Cũng may, đến gần 1 giờ sáng mọi người ra được đến đường. Và ngày hôm sau, con gái lớn cùng mấy đồng nghiệp sau khi cắm trại an toàn trên đỉnh đồi cũng trở về" - chị Thu kể.
Sau hàng loạt câu chuyện về những rủi ro, nguy hiểm trong hành trình được các phượt thủ kể lại, nhiều người không khỏi cảm thấy e dè, thậm chí muốn hủy các chuyến đi khám phá rừng núi đã lên kế hoạch từ trước.
Nhưng liệu đây có phải là giải pháp đúng đắn? Vì muốn đảm bảo an toàn mà không dám đi chơi xa, khám phá những vùng đất mới thì bạn sẽ mãi mãi chẳng bao giờ có được trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá.
Do vậy, lựa chọn tốt nhất là hãy lên đường với trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và những kĩ năng sinh tồn cần thiết được trang bị kĩ càng từ trước, để thấy cuộc đời có rất nhiều điều hay ho, thú vị.
Những nguyên tắc cần ghi nhớ khi trekking
Sau chuyến đi khủng khiếp mà chị Hồng Thu chia sẻ, chị đã đúc rút được những kinh nghiệm nhớ đời:
"Thứ nhất, trước khi đi trekking, phải nghiêm túc và cẩn thận nghiên cứu về chuyến đi, vẽ nên mọi tình huống và phương pháp dự phòng.
Thứ hai, kiểm tra thật kỹ năng lực, sự chuẩn bị của người dẫn đường vì không phải ai cũng có đầy đủ kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp để ứng phó trong mọi tình huống.
Thứ ba, không nên đi Tà Năng - Phan Dũng vào mùa mưa vì rất nguy hiểm, mưa và lũ có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Thứ tư, phải luôn đi cùng nhau. Dù có bất kỳ mâu thuẫn, xích mích nào cũng không bao giờ được phép tách đoàn đi một mình"
Phượt thủ Đăng Khoa, ở thành phố Hồ Chí Minh, người từng có kinh nghiệm "phượt" nhiều năm và đặc biệt anh cũng rất đam mê trekking nhắn nhủ đến các bạn đang có ý định đi trekking không chỉ Tà Năng - Phan Dũng, mà đi bất cứ nơi đâu:
"Rất mong mọi người hãy chuẩn bị mọi thứ thật kĩ lưỡng, cả kĩ năng lẫn sự chuẩn bị chu đáo. Không bao giờ chủ quan mà xông pha khi không biết rõ đường đi nước bước hoặc tiếc tiền không thuê người dẫn đường thành thạo và nhiều kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ cho những chuyến đi thế này"!"
Trekker Bình Nguyên chia sẻ thêm: "Bản thân cũng là người đam mê trekking, yêu thích sự tự do và trải nghiệm sinh tồn trong rừng.
Kinh nghiệm chưa thật sự nhiều khi chỉ mới đi núi Chúa Chan, núi Chúa và cung đường Tà Năng - Phan Dũng nơi xảy ra vụ việc đau lòng vừa qua, nhưng mình có thể cảm nhận được sự hiểm nguy của thiên nhiên núi rừng sau mỗi chuyến đi và luôn cố gắng trang bị tốt nhất cho bản thân.
Trước mỗi chuyến đi, nhớ chuẩn bị đủ đồ dùng cần thiết, thông tin địa hình mình sẽ đến, bản đồ, định vị...đi theo nhóm và đặc biệt đừng quá ỷ lại vào trưởng đoàn mà hãy tự trang bị kiến thức cho bản thân.
Kinh nghiệm sẽ tăng dần sau mỗi chuyến đi, mỗi cá nhân phải biết mình đang đi đến đâu và cần phải học các kiến thức sinh tồn cơ bản như cách xác định hướng, cách gây chú ý cho đồng đội khi bị lạc (bằng khói, còi...), cách tìm nguồn nước, cách tạo lửa, cách dựng trại, giữ ấm cơ thể..."
Trekking không phải là một cuộc dạo chơi, không dành cho những người thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng sinh tồn, ngay cả những người đã dày dặn kinh nghiệm cũng có thể gặp phải sự cố vì thiên nhiên là không lường trước được.
Vậy nên, cách tốt nhất là nên trang bị kiến thức cho bản thân thật tốt trước mỗi chuyến thám hiểm để có một chuyến đi an toàn, bổ ích.
Theo Ngân Hà (Soha/Trí Thức Trẻ)