Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một nhóm thanh niên tụ tập "ăn xin" trên đường phố Đại Lý (Vân Nam) gây xôn xao dư luận. Họ ngồi trên vỉa hè với tấm bìa carton ghi dòng chữ "xin ăn", nhưng lại dành thời gian hút thuốc, uống rượu, trò chuyện và chụp ảnh. Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý và gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Anh Dương, một thành viên trong nhóm "ăn xin" chia sẻ với tờ Xiaoxiang Morning Herald rằng, nhóm ăn xin đặc biệt có khoảng 80 thành viên, một số người làm việc ở Đại Lý, những người khác chỉ đến đây một thời gian.
“Đây không thực sự là ăn xin theo nghĩa truyền thống mà là cách để có một khoảng thời gian vui vẻ. Những người qua đường thường cho chúng tôi thuốc lá, bia, đồ uống và đồ ăn nhẹ, và chúng tôi hiếm khi nhận tiền", Yang giải thích. Tuy nhiên, một số thành viên cũng chia sẻ mã QR tài khoản của họ để ai có hảo tâm thì ủng hộ, số tiền thường là 5, 10 hoặc 100 nhân dân tệ (mỗi tệ bằng 3.500 đồng).
Dương mô tả hình thức ăn xin này là một cách giao lưu hiện đại : “Không chỉ chúng tôi mà còn nhiều người khác cũng tham gia. Tất cả những gì bạn cần làm là rút điện thoại ra, gõ từ 'xin', đặt xuống đất và ngồi xuống”.
“Đây là một hình thức xả stress mới và có phần nổi loạn. Những người cởi mở dễ tham gia với chúng tôi hơn. Theo truyền thống thì điều này có thể bị coi là không đúng chuẩn mực, tuy nhiên chúng tôi đang muốn thoát khỏi những tiêu chuẩn thông thường. Chúng tôi không gây hại hoặc lừa dối bất kỳ ai", anh nói thêm.
Dù trào lưu này mang tính vui vẻ và vô hại, chính quyền địa phương vẫn bày tỏ lo ngại về hình ảnh đô thị. Ngày 4/3, Ban Quản lý và Bảo vệ Thành cổ Đại Lý đã thành lập một đội đặc nhiệm nhằm ngăn chặn hoạt động này thông qua các biện pháp can thiệp thường xuyên.
Bên cạnh đó, Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Đại Lý cũng công bố kế hoạch thúc đẩy du lịch văn minh, kêu gọi cả du khách và người dân địa phương giữ gìn hình ảnh công cộng.
Trào lưu "ăn xin vui vẻ" được cho là phản ánh xu hướng tangping ("nằm thẳng") - một phong trào nổi bật trong giới trẻ Trung Quốc nhằm thoát khỏi guồng quay công việc kiệt quệ, đặc biệt là văn hóa 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần). Những người theo phong trào này muốn sống chậm lại, tìm kiếm bản thân và thoát khỏi áp lực xã hội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lối sống này. Trên mạng xã hội Trung Quốc, cuộc tranh luận về trào lưu "ăn xin vui vẻ" đang diễn ra sôi nổi.
Một số người ủng hộ cho rằng đây là một loại hình nghệ thuật biểu diễn: "Đây không phải ăn xin, mà là nghệ thuật đường phố".
"Thực tế mà nói, điều này hoàn toàn hợp lý. Lương 3.000 nhân dân tệ (410 USD) một tháng thì chỉ đủ trả tiền nhà và ăn uống, lại còn phải chịu đựng một ông sếp khó tính. Ít nhất, nếu 'ăn xin', bạn có thể được ăn miễn phí ban ngày và tận hưởng cuộc sống về đêm", một người khác đồng tình.
Tuy nhiên, nhiều người phản đối, cho rằng giới trẻ nên sống có trách nhiệm và tự trọng: "Dựa vào lòng thương hại của người khác để sống? Còn tự tôn của các bạn đâu?".
PN (SHTT)