Hiện nay, mức độ cạnh tranh trên thị trường việc làm tại Trung Quốc cực kỳ gay gắt, ngay cả với những sinh viên trường top.
Điều này khiến nhiều người sẵn sàng gác lại tấm bằng cử nhân để làm những công việc bình thường nhưng thu nhập tốt.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một nữ sinh tốt nghiệp ngành kinh tế và thương mại quốc tế tại ĐH Trịnh Châu (top 40 trong nước) kiếm được hơn 10.000 NDT/tháng (khoảng hơn 34 triệu VNĐ/tháng) dựa vào việc thu gom phế liệu.
"Tôi đã đạt được một mức độ tự do tài chính nhất định với công việc này", cô gái họ Hoàng chia sẻ. Cô cũng cho biết tuy mệt nhưng bản thân cảm thấy rất vui.
Sau khi tốt nghiệp năm 2018, cô gái đã thay đổi 3-4 công việc. Tháng 8/2022, vì không muốn lặp lại công việc cũ, người này đã nghỉ việc và bắt đầu kinh doanh thu gom đồng nát.
Ban đầu, cô gái trẻ sợ mất mặt nhưng sau đó, cô nhận ra rằng những điều này không quan trọng. Cô cho rằng, trình độ học vấn không nên là xiềng xích trói buộc bản thân và mong rằng mọi người nên đủ dũng cảm để làm những gì mình muốn.
Đối với cô, thu gom phế liệu là bước đầu tiên để bắt đầu công việc kinh doanh lâu dài. Cô Hoàng hy vọng sẽ liên kết các hoạt động tái chế và dịch vụ vệ sinh trong tương lai.
Về sự lựa chọn của cô gái trẻ, một số cư dân mạng Trung Quốc khen ngợi và bày tỏ sự ngưỡng mộ. "Thật tuyệt khi được làm những gì mình muốn".
Trong khi đó, nhiều cư dân mạng cho rằng cô gái đang lãng phí học vấn và tài năng của mình.
Đánh giá thực lực, thích ứng thị trường
Vào năm 2023, khi số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc tăng mạnh, tình hình việc làm sẽ cực kỳ khốc liệt. Đối mặt với thực tiễn đó, người trẻ quốc gia tỷ dân này buộc phải đưa ra những lựa chọn hợp lý.
Nhiều người quan niệm rằng phải vào đại học và vào trường danh tiếng, tương lai chắc chắn xán lạn. Thực tế, quan niệm này không còn phù hợp.
Học vị, bằng cấp là hành trang để một số sinh viên đi xin việc, nhưng tuyển dụng dựa trên học vị đã xa rời xu thế phát triển của thời đại.
Trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân, mỗi người trẻ cần hình thành tư duy xã hội về thực lực. Trên cơ sở đó, họ có thể hoạch định phương hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân, muốn làm gì hoặc có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mỗi người đều có kế hoạch nghề nghiệp và tầm nhìn tương lai khác nhau. Câu chuyện của cô gái họ Hoàng không có nghĩa là ủng hộ tất cả sinh viên đại học "đi nhặt rác”, cũng không khuyến khích các em cân nhắc nghề đồng nát.
Nó truyền đi thông điệp rằng, mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học nên lập kế hoạch phát triển phù hợp với năng lực bản thân dựa trên tình hình thực tế và môi trường việc làm hiện tại.
Theo Tử Huy (VietNamNet)