Tốt nghiệp bằng giỏi, Gen Z 'vỡ mộng' và hụt hẫng khi không xin được việc ưng ý

10/01/2024 14:50:16

Không ít bạn trẻ ra trường, cầm CV đi tìm việc đã vỡ lẽ cuộc sống không phải màu hồng như tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Gen Z được đánh giá cao trong thị trường việc làm bởi là thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh, tầm nhìn rộng mở. Nhưng giữa một xã hội cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, ứng viên Gen Z cũng phải chịu áp lực không nhỏ. Thậm chí, không ít bạn trẻ ra trường, cầm CV đi tìm việc đã vỡ lẽ cuộc sống không phải màu hồng. Thế rồi họ nhận ra bản thân đang đối mặt với một áp lực mới: tìm được việc làm.

Ngọc Trang (SN 2001, quê Hà Nam) sau khi tốt nghiệp loại Giỏi của trường đại học top đầu Hà Nội nghĩ rằng bản thân sẽ tìm thấy công việc phù hợp với mức lương tạm ổn. Vậy mà suốt 3 tháng qua, cô không được bất cứ công ty nào gọi đến phỏng vấn.

“Trong các mail xin việc, em đều nói rõ ưu điểm của bản thân cùng kinh nghiệm làm part - time tại một số công ty. Song nhà tuyển dụng không mấy quan tâm, chẳng thấy gọi điện đến phỏng vấn.

Có lần em chủ động liên lạc với chị bên quản lý nguồn nhân lực hỏi vì sao CV đẹp như vậy vẫn không có cơ hội. Chị đáp rằng giờ kinh tế suy thoái, lao động thất nghiệp tăng cao nên ứng viên lên tới hàng trăm người. Công ty đành lựa chọn cá nhân thành thạo với nghề, đỡ mất công đào tạo.

Em nghe xong quá sốc và hụt hẫng. Em cũng nhận ra dù bản thân học giỏi đến mấy vẫn chẳng dễ dàng có được công việc ổn định như bản thân từng nghĩ”, Ngọc Trang nói.

Dù buồn nhưng cô gái trẻ không cho phép bản thân nản chí. Cô nàng miệt mài rải CV khắp các công ty với hi vọng có nơi cần cô, kể cả lương 5 triệu đồng. Tuy nhiên, thị trường việc làm thật tàn khốc, cô chẳng thể kiếm được việc. Bố mẹ động viên hãy trở về nhà vài tháng, đợi qua Tết rồi lên lại thành phố kiếm việc làm. 

Theo các chuyên gia lao động, khi vừa ra trường, ứng viên trẻ sẽ cần khoảng 1 năm để làm quen, tìm hiểu công việc. Đến năm thứ hai theo đuổi công việc, họ mới có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ, học hỏi, trải nghiệm và từ năm thứ ba trở đi mới có thể đóng góp đáng kể. Trong thời gian ngắn, doanh nghiệp cũng khó có thể hoạch định thời gian phát triển cho nhân sự trẻ.

“Nhiều anh chị nói với em đây là thời điểm các công ty, doanh nghiệp không tuyển người, phải qua Tết thị trường việc làm mới nhộn nhịp trở lại. Khi đó em sẽ có nhiều cơ hội nên việc về quê với bố mẹ là hợp lý.

Song em tự thấy xấu hổ với hàng xóm, bạn bè, cũng không muốn bố mẹ đau đầu vì câu hỏi: “Cái Trang bằng giỏi mà lại về quê à?”. Do đó em quyết định tìm việc gì đó làm tạm trong thời gian cận Tết Nguyên đán, vừa có đồng ra đồng vào, vừa giúp bản thân đỡ căng thẳng”, Gen Z bộc bạch.

Ngọc Trang cho biết thêm, nhiều bạn bè trong lớp đại học của cô nàng cũng rơi vào tình cảnh oái oăm như vậy. Họ không thể xin được việc ưng ý giữa bối cảnh kinh tế suy thoái, lại trúng dịp cuối năm, đành đợi qua Tết 2024 quay lại tìm kiếm công việc.

“Có đứa về quê nương nhờ bố mẹ vài tháng, có đứa đi chạy bàn như em. Chúng em ban đầu chán nản lắm, nghĩ bao công nuôi ăn học của bố mẹ mà giờ lại “thất bại” như thế! Thế rồi chúng em tự động viên nhau do kinh tế khó khăn, các công ty không thể tuyển thêm người chứ không phải do năng lực yếu kém.

Chúng em cũng đùa với nhau rằng vì là Gen Z thế hệ 10X nên phải trải qua đôi lần sóng gió trong công việc. Khi vượt qua được, chúng em cũng sẽ yên ổn như các anh chị “đời đầu””, cô gái tâm sự.

Đầu tháng 10/2023, Văn Sơn (SN 2001, quê Hưng Yên) tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí của một trường đại học kỹ thuật. Cậu cùng nhóm bạn gửi CV vào một công ty chuyên sản xuất đồ điện tử để có cơ hội làm việc với nhau nhưng thất bại.

“Họ trả lời rằng cuối năm công ty không có đơn đặt hàng, kinh tế lại suy thoái nên không có nhu cầu tuyển người. Mình hỏi vì sao trên trang web của công ty vẫn để thông báo tuyển dụng thì nhận được câu trả lời đã có từ lâu, chưa kịp gỡ.

Thế là ước mơ làm chung của chúng mình tan biến. Nhóm 7 thằng đành chia tay nhau, đứa về quê làm tại xưởng của gia đình, đứa lên Hà Nội làm tạm việc gì đó. Mình cũng lựa chọn ngược về thành phố làm nghề chạy xe ôm công nghệ”, Sơn chia sẻ.

Sơn giấu gia đình chuyện chạy xe ôm tại Hà Nội. Cậu không muốn bố mẹ phiền lòng chuyện con trai không xin được việc, phải làm công việc “dầm mưa dãi nắng” cả ngày ngoài đường. “Mình về quê, ai cũng hỏi làm gì, lương thế nào... Mình phải nói dối rằng cháu làm trong một công ty điện tử, lương đủ sống ở Thủ đô.

Mình không đủ can đảm thừa nhận bản thân không xin được việc, đi chạy xe ôm. Mẹ mình biết sẽ đau lòng lắm!”, chàng trai nói.

Mỗi ngày, Sơn dậy từ 5h30 rồi xách xe máy ra khỏi phòng trọ. Sau đó cậu bắt đầu những chuyến xe chở các bé đi học, người lớn đi làm và người già đi bệnh viện. Cậu bảo công việc chỉ vất vả những khi trời mưa, còn giá rét vẫn có thể chịu được.

“Mình là trai tráng, dăm ba hôm rét đậm rét hại chẳng là gì cả. Mình chỉ sợ trời mưa, cả người ướt nhèm mà hệ thống còn ít nổ cuốc. Song nhìn chung công việc này đem lại thu nhập ổn, có ngày “trời thương” mình chạy được 1.000.000 đồng, trừ xăng xe và tiền ăn cũng dư ra tầm 800.000 đồng. Còn ngày ế chỉ để ra được 200.000 – 300.000 đồng thôi.

Mình tính ra Tết sẽ thi tuyển vào một số khu công nghiệp ở quê xem như thế nào. Bởi bản thân trải nghiệm như vậy là đủ, không thể gắn bỏ với nghề chạy xe ôm công nghệ mãi được”, Sơn nói.

Theo báo cáo tình hình lao động, việc làm quý 4 và cả năm 2023: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 là 7,63%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với năm trước.

Cũng trong quý IV, cả nước có gần 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,5% tổng số thanh niên).

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý giai đoạn 2020-2023

Theo Ngọc Hà (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật