Tôi cần học người như giáo sư mặc quần cộc

24/04/2017 19:34:00

Việc GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen mặc quần cộc khi đang trò chuyện với sinh viên, có chi mà phải ầm ĩ! Những đứa từng là học sinh, sinh viên như chúng tôi cần những người thầy như vậy.

Việc GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen mặc quần cộc khi đang trò chuyện với sinh viên, có chi mà phải ầm ĩ! Những đứa từng là học sinh, sinh viên như chúng tôi cần những người thầy như vậy.

Tôi mà được ngồi trực tiếp nghe thầy Thành giảng trong buổi đó, chắc phải khoái chí mà đánh vào đùi cái đét cho sướng. Vì từ lâu lắm rồi, tôi mới nghe một người thầy khuyến khích sinh viên của mình hãy tự do sáng tạo bằng những lời lẽ như vậy, quan trọng hơn là thầy dám hành động.

Tôi cần học người như giáo sư mặc quần cộc
 

Trả lời báo chí, thầy Thành có nói: “... Ở đó, tôi nói rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, trong những gì chúng ta cho là được và không được… thì mới có khả năng sáng tạo. Nếu không sẽ luẩn quẩn trong những điều hiện có và không thể đột phá được”.

Quá đã! Các bạn sinh viên hãy thấy mình còn may mắn khi được học một người thầy dám làm những chuyện “điên rồ”.

Tôi nhớ, thời còn là học sinh cấp III, tôi đã từng ăn hai cái hột vịt tròn vo trong bài kiểm tra môn hóa vì cách giải của mình khác với những gì cô giáo dạy, dù kết quả có đúng đi chăng nữa. Trong những bài kiểm tra môn văn, tôi cũng viết ra những tình cảm, cảm nhận của mình khác với bài kiểm tra của các bạn, khác với lời cô giáo dạy, cô bảo tôi cảm nhận sai, không đúng lời cô dạy...

Tôi đã thấy thất vọng. Thất vọng vì thầy cô đã không cho chúng tôi được tự do thể hiện những suy nghĩ cá nhân mà gò ép chúng tôi vào những suy nghĩ, những cách giải bài tập đã được định hình sẵn. Tôi không biết thầy cô có nhàm chán hay không khi bài văn nào nộp lên chỉ cùng một lối cảm nhận và tư duy, cùng những từ ngữ thể hiện tình cảm, chủ đề. Lớp có 45 học sinh, 45 bài cùng một kiểu như nhau.

Và dĩ nhiên, suốt những năm đó, tôi không biết các bạn như thế nào, riêng tôi thì cứ luẩn quẩn, giam mình trong những suy nghĩ cũ kĩ, chẳng thể bứt phá lên được. Tôi không hoàn toàn đổ lỗi cho thầy cô, nhưng tôi nghĩ lũ học sinh chúng tôi cần được định hướng và kích thích sức sáng tạo của mình chứ! Dần dần, tôi cứ e dè và ngại thể hiện suy nghĩ của mình với mọi người vì sợ “khác biệt” quá.

Lên đại học, thầy dạy môn Phỏng vấn đưa ra đề bài cho bài cuối kì của lớp chúng tôi là hãy thực hiện một bài phỏng vấn với bất kì người nào. Thay vì đi kiếm một ai đó để thực hiện phần bài tập này, tôi lại tự phỏng vấn chính mình. Lúc nảy ra ý định này, tôi không hoàn toàn nghĩ mình cá tính hay lập dị gì cả. Tôi chỉ nghĩ mình cần thể hiện những gì mình nghĩ, thế thôi. Và, tôi được thầy chấp nhận.

Một lần khác, khi thầy dạy môn Nhập môn xuất bản ra đề bài hãy giới thiệu về một cuốn sách mà mình yêu thích. Tôi chọn viết về cuộc đời của chính ba mẹ mình mà không phải là cuốn sách nào mà tôi từng đọc. Gửi bài đi, tôi cứ phập phồng lo sợ và chuẩn bị sẵn tâm lí nhận điểm kém. Nhưng không, người thầy đó cho tôi 9 điểm. Tôi nhảy cẫng lên, không phải bài mình đạt điểm số cao hơn các bạn mà đơn giản, vì thầy chấp nhận suy nghĩ của tôi.

Thầy cho tôi cơ hội tự băng qua cái rào cản của mình từ thời cấp III để bung sức ra mà nghĩ, mà sáng tạo, thay đổi nhận thức của mình.

Tôi nghĩ, thế hệ học sinh, sinh viên sau này cần nhiều người thầy như thầy tôi, như thầy Thành!

Dường như, con người càng lớn càng bị bó buộc bởi những luật lệ, định kiến hay ý nghĩ của người khác...Vô tình, chúng ta dần dần nhốt suy nghĩ của mình vào những giới hạn sẵn có. Nhìn vào thế hệ thanh niên của chúng ta ngày nay đi, phần đông các bạn sống quá giống nhau. Đọc được một câu nói hay trong sách, mang post lên facebook; đi nhà sách thì lục tìm những cuốn sách của tác giả hot, tìm qua tìm lại coi câu nào được được thì chụp hình lại để về nhà lại post facebook... Tôi có biết nhiều bạn trẻ như vậy. Dần dần, bạn nào cũng có quan điểm sống giống nhau, theo kiểu tràn lan như vậy, mà quan điểm đó là của “người ta” chứ đâu phải do sự trải nghiệm của chính các bạn.

Rồi những người cha, người mẹ thì sao. Họ sẽ chỉ nói với con rằng những điều con được phép làm và không làm mà chẳng bao giờ hỏi con rằng “Con nghĩ con sẽ làm thế nào?” hay “Quan điểm của con thế nào?”... Họ nhốt con mình trong những suy nghĩ hạn hẹp, chúng sẽ chỉ biết tìm đến sự phá cách đó bằng những trang sách viết về cô bé Totochan mà thôi.

Một người chị của tôi từng đến một vùng đất ở Ấn Độ kể lại, thầy cô ở đó đã dạy học trò của mình theo cách mà chúng muốn. Đứa trẻ chỉ muốn trò chuyện và làm bạn với con cừu, thầy cô sẽ cho chúng chơi và làm bạn suốt ngày với cừu chứ không ép học chữ, học đếm số... Nói tôi nghe, bao nhiều phần trăm trong số những người làm cha, làm mẹ, làm thầy của chúng ta mạnh dạn cho phép con em mình được học với con cừu như vậy, hay lại cho rằng thần kinh con mình có vấn đề?

Những hành động của thầy Thành trên giảng đường, chẳng có gì phải ầm ĩ cả. Thầy đang giúp sinh viên nhận thức là cần vứt bỏ giới hạn trong suy nghĩ trước rồi mới phát triển được tư duy sáng tạo, tôi thấy đó điều rất cần hay sao. Thậm chí, thầy mà có khỏa thân luôn cũng chẳng sao. Còn là sinh viên thì tôi sẽ đu bám theo thầy mà học còn hơn là nghe những lời rao giảng nhạt nhẽo, cứ vật vờ ngồi nghe cho có mà chẳng thu được gì.

Hiệu phó ĐH Hoa Sen: Bận áo vest, quần ngắn để tạo điểm nhấn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS. Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng việc GS các nước lên lớp mặc áo thun, quần ngắn là chuyện khá bình thường.

"Vấn đề là GS đó truyền thụ kiến thức như thế nào đến người học. Đồng thời học sinh ghi nhớ vấn đề đó một cách bổ ích nhất. Trong không gian học thuật mà tôi đứng lớp với chủ để “Lộ trình sáng tạo”, tôi mặc áo vest, quần ngắn nhằm mục đích tạo điểm nhấn để thu hút học sinh và muốn học sinh hướng đến sự sáng tạo. Tôi muốn truyền thông điệp và nhắc nhở sinh viên cái gì người khác chưa làm được mà mình làm được, thì đó là sáng tạo. Ngược lại, cái gì người khác làm được thì đó là lối mòn. Trang phục mà tôi mặc không quá hở hang, gây phản cảm và nó gắn với không gian học thuật cụ thể, chứ ở một nơi khác thì tôi không thể hiện như vậy. Nếu khi ra đường mà tôi mặc quần ngắn, áo vest thì có khi người ta bảo tôi hâm hâm"- GS Thành nói. 

AN NHIÊN 

Theo Thanh Tuyền (Pháp Luật TPHCM)