Gần đây, một tài khoản TikTok có hơn 67.000 lượt theo dõi và hơn 1 triệu lượt xem của thanh niên tên L.T.T khiến cư dân mạng bức xúc khi đăng tải hàng trăm clip quay lén các bạn nữ diện bikini ở nhiều bãi biển khác nhau.
Theo đó, người này lấy cớ "phỏng vấn dạo" để tiếp cận và ghi lại hình ảnh của các bạn nữ. Đáng chú ý, trong các clip được đăng tải, hầu hết các cô gái đều từ chối trả lời, một số người yêu cầu xóa video nhưng trước sự phản ứng đó, người này lại làm lơ rồi bỏ đi chỗ khác và sau đó clip vẫn được đăng tải lên mạng xã hội. Thậm chí, thanh niên này còn quay lén các bạn nữ từ xa mà họ không hề hay biết.
Trước hành động trên của thanh niên T., rất nhiều cư dân mạng tỏ ra bức xúc, lên tiếng để lại bình luận chỉ trích bên dưới các clip mà tài khoản này đăng tải. Nhiều người cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật khi tự ý sử dụng hình ảnh của người khác mà chưa được sự cho phép.
Tối 29/5, nam TikToker này đã đăng video lên tiếng xin lỗi nhưng các clip quay lén vẫn giữ nguyên. Ngày 30/5, T. lại tiếp tục đăng tải clip mới với nội dung tương tự các clip trước đó khiến rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành động bất chấp câu view của thanh niên này.
Trước làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng, người này đã khóa kênh TikTok. Tuy nhiên, ngày 1/6, nhiều tài khoản TikTok mới được lập đăng tải các clip với nội dung tương tự clip của T. lên MXH.
Hành vi gây tổn thương
Liên quan đến sự việc trên, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất bức xúc trước hành vi của Tiktoker T. Bởi hành vi này có thể khiến nhiều bạn trẻ bị tổn thương, ảnh hưởng đến hình ảnh và cuộc sống của họ.
Hành vi của T. không chỉ phản cảm mà còn là hành vi quấy rối, cần phải được lên án gay gắt", bà Hà nói.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết, trong thời đại số, mạng xã hội đã trở nên phổ biến và gần như là một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, mạng xã hội cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là việc vi phạm quyền riêng tư khi có người sử dụng nó để phát tán hình ảnh cá nhân mà không được sự cho phép.
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì hình ảnh cá nhân là quyền nhân thân của mỗi người, việc đăng ảnh người khác trên mạng xã hội được coi là việc sử dụng hình ảnh của người khác. Khi sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội phải được sự đồng ý của họ.
Do vậy nếu tự ý đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm có thể bị xem xét xử lý hành chính, xử lý hình sự hoặc bồi thường thiệt hại nếu có theo quy định pháp luật.
Luật sư Bình cho biết, theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sửa đổi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Cá nhân có hành vi tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác đăng lên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, tổ chức vi phạm thì mức phạt áp dụng bằng 2 lần so với cá nhân vi phạm. Đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp nếu hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự cho phép của người đó nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các nạn nhân cần làm gì để tố cáo?
Ngoài việc có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì đối tượng có hành vi đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội mà không được sự cho phép còn có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 khi nạn nhân có yêu cầu. Các khoản bồi thường có thể bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu thập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại khác do luật quy định.
Trong tình huống này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân các nạn nhân có thể thực hiện các bước pháp lý sau: Đầu tiên, lưu giữ bằng chứng về hành vi vi phạm, bao gồm cả hình ảnh và đường link đến nội dung đã được đăng tải.
Tiếp theo, liên hệ với cơ quan công an để trình báo vụ việc và yêu cầu hỗ trợ pháp lý. Đồng thời nạn nhân có thể tìm đến sự giúp đỡ của luật sư để được tư vấn và đại diện trong quá trình giải quyết vụ việc. Việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng là một phần quan trọng của khung pháp lý hiện hành tại Việt Nam.
Theo Văn Đức (Phụ Nữ Việt Nam)