Mới đây trên MXH Threads, người trẻ đang bàn tán về chuyện có nhà sẵn và đi thuê nhà, liên quan đến nền tảng, những thứ bố mẹ có sẵn cho con cái sẽ trở thành lợi thế để khi bước chân ra cuộc sống “dễ thở” hơn. Cụ thể, chủ nhân bài đăng bày tỏ quan điểm cho rằng chỉ cần gia đình đã có sẵn 1 căn nhà ở Hà Nội hay TP.HCM thì con cái của gia đình ấy đã thắng trước 50% cuộc đua trên đường đời. Thậm chí nếu chỉ cần có 3 căn nhà, thì coi như họ “sinh ra ở vạch đích”.
“Nếu bố mẹ có sẵn nhà ở Hà Nội hay TP.HCM thì bạn đã thắng trước 50% cuộc đua trên đường đời. Có 2 căn thì nâng tỷ lệ lên tới 75%. 3 căn trở lên thì coi như là sinh ra ở vạch đích. Không phải mất tiền thuê nhà là một lợi thế vô cùng lớn lao, sẽ giúp bạn tiết kiệm, tích lũy và có biên đệm an toàn hơn những người phải đi thuê nhà rất nhiều. Chưa kể còn thu nhập thụ động cho thuê nếu có nhiều căn. Bất động sản theo thời gian chỉ có lên và chắc chắn là lên nhanh hơn thu nhập của đại đa số người lao động”.
Song, chủ đề này đang tạo ra tranh luận lớn với 2 phe rõ rệt. Nhiều người đồng quan điểm cho rằng, đó chính xác là một lợi thế. Tuy nhiên, cũng không ít người lại bày tỏ rằng ai cũng có những áp lực và đều cần phải tự nỗ lực, cố gắng gần như nhau.
Tài sản của bố mẹ không phải tài sản của mình, "vạch đích" ở hiện tại phải tổng hoà từ 3 thứ
Nhiều người không đồng tình với quan điểm trên và cho rằng nếu nói tỷ lệ 50%, 75% hay sinh ra ở vạch đích là có phần nói quá. Bởi trên thực tế, có nhà ở các thành phố lớn nhưng không đồng nghĩa với việc gia đình có điều kiện hay dư giả hơn người khác. Có những gia đình chỉ sở hữu căn nhà 10 - 20m2, bố mẹ cũng vẫn đang chật vật mưu sinh nên con cái không thể được gọi đã thắng 50% trên “cuộc đua đường đời”. Do vậy không ít người cho rằng, nếu để so sánh hay đặt lên bàn cân, đôi khi còn thua những bạn gia đình có điều kiện ở quê.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng có quan niệm rằng tài sản của bố mẹ không phải tài sản của mình, bố mẹ không có trách nhiệm bắt buộc phải cho con cái sau này. Chính vì thế, mỗi người đều vẫn phải tự nỗ lực, cố gắng chứ không thể ỷ lại vì bố mẹ mình có 1, 2 hay 3 căn nhà tại thành phố.
Chưa kể, việc có được những tài sản hiện tại cũng là một quá trình dài tích cóp, chăm chỉ làm việc của bố mẹ. Nên nhiều người cho rằng bản thân mình cũng vẫn cần phải tự lập kiếm tiền, cố gắng thật nhiều cho tương lai sau này của các con.
- “Mình không biết dựa vào đâu lại có số liệu 50%, 75% hay sinh ra ở vạch đích. Nhà ở thành phố cũng có dăm bảy kiểu nhà. Vậy là bạn chưa biết có những gia đình có nhà nhưng lại trong diện hộ nghèo, thì con cái vẫn phải tự bươn chải bình thường thôi. Bố mẹ cũng vẫn còn đang đi làm vất vả thì lấy đâu ra thứ gọi là bệ đỡ an toàn”.
- “Mình sinh ra ở Hà Nội, bố mẹ cũng có nhiều hơn 2 căn nhà nhưng bảo mình sinh ra ở vạch đích thì không đúng. Mình vẫn lăn lộn làm ăn, tự thuê nhà, tự tiết kiệm để chi tiêu. Mình cũng phải nỗ lực tất cả như những bạn khác thôi. Nếu nói như chủ topic thì phủ nhận công sức của nhiều người đang cố gắng quá. Không phải nhà nào của bố mẹ cũng nghiễm nhiên đó là của con cái đâu”.
- “Theo mình thấy giàu hay nghèo đều là do 1 thế hệ trong gia đình ấy đã rất cố gắng và đạt được thành tựu chứ cũng đâu phải tự dưng mà có. Bố mẹ vất vả cả đời, con cái được thừa hưởng thì cũng không có gì sai. Nên nhìn chung mình biết ơn bố mẹ và vẫn tiếp tục chăm chỉ làm việc để cho con cái sau này cũng được hưởng những điều kiện tốt nhất. Mình cũng không cảm thấy ghen tị hay so bì với những bạn có gia thế tốt hơn, vì họ xứng đáng được nhận những điều đó”.
- “Nhiều bạn nghĩ vạch đích là tài sản của bố mẹ nhỉ. Mình thì quan niệm thành công của 1 người tổng hòa từ 3 thứ là nền tảng kinh tế gia đình, nỗ lực cá nhân và định hướng. Mà quan trọng nhất vẫn là năng lực tự thân và có ý chí phấn đấu chứ nền tảng kinh tế gia đình cũng không tăng tỷ lệ thắng nhiều đến vậy đâu”.
- “Mình có nhà ở TP.HCM nhưng nói thật, điều kiện đôi khi còn không bằng các bạn ở những tỉnh, thành phố khác đến đây sinh sống và làm việc. Mình nghĩ ai cũng đều phải cố gắng như nhau, đương nhiên có gia đình ổn định là một sự may mắn nhưng chắc chỉ 30% thôi, 70% còn lại vẫn là tự bản thân mình”.
Dù thế nào cũng không thể phủ nhận: Đó chính xác là một lợi thế!
Trái với những quan điểm trên, không ít người cho rằng việc bố mẹ có nhà sẵn ở các thành phố lớn luôn luôn là một lợi thế. Ít nhất về việc, con cái không phải mất tiền thuê nhà, không nhất thiết phải lo rằng tháng này ăn bao nhiêu, tiêu bao nhiêu rồi phải để dành, tiết kiệm từng nào. Không những vậy, những bạn trẻ được sinh ra tại các thành phố lớn, cũng có những sự tự tin nhất định rằng khi vấp ngã, vẫn có một nơi để về mà không phải tốn một chi phí nào, vẫn có bố mẹ hỗ trợ nên không gặp quá nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhiều người quan niệm ở thời buổi hiện tại vẫn “an cư lập nghiệp” là ăn chắc mặc bền nhất. Vì suy cho cùng, phần lớn mọi người đi làm, kiếm tiền cũng chỉ để đạt được mục tiêu mua nhà ở thành phố, cuộc sống ngày càng ổn định, thoải mái hơn. Do đó, nếu được sinh ra đã có nhà sẵn thì áp lực chắc chắn đã được giảm đến 50%.
- “Mình đồng ý quan điểm này. Mình có bố mẹ có nhà ở Hà Nội và mình luôn cảm thấy đây chính là một đặc quyền. Mình chỉ cần phải đi học, không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền đã là một điều may mắn hơn so với nhiều bạn từ nơi khác đến Hà Nội và ở trọ. Mình cũng nghĩ rằng thực tế bố mẹ Việt Nam vẫn phần lớn kiếm tiền để dành cho con cái nên chính xác đó vẫn luôn là một lợi thế”.
- “Mình từ bé đến lớn chuyện lo lắng duy nhất là việc học vì mọi thứ bố mẹ đều tạo điều kiện. Sau này đi làm, tháng nào cũng tiết kiệm được khoảng 70% thu nhập vì ở cũng với bố mẹ, không tốn tiền gì. Thu nhập chủ yếu dành cho bản thân nên nói thật là có 100 triệu đầu tiên với mình rất đơn giản”.
- “Là một người đang đi thuê nhà ở Hà Nội thì mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Mình tính nhanh thôi, một năm cũng phải tốn gần 50 triệu cho tiền nhà, tiền điện nước rồi. Ngoài ra còn chi phí ăn uống, đi lại,... nói chung rất nhiều thứ tiền và áp lực phải lo lắng, suy nghĩ. Mình cũng không thể cảm thấy lương 10 triệu đã là ổn định được mà luôn phải cố gắng tìm thêm việc để tăng thu nhập”.
- “Có lợi thế là thật, điều này không thể phủ nhận. Nhưng đương nhiên, các bạn đó cũng vẫn sẽ phải cố gắng và nỗ lực nếu muốn có cuộc sống riêng hay sau này cho con cái được như mình. Chỉ là áp lực sẽ giảm đi một chút so với những bạn khác, có nhiều điều kiện để làm những thứ theo sở thích hơn là phải nhất nhất đi làm kiếm tiền”.
- "Mình đi học đại học trên thành phố, nhà nghèo đến mức mình chỉ dám ăn nửa suất cơm, sợ bố mẹ phải vay mượn nhiều cho mình đi học. Nên mỗi khi đi trên phố, mình thấy người ta có nhà cao cửa rộng, chỉ ngồi nói chuyện phiếm vui vẻ với nhau mà luôn tò mò cảm giác làm người giàu sẽ như thế nào. Mình không trách xuất thân hay gia đình, mình vẫn tự hào vì bố mẹ cố gắng cho mình nhưng sự khác biệt, chênh lệch là có thật đó các bạn".
Giữa những luồng tranh luận về vai trò của nhà cửa ở thành phố lớn có tác động thế nào đối với tương lai 1 người trong thời buổi hiện tại, xuất hiện 1 câu nói phũ phàng thế này: "Nỗ lực 3 đời nhà người ta thì vì cái gì mà phải thua mấy chục năm đèn sách của bạn. Thực tế cuộc sống là vậy, đừng kêu ca hay cảm thấy bất công mà hãy bắt đầu từ chính cuộc đời của mình đi, cố gắng lên".
Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều này?
Theo Hải My (Nguoiduatin.vn)