Những bạn trẻ mang tư tưởng này để ra đời thì thua rồi. Bởi đã đặt chân vào công ty để làm thì thật sự đừng nghĩ rằng đó là ngôi trường đại học, cần người ta phải cầm tay chỉ dạy cho học từng ly từng tý.
Đây là dòng trạng thái mà tôi vô tình đọc được của một bạn trẻ chia sẻ trên một trang web, nói về khoảng thời gian ba tháng trời thực tập trong một công ty lớn. Thực tập - từ trước đến nay vẫn luôn là một trong những chủ đề nóng trong giới trẻ bây giờ. Chúng ta vẫn thường thấy những câu chuyện về sự ấm ức của các bạn sinh viên, vừa hào hứng bước chân đi làm thì ngay lập tức bị môi trường công sở "vùi dập" không thương tiếc với hàng tá những chuyện sai vặt không tên. Thế nên, không khó để nhìn thấy ở dưới phần comment của bài đăng này cũng thể hiện những thái độ không mấy tích cực với nhà tuyển dụng, thậm chí có nhiều dòng comment còn hạ thấp và mỉa mai uy tín của công ty này.
Thật tình đọc xong toàn bộ câu chuyện từ đầu đến cuối, tôi chỉ còn biết lắc đầu, nghĩ rằng những bạn trẻ mang tư tưởng này để ra đời thì chưa kịp ra đã bị cuộc đời xô ngã dập mặt. Bởi đã đặt chân vào công ty để làm mà vẫn nghĩ rằng đó là ngôi trường đại học, cần người ta phải cầm tay chỉ dạy cho học từng ly từng tý thì thua rồi.
Bưng trà, in tài liệu, trình ký... Những công việc rất nhỏ giúp bạn hoàn thiện khả năng đối đãi với mọi người xung quanh |
Một trong những việc gần như được mặc định với sinh viên thực tập : Bưng trà, rót nước, trình ký. Các bạn sinh viên thường chấp nhận những công việc này với một cảm xúc vô cùng tiêu cực, hoặc gần như là... cam chịu để cho xong kỳ thực tập có kết quả tốt, chứ chẳng ai mảy may nghĩ đến những tác động tích cực mà những việc nhỏ xíu này có thể mang đến cho kinh nghiệm sống của mỗi người.
Bưng trà rót nước thì sao? Mình có hiểu ý được sếp nào uống trà loại nào, có để ý được chị cùng phòng thích uống nước nóng hay lạnh, có biết giúp cô lao công sau khi uống xong thì đi lau dọn ly tách, rửa sơ rồi để lại đúng chỗ phải để hay không? Đừng nói rằng đó là nịnh bợ, là thảo mai hay cố tình lấy lòng sếp. Đừng nghĩ những việc đó là vô ích hay phí công, đó là bài học quan sát, hiểu về tâm tính con người và nghệ thuật quảng giao, đối đãi giữa người và người, nhất là từ người nhỏ đến người lớn hơn trong công ty. Sau này đi làm dùng được thì sẽ tốt cho bản thân.
In tài liệu, cầm trình ký thì sao? Mình có biết chắc cách in tài liệu một mặt khác hai mặt ra sao, có biết in cả tập tài liệu thì dàn trang thế nào, có biết cách để in trang chẵn trang lẻ khác nhau, có biết cấp nào thì có thể duyệt được khoản chi bao nhiêu, cấp nào thì cần ký vào đâu, hợp đồng cần bao nhiêu chữ ký nháy trước khi có người ký chính thức, có biết cách mỉm cười để nhờ chị kế toán xử lý giùm em hồ sơ này sớm nha vì bên khách hàng cũng hối em quá. Nếu chưa biết thì hãy tranh thủ nhân cơ hội này mà học.
Đừng buồn khi thực tập không có ai ngồi chỉ dạy mình kỹ càng, vì ai trong công ty cũng phải đang tất bật với cả núi thứ cần làm của họ, dừng lại để chỉ dạy mình rồi việc họ không xong, lúc đó ai làm giùm họ? Cái chính là phải biết tự quan sát cách họ giải quyết các vấn đề, cách họ làm việc rồi hình dung trong đầu: Nếu là mình thì sẽ xử lý thế nào, có cho ra kết quả ra sao? Mình không còn là một đứa trẻ để cái gì cũng hỏi, cái gì cũng chờ người khác đến chỉ. Thậm chí nếu mình được hỏi tới, cũng đừng nói theo kiểu, em được dạy trong trường phải làm thế này, phải làm thế kia, cách của chị hình như không đúng lắm. Lý thuyết là chết, con người là sống, nên học cách xử lý tình huống sống đi.
Cũng đừng nản vì sao người ta không dám giao việc nào "tử tế" cho mình. Dù là sinh viên mới ra trường, đi vào công ty làm thì cũng phải mất tầm ba đến sáu tháng mới quen việc, quen môi trường rồi mới bắt đầu được giao việc chính thống cho làm, chứ còn đi thực tập, ba tháng xong đi mất. Chưa kể là ngoài bản CV với các việc làm thêm nho nhỏ và một bảng điểm đẹp đẽ, bạn còn chưa thể hiện được nhiều khả năng lẫn kinh nghiệm của mình trong thực tế - đủ để người phụ trách cảm thấy tin tưởng. Thế nên, bài học ở đây là hãy kiên nhẫn, chấp nhận làm những việc nhỏ nhất, học hỏi những điều tưởng như bình thường nhất, bạn sẽ trưởng thành lên nhiều nếu thật sự để tâm.
Vậy, đi thực tập để làm gì?
Thật ra, ai chẳng muốn đi thực tập là được giao việc lớn, được học những điều gì to tát hoành tráng. Có đó! Nhưng nó sẽ đến sau khi bạn thật sự tạo dựng được lòng tin ở các anh chị đồng nghiệp. Trong lúc chưa chứng tỏ được mình là người có khả năng làm được và học được những điều to lớn hơn, thì ít nhất hãy chứng tỏ rằng mình là một người trẻ cầu tiến, lắng nghe và cởi mở, không ngại khó - không ngại khổ. Thực tập là cơ hội để tiếp cận, dần hiểu và làm quen với môi trường công việc, môi trường công sở, nơi người và người phải gắn kết với nhau vì tinh thần làm việc nhóm, học cách hiểu ý của người khác và nhường nhịn.
Thế nên, cuối cùng, tôi có một số lời khuyên dành cho những em sinh viên chuẩn bị đi thực tập như sau:
Đừng than câu "ba tháng thực tập chả học được gì" nữa, mà hãy tự trách bản thân mình đã không chịu hiểu để học được thứ cần học. |
Theo Nguyễn Ngọc Thạch (Trí Thức Trẻ)