Thủ khoa xinh đẹp ĐH Sư phạm: "Đừng nghĩ đường cùng mới vào Sư phạm"

24/08/2017 10:43:00

"Với em, văn chương giờ như một niềm đam mê và khát khao muốn cống hiến cho xã hội thông qua từng giờ giảng bài", thủ khoa xinh đẹp Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

"Với em, văn chương giờ như một niềm đam mê và khát khao muốn cống hiến cho xã hội thông qua từng giờ giảng bài", thủ khoa xinh đẹp Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

thu khoa xinh dep dh su pham dung nghi duong cung moi vao su pham
 

Văn chương là cả quá trình tích lũy

- Động lực nào đã đưa em đến với Sư phạm Văn?

Phan Thị Thu Hiền: Thực sự khi tham gia và đạt giải ở các cuộc thi tỉnh, quốc gia, em vô cùng biết ơn các thầy cô giáo trên lớp đã định hướng và giúp đỡ em rất nhiều.

Một số thành tựu em đạt được trong các kì thi và quá trình tích lũy vốn văn chương từng ngày càng lúc càng tạo cho em điểm tựa để em suy nghĩ rằng, văn chương sẽ là điều mà em gắn bó cả đời.

Trong gia đình, cả mẹ và chị gái em đều là những nhà giáo. Mẹ và chị, cùng với các thầy cô tại trường cấp 3 đã cho em rất nhiều lời khuyên để em lựa chọn học ngành sư phạm Văn. Với em, văn chương giờ như một niềm đam mê và khát khao muốn cống hiến cho xã hội thông qua từng giờ giảng bài.

thu khoa xinh dep dh su pham dung nghi duong cung moi vao su pham

Thủ khoa Phan Thị Thu Hiền cùng lưu giữ những hình ảnh đẹp tại trường cùng với bạn bè. Ảnh: NVCC.

- Quá trình học tập tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, em cảm nhận thấy có khó khăn hay thuận lợi gì không?

Phan Thị Thu Hiền: Trải qua 4 năm học tại mái trường thân yêu này, đây là một quá trình thực sự rất ý nghĩa với em. Tại khoa Ngữ văn, em được nuôi dưỡng trong chất màu của biết bao thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với nghề và đặc biệt yêu thương học trò.

Điểm thuận lợi nữa của em là được chọn vào học tại lớp chất lượng cao của khoa Ngữ văn. Lớp chỉ có 20 người thôi nên quá trình dạy và học sẽ nhiều ưu thế hơn so với các lớp thường có đông sinh viên hơn. Điểm khó khăn tất nhiên cũng có bởi, đại học thuộc về các mảng kiến thức chuyên sâu, cần đọc và chắp nặn nhiều tri thức hơn rất nhiều so với trình độ ở bậc phổ thông.

Tuy nhiên, biển tri thức là vô biên, em vẫn thấy mình còn khá thiếu sót, còn quá nhiều điều đáng lẽ ra em phải đọc, phải biết thì em lại chưa thấu đáo hết. Hy vọng rằng, trong thời gian học lên Thạc sĩ sắp tới, em sẽ khắc phục được những điểm mình còn chưa mạnh đó.

- Thời gian học phổ thông chắc hẳn em đã được định hướng khá tốt về tư tưởng. Vậy đối với các em học sinh bây giờ thì việc này quan trọng như thế nào, theo em?

Phan Thị Thu Hiền: Theo em, việc định hướng tư tưởng cho học sinh phổ thông, nhất là ở lớp 12 là rất cần thiết. Em nghĩ rằng, học sinh lớp 12 đã đủ lớn, đủ nhận thức để biết mình cần gì và mình muốn gì.

Tuy nhiên không phải cứ muốn là được, nhiều khi các bạn sẽ muốn những điều quá tầm với năng lực của mình, hoặc những điều không phù hợp lắm mà giờ các bạn chưa thấy được hết. Khi đó, lời khuyên của chính thầy cô, của gia đình sẽ vô cùng bổ ích. Các bạn học sinh giờ đây có được điểm thuận lợi hơn đó là về mặt công nghệ thông tin.

Hơn nữa, hiện tại nhiều đơn vị, trường ĐH cũng thường xuyên tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ sớm. Điều này cũng phần nào giúp cho cả các bậc phụ huynh và các em học sinh có được sự chuẩn bị tốt cho tương lai của mình.

- Thời gian vừa qua, trước tình trạng một số trường lấy điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm thấp nhưng vẫn thiếu thí sinh đến nộp. Câu nói "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" lại được nhiều người nhắc đến. Quan điểm của em về vấn đề này như thế nào?

Phan Thị Thu Hiền: Em thấy rằng từ xưa người ta hay nghĩ đến đường cùng mới vào sư phạm, nhưng em thì không cho là vậy. Học sư phạm sẽ có rất nhiều điều hay mà các trường đại học khác không có.

thu khoa xinh dep dh su pham dung nghi duong cung moi vao su pham

Các tân cử nhân khóa 63 chụp ảnh kỷ yếu bên mái trường thân yêu. Ảnh: NVCC.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Trong xã hội, mỗi nghề nghiệp đều có những đặc trưng và thể hiện vai trò đóng góp riêng của mình. Và nghề giáo cũng vậy. Trong xã hội xưa và nay, nghề giáo vẫn luôn giữ cho mình những giá trị cao quý nhất định mà nhiều ngành nghề khác khó có được.

Đây là một nghề đặc biệt bởi nó không sản xuất ra của cải vật chất, nhưng sản phẩm nó làm ra lại là "con người" - yếu tố đóng vai trò then chốt quan trọng trong việc vận hành cho xã hội đi lên, dù ở bất cứ ngành nghề nào.

Ngoài ra, em cũng biết một số bạn, học đại học ở khối trường kinh tế hay ngoại thương, nhưng sau khi tốt nghiệp, các bạn ấy lại chuyển sang học ngành sư phạm. Hay ngay trong lớp em, có bạn học sư phạm nhưng khi ra trường lại dùng kiến thức nghiệp vụ sư phạm để đi làm ở các ngành khác và hoàn toàn thành công.

Vậy nên, em muốn nhắn nhủ với các bạn đã, đang và có ý định học sư phạm rằng: Các bạn đừng buồn, đừng bi quan vì những phức tạp trong hiện tại bởi ngành nghề của mình. Các bạn có thể làm được mọi thứ nếu như các bạn chăm chỉ tích lũy kiến thức, trau dồi vốn sống và kĩ năng. Nếu bạn đủ năng lực thì bạn sẽ không sợ điều gì cả!

Cảm ơn em về cuộc trò chuyện!

Được biết trong quá trình 4 năm học tập, rèn luyện tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hiền đều cố gắng giành được nhiều học bổng. Hai năm học đầu tiên là 2013 - 2014, 2014 - 2015, Hiền đã giành được giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất.

thu khoa xinh dep dh su pham dung nghi duong cung moi vao su pham

Phan Thị Thu Hiền trong một chuyến đi dã ngoại. Ảnh: NVCC.

Với tổng điểm trung bình toàn khóa là 3,83/4 - Hiền đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng thủ khoa đại học chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao.

Hiện tại, nữ cử nhân xinh đẹp này được đặc cách trở về Trường THPT chuyên Hùng Vương (ngôi trường mà em gắn bó suốt ba năm học THPT) trong vai trò một nhà giáo.

"Em hi vọng sẽ trở thành một người thầy giỏi, một người bạn tốt cho các bạn học sinh tương lai", nữ thủ khoa Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Theo Đình Tuệ (Đời Sống & Pháp Lý)

Nổi bật