Mấy ngày gần đây, tâm sự của một Thủ khoa kép đã 3 tháng chưa xin được việc đang thu hút sự tranh luận sôi nổi của cư dân mạng. Họ cũng cùng chung tay phân tích lí do và góp ý để cô thủ khoa có thêm nhiều kinh nghiệm đi xin việc hơn.
Chu Thị Yến, sinh viên xuất sắc giành được danh hiệu Thủ khoa kép cho biết suốt 4 năm Đại học, Yến đã không ngừng cố gắng chăm chỉ, tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thành tốt công việc học tập. Nhờ những nỗ lực đó, Yến đã 6 lần giành được học bổng của nhà trường.
Cầm tấm bằng Đại học loại xuất sắc với ước mơ xin được một công việc đúng ngành nghề để giúp gia đình thoát nghèo nhưng suốt 3 tháng nay, Yến gửi hồ sơ khắp tất cả các nơi mà vẫn không nhận được bất kỳ lời hồi âm nào. Cô sinh viên thủ khoa cảm thấy chán nản tâm sự: "Nếu không tìm được công việc khác, em buộc phải nộp hồ sơ vào các công ty tư nhân gần nhà làm những công việc lao động phổ thông, như chị em đang làm". Điều đó cũng có nghĩa rằng tấm bằng mà Yến đang giữ trong tay cũng như nỗ lực suốt 4 năm qua vẫn không thể giúp Yến có được công việc đúng ngành nghề chuyên môn.
Thực tế, câu chuyện của Yến không còn là quá mới mẻ trong xã hội hiện nay khi mà khoảng cách giữa việc học và làm có vẻ như còn rất dài, chuyện học giỏi nhưng xin việc khó không còn khiến người ta ngạc nhiên nữa. Năm 2013, báo chí đã tốn không ít giấy mực với việc thủ khoa ĐH GTVT năm đó với tổng điểm trung bình toàn khóa đạt 8,77 điểm nhưng vẫn gặp khó khăn khi đi tìm việc. Cậu sinh viên đó là Lê Văn Ngọ (quê ở Nghệ An). Cầm tấm bằng giỏi trên tay nhưng đi đâu Ngọ cũng bị từ chối vì "chưa có kinh nghiệm". Trước khi được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý nhận vào làm việc tại Viện Khoa học và công nghệ GTVT, Ngọ vẫn miệt mài với việc làm thêm để trang trải cuộc sống với thu nhập khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/tháng.
Rõ ràng, chuyện các tân cử nhân học tập ra sao, khi ra trường làm việc thế nào là hai chuyện khác nhau. Nhiều khi không phải cứ học giỏi là làm giỏi, và chưa chắc những bạn học kém khi ngồi trên ghế nhà trường đã là người "không làm nên trò trống". Sau khi câu chuyện của Yến được chia sẻ, nhiều người đã lên tiếng phân tích đó là chuyện hết sức bình thường, đồng thời họ cũng chỉ ra lý do những lý do có thể khiến các tân cử nhân khó tìm việc hơn.
|
Ảnh minh họa. |
Do ngành học đặc thù
Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngành kỹ thuật là một ngành học khá đặc thù và ưu tiên nam hơn là nữ, thế nên việc Yến khó xin việc là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, khi đã xin được việc, những áp lực và khó khăn trong công việc này rất khó để nữ giới có thể theo đuổi niềm đam mê đến cùng.
"Con gái mà học những ngành kỹ thuật đặc thù quả thật rất khó để tìm việc, mà nếu tìm việc được rồi cũng rất khó để theo đuổi nếu không biết tìm niềm vui trong công việc. Như lớp của mình đây, mình học Bách Khoa, Kỹ thuật môi trường, bây giờ những bạn giỏi đều đang du học hoặc làm giảng viên, những bạn khác trong lớp đều có việc làm ổn định nhưng mấy bạn trai lại có phần thuận lợi hơn, cho dù hồi xưa mấy bạn học không giỏi, trầy trật học lại mấy lần. Mấy bạn nữ chỉ một phần theo nghề, một số khác không chịu cực được đã chuyển ngành khác hoặc làm trái ngành. Mới 3 tháng thôi, cố lên. Bạn mình có đứa tận 1 năm mới tìm được việc ưng ý", một Facebook-er chia sẻ.
Việc Yến đam mê và theo đuổi giấc mơ với ngành kỹ thuật là điều không hề dễ dàng. Suốt những năm Đại học, Yến đã cố gắng từng ngày và chắc chắn không thể phủ nhận kiến thức chuyên môn của cô sinh viên Thủ khoa này là vô cùng xuất sắc.
Người xin việc còn thụ động
Đa số những ý kiến bình luận đều cho rằng, lỗi lớn nhất là do chính bản thân Yến đã không hoàn toàn cố gắng khi xin việc. Điều đó được thể hiện qua việc Yến quá thụ động, cứ chăm chăm muốn có một công việc ổn định lương ổn định mà không dám thử sức và cố gắng làm ở nhiều nơi để lấy kinh nghiệm.
|
Những bình luận xung quanh sự việc của cư dân mạng - (Ảnh chụp màn hình). |
Các bình luận đều cho rằng, hiện nay hầu hết các công ty tuyển dụng đều yêu cầu các ứng viên cần phải có kinh nghiệm nhất định trong công việc. Nhiều bạn đạt thành tích cao trong việc học lý thuyết nhưng khi bắt tay vào thực hành lại lúng túng. Công việc trong thực tế nhiều khi rất khác so với lý thuyết.
Việc Yến cảm thấy chán nản là điều không bất ngờ vì có lẽ Yến nghĩ rằng tấm bằng xuất sắc chắc chắn sẽ giúp cô có một công việc hoàn toàn phù hợp với khả năng và chuyên ngành mình đã theo đuổi. Thế nên khi chưa tìm được công việc thích hợp Yến đã nản chí và muốn chọn công việc lao động phổ thông khác khiến nhiều độc giả cho rằng, đó là biểu hiện của việc thiếu niềm tin và sự cố gắng, Yến cần phải quyết tâm hơn nữa và không nên đánh đổi sự nỗ lực suốt 4 năm bằng những việc làm lao động phổ thông như cô sinh viên này đã chia sẻ.
Ngược lại, có người ủng hộ cô nàng Thủ khoa nên thử sức với cả những việc làm phổ thông nếu nó giúp cô có thêm những trải nghiệm và bài học trong cuộc sống. Hơn nữa, vừa mới ra trường, đừng nên chăm chăm chỉ xin vào nhà nước mà nên chủ động, nên tìm việc ở các thành phố lớn, làm ở các công ty tư nhân để có thêm kinh nghiệm.
Chưa biết cách chứng tỏ bản thân với nhà tuyển dụng
Có bằng xuất sắc là một "trợ thủ" đắc lực cho bạn trong quá trình tiệp cận nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn mới ra trường, chưa từng làm việc tại một cơ quan, đơn vị nào, thì tốt nhất, bạn cần phải biết cách chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy, bạn chưa có kinh nghiệm nhưng lại có đầy đủ kỹ năng cần thiết và kỹ năng mềm.
"Nếu chỉ nhìn vào bằng cấp, chẳng ai hình dung được bạn sẽ làm được gì cho họ, bạn thích nghi với công việc ra sao. Thế thì, thay vì việc chỉ phô ra bằng cấp, chứng chỉ này nọ, có lẽ, bạn nên nghĩ cách cho nhà tuyển dụng thấy những kỹ năng mà bạn có và nó có thể ứng dụng cụ thể vào công ty họ như thế nào... Đó mới là điều nhà tuyển dụng muốn thấy ở các ứng viên", một Facebook-er chia sẻ.
Rõ ràng, nếu nhà tuyển dụng nhận thấy bạn có những kỹ năng cơ bản, có thể thích nghi tốt với công việc thì khả năng trúng tuyển của bạn sẽ cao hơn nhiều so với việc chỉ liệt kê bằng cấp.
Thay vì ngồi sốt ruột, bạn hãy tranh thủ học thêm các kĩ năng mới đi!
Một số độc giả lên tiếng về việc 3 tháng chưa tìm được việc làm. Họ cho rằng, khoảng thời gian đó chưa là gì để mà phải chán nản, thiếu niềm tin. Ngược lại, bạn nên kiên trì, chịu khó tìm kiếm những nhà tuyển dụng tiềm năng và trau dồi thêm kiến thức.
Ban G.B chia sẻ: "3 tháng chưa có việc đã là gì, quan trọng là định hướng và mong muốn của bạn ra sao thôi. Nếu vẫn quyết tâm tìm bằng được công việc ưa thích, thì ngoài việc nộp hồ sơ, tìm kiếm nhà tuyển dụng, bạn nên tranh thủ trau dồi thêm kiến thức, cập nhật với những nội dung mới để làm sao khi đi làm có thể bắt tay vào thực tiễn một cách nhanh nhất. Đừng để đến lúc tìm được việc rồi kiến thức lại theo gió bay đi hết".
Nhiều độc giả cho rằng, Yến có thể tìm kiếm tuyển dụng tại các công ty nước ngoài, tuy nhiên để có nhiều cơ hội trong môi trường đó thì tiếng Anh vô cùng quan trọng, sự tự tin cũng rất cần thiết. Nếu đang yếu những kĩ năng đó, hãy tranh thủ thời gian trau dồi ngay.
Đồng quan điểm đó, một độc giả có nickname T.H bày tỏ: "Ngày xưa mình lúc mới ra trường cũng mất khá nhiều thời gian mới tìm được công việc phù hợp. Mình nghĩ 3 tháng chưa phải là quá dài, nếu cảm thấy sốt ruột thì trong lúc tìm việc như ý, bạn cứ làm những công việc khác để có sự trải nghiệm, có thu nhập trang trải cho bản thân. Ít nhất điều đó cũng giúp bạn yên tâm hơn và không bị cảm giác thất nghiệp đè nén quá nặng nề".
>> Thủ khoa thất nghiệp không xứng đáng là thủ khoa
>> Nỗi lo thất nghiệp của sinh viên sắp ra trường
Theo Phương Vi (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)