Năm 2020, nữ sinh Bạch Tương Lăng đạt 430/480 điểm trong kì thi đại học, trở thành thủ khoa toàn tỉnh Giang Tô. Thế nhưng, không ai ngờ được rằng, Bạch Tương Lăng sau đó lại được gọi là "thủ khoa đen đủi nhất trong lịch sử".
Thành tích vượt trội nhưng lại bị cả Thanh Hoa, Bắc Đại từ chối
Bạch Tương Lăng sinh ra trong một gia đình bình thường ở tỉnh Giang Tô, cha mẹ đều bận rộn với công việc nên không có nhiều thời gian hướng dẫn con trong việc học tập. Nhưng từ nhỏ, Bạch Tương Lăng đã sớm bộc lộ sự thông minh và luôn đứng đầu các kì thi ở trường.
Lên cấp 3, Bạch Tương Lăng thi đỗ vào trường trung học tốt nhất tại địa phương với thành tích xuất sắc. Vì đây là nơi tập trung nhiều nhân tài của địa phương, thế nên cô học trò nhỏ lại càng nỗ lực học tập để lọt vào top học sinh giỏi nhất của trường.
Công sức 12 năm đèn sách chăm chỉ cuối cùng cũng đã được đền đáp, vào kì thi đại học năm 2020, Bạch Tương Lăng đạt 430 và trở thành thủ khoa toàn tỉnh Giang Tô năm đó. Sau khi biết được điểm số, cả gia đình cô vỡ òa xúc động, vì đạt thủ khoa đồng nghĩa với việc sẽ nắm chắc suất vào các trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại).
Trong thời điểm Bạch Tương Lăng đang thảo luận với bố mẹ xem nên theo học ở đâu, cô phát hiện ra rằng vài bạn cùng lớp có điểm không cao bằng mình đều đã nhận được cuộc gọi từ văn phòng tuyển sinh của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Bạch Tương Lăng liền vội vàng đến gặp thầy giáo để hỏi về vấn đề này.
Tuy nhiên, lời thầy giáo nói sau đó như sét đánh ngang tai đối với cô nữ sinh 18 tuổi. Thầy giáo cho biết điểm của Bạch Tương Lăng không đủ để vào các trường đại học như Thanh Hoa hay Bắc Đại. Nhưng một điều rất rõ ràng là điểm thi của Bạch Tương Lăng vẫn đứng đầu tỉnh, vậy rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra?
Mô hình tuyển sinh khác biệt
Tại Trung Quốc, tỉnh Giang Tô được xem là một trong những nơi có đề thi đại học khó nhất, nhưng nơi này lại có cơ chế tuyển sinh khác biệt so với nhiều tỉnh thành khác.
Theo đó, các tỉnh thành khác sẽ tính tổng điểm thi của tất cả các môn thi trong kì tuyển sinh đại học và điểm tối đa là 750. Còn ở Giang Tô, tổng điểm sẽ chỉ tính của ba môn chính: Văn, Toán, Tiếng Anh với số điểm tối đa là 480. Hai môn tự chọn còn lại sẽ không tính điểm mà chia thành năm cấp bậc: A, B, C, D và E.
Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và nhiều trường đại học danh tiếng khác cũng đã có những thay đổi tương ứng để phù hợp với các thí sinh đến từ tỉnh Giang Tô. Thí sinh ở khu vực này không chỉ yêu cầu phải có tổng điểm cao, mà hai môn tự chọn cũng phải đạt điểm A trở lên mới có thể đỗ vào Thanh Hoa hay Bắc Đại.
Tuy rằng đã đạt thủ khoa với 430 điểm, nhưng trong hai môn tự chọn, Bạch Tương Lăng được điểm A môn Chính trị và chỉ được B+ môn lịch sử. Vì thế, xét trên tổng thành tích, cô vẫn không đủ điều kiện mà Thanh Hoa hay Bắc Đại yêu cầu. Thậm chí, cả những trường đại học nổi tiếng khác ở Trung Quốc như Đại học Phúc Đán hay Đại học Nam Kinh cũng không nhận cô.
Mặc dù được xem là thất bại trước cánh cổng các trường đại học hàng đầu, nhưng vẫn còn rất nhiều trường đại học khác mở rộng vòng tay chào đón nữ thủ khoa Bạch Tương Lăng. Những ngôi trường tốt như: Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc, Đại học Thiên Tân, Đại học Vũ Hán, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Đại học Trùng Khánh... đều liên tiếp gọi điện cho Bạch Tương Lăng để mời cô nhập học và hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cô.
Cơ hội mới được mở ra
Trước những lời mời nhiệt tình từ các trường đại học kể trên, Bạch Tương Lăng lại khiến tất cả mọi người bất ngờ khi quyết định từ chối tất cả và chọn một ngôi trường xa nhà nhất - Đại học Hong Kong.
Khi gửi lời mời nhập học cho Bạch Tương Lăng, phía Đại học Hong Kong hứa sẽ cho phép nữ thủ khoa có thể chọn bất kỳ chuyên ngành nào cô muốn. Ngoài ra, họ còn cung cấp cho cô học bổng trị giá 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3 tỉ đồng) trong bốn năm học. Học phí và sinh hoạt phí hàng năm tại Đại học Hong Kong vào khoảng 200.000 tệ (gần 700 triệu đồng).
Vào ngày 3/8/2020, Bạch Tương Lăng đã thành công vượt qua cuộc phỏng vấn khó nhằn tại Đại học Hong Kong và chính thức nhập học ngành Tài chính tại ngôi trường danh giá này.
Trong quá trình học tập, Bạch Tương Lăng luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau do nhà trường tổ chức. Phần lớn thời gian ở trường, cô giao tiếp với giáo viên và các bạn cùng lớp bằng tiếng Anh và tranh thủ học thêm tiếng Quảng Đông. Nhờ thông thạo tiếng Quảng Đông, Bạch Tương Lăng nhanh chóng thích nghi với cuộc sống sinh viên tại Đại học Hong Kong.
Bên cạnh đó, cô sinh viên ưu tú cũng vạch ra kế hoạch rất rõ ràng cho tương lai của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hong Kong, cô dự định sang Mỹ du học để học hỏi thêm nhiều điều mới tại môi trường học tập quốc tế.
Mặc dù không đỗ vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, nhưng Bạch Tương Lăng vẫn thành công tại Đại học Hong Kong bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình. Cô đã dùng năng lực của bản thân để chứng minh rằng người có tài dù ở đâu cũng sẽ tỏa sáng, cơ hội sẽ luôn đến với những người không bao giờ bỏ cuộc như Bạch Tương Lăng.
Theo Nguyên An (Nguoiduatin.vn)