Live-stream đang trở thành trào lưu được nhiều người Trung Quốc đón chào với hi vọng đổi đời, kiếm ngàn đô mỗi tháng.
Yu Li, còn được gọi là "Yu lão đại" trong chương trình của mình. Với tầm phủ sóng như hiện tại, Yu chỉ cần live-stream mỗi ngày vài giờ là có thể đút túi cả trăm ngàn đô - Ảnh chụp màn hình |
Mặt đánh phấn, tóc vuốt keo và không cần bước ra khỏi nhà, Yu Li đã sẵn sàng cho một ngày làm việc vào tối muộn: live-stream (tạm dịch: phát trực tiếp qua mạng Internet) nói chuyện phiếm.
Ở bên kia màn hình, có thể của một chiếc điện thoại thông mình hoặc máy tính, nhiều người đang chăm chú theo dõi Yu. Có người đang đánh răng, kẻ thì sắp hết ca trực, bất kể là đang làm gì, nếu thấy vui, họ sẽ gửi cho Yu một món quà ảo.
Những câu nói đùa ngớ ngẩn, lắp bắp của người đàn ông này, điều bất ngờ là, đem về cho anh ta hàng chục ngàn USD mỗi tháng cùng cơ ngơi khiến nhiều người thèm thuồng ở Thẩm Dương.
Ôm mộng đổi đời
Live-stream khá phổ biến trên thế giới, tuy nhiên, quy mô chưa nơi nào lớn như tại Trung Quốc. Thống kê của Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối năm 2016, có tới 344 triệu người Trung Quốc đang sử dụng các dịch vụ live-stream.
Con số này chiếm chưa tới phân nửa số người sử dụng Internet tại Trung Quốc (47%) nhưng gần bằng dân số của nước Mỹ.
Sự bùng nổ của công nghệ đã đem lại cơ hội đổi đời cho những người như Yu. Xuất thân từ vùng đông bắc, trước năm 16 tuổi, Yu vẫn là cậu bé học việc ở xưởng cơ khí.
Những lúc rảnh rỗi, Yu thường la cà tới các tiệm trò chơi trực tuyến (game online) và bị ấn tượng bởi những người bình luận game online.
Yu bắt đầu ấp ủ và tập tành live-stream. Năm 2014, Yu thành lập công ty chuyên đào tạo những người kiếm sống nhờ live-stream (live-streamer).
Cậu bé Yu khi xưa nay đã trở thành "Yu lão đại" thu nhập hơn 100.000 USD là chuyện thường, ở nhà lầu, tậu xe sang và quản lý hàng chục người ôm mộng đổi đời.
Anh chàng Lu Yongzhi, 26 tuổi, là một trong những người đó. Bỏ nghề chăn gia súc ở quê nhà Cát Lam, Yongzhi khăn gói lên Thẩm Dương, ký hợp đồng với công ty của Yu lão đại.
Chỉ sau 2 năm, Yongzhi giờ đã mang giày hiệu Balenciaga, nhịp chân ăn sáng và thu về mỗi tháng vài ngàn đô.
"Tôi nói mấy người trong làng là thằng Yongzhi nó kiếm tiền bằng cách đó nhưng chẳng ai thèm tin tôi", cha dượng của "ngôi sao" live-stream Yongzhi kể với báo Washington Post của Mỹ.
Có những trường hợp khác nổi tiếng nhờ tài ca hát. Theo chia sẻ của một tân binh, nghề này không phải đơn giản. "Khi bạn hát, họ muốn thấy bạn hát bằng cả trái tim", cô gái trẻ tâm sự với báo Washington Post.
Lu Mingming, tân binh 25 tuổi của Yu lão đại, hát trước người theo dõi mỗi tối - Ảnh chụp màn hình WP |
Đời không như mơ
Live-stream là một chuyện ai cũng có thể làm được bởi nó miễn phí. Nhưng làm thế nào để có người xem và giữ được lượng "fan" ổn định lại là một chuyện khác, không hề đơn giản.
Giống như các ngôi sao live-stream khác trên thế giới, các ngôi sao Trung Quốc kiếm tiền từ các quảng cáo chạy dưới khung hình khi họ phát sóng.
Theo nghiên cứu của iResearch, thị trường quảng cáo trực tuyến của Trung Quốc có giá trị ít nhất là 3 tỉ USD vào năm 2016, tăng 180% mỗi năm.
Tuy nhiên, đó không phải là nguồn thu nhập chính của những người này. Số tiền hàng ngàn đô mỗi tháng đến từ những món quà ảo mà người xem tặng cho các live-streamer mỗi khi họ thấy vui. Số quà ảo này sẽ được quy thành tiền thật.
Càng nhiều người xem thì cơ hội quà nhiều càng cao, tiền càng nhiều. Nói như Yu lão đại, mất fan cũng đồng nghĩa với việc mất tiền.
Và đề duy trì người xem, nhiều live-streamer đã nghĩ ra đủ chiêu trò vui, độc, lạ thậm chí cả những nội dung có phần dung tục.
Chuyện một người phụ nữ nổi tiếng nhờ chỉ ăn và nuốt cá vàng, thủy tinh hay những cô gái ăn mặc mát mẻ ngồi lắc lư khi live-stream không phải hiếm ở Trung Quốc.
Riêng đối với những người đã có tên tuổi như Yu, tiền có thể đến từ việc để cho những người mới vào nghề xuất hiện trong chương trình của anh ta.
Đối với họ, xuất hiện trong một chương trình có hàng chục ngàn người theo dõi mỗi đêm, là cách để quảng bá bản thân tốt nhất.
Sức hút từ live-stream và những "tấm gương" thành đạt như Yu lão đại có tác động rất lớn. Từ thành thị đến nông thôn, từ học sinh đến nông dân, người ta nghỉ việc, nghỉ học đua nhau trở thành live-streamer với ước mơ rủng rỉnh trong túi vài ngàn đô.
Nhưng sự bùng nổ và ganh đua của những live-streamer đã khiến nhà chức trách vào cuộc. Năm ngoái, trong một đợt kiểm duyệt Internet, chính quyền Trung Quốc đã cấm các cảnh "ăn chuối khêu gợi" trên sóng live-stream.
Thế nhưng vẫn có những trường hợp, vì muốn hút người xem, đã lén lút live-stream các nội dung không phù hợp. Một cô gái sử dụng ứng dụng live-stream Huoshanzhibo mới đây đã khiến công ty phát triển ứng dụng vướng vào một cuộc điều tra hình sự vì lén phát trực tuyến cảnh thay đồ lúc 3 giờ sáng.
Chia chác Trung Quốc có rất nhiều trang live-stream, mỗi trang lại có cách tính và chia tiền riêng. Lấy điển hình như trang YY, nơi Yu lão đại và các "đệ tử" phát triển nghề nghiệp, mỗi 1.000 USD đổi được từ quà ảo, các live-streamer chỉ được vài trăm USD là cùng. Phía YY lấy 50% phí trung gian, quản lý lấy từ 20-30%. |
Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)