Ishan Goel, nhân viên chiến lược tiếp thị 19 tuổi của Mark Cuban Companies, cho biết những người thuộc thế hệ Z như cậu xem việc dùng Facebook là "lỗi thời". Ngày nay, Facebook chỉ là một công cụ để chat nhóm hay liên lạc với bố mẹ. Cậu nói: "Mọi người không muốn thường xuyên đăng tải thông tin trên Facebook nữa".
Những thiếu niên thuộc thế hệ Z - sinh từ năm 1995 tới năm 2010 - không còn "cuồng" Facebook như thế hệ Y: chỉ khoảng 9% tham gia khảo sát của Piper Jaffray vào năm 2017 cho biết Facebook là mạng xã hội họ ưa dùng. Thế hệ Z thích Snapchat và Instagram hơn.
An Hodgson, trưởng phòng thu nhập và tiêu dùng của Euromonitor International, cho biết: "Nhìn chung, thế hệ Z là những người ưa dùng công nghệ, thực tế, cởi mở, đề cao cá nhân nhưng cũng biết đến trách nhiệm xã hội".
Hodgson nói thêm: "Vì thế hệ Z có xu hướng cá nhân hóa và coi trọng sự riêng tư, họ thích các mạng xã hội ẩn danh như Snapchat, Secret và Whisper hơn là Facebook".
Đồng thời, những nhãn hiệu quần áo kinh điển như Ralph Lauren hay Vineyards Vines không nhận được sự yêu thích của thế hệ mới. Thay vào đó, họ chuộng nhãn hiệu trang phục đường phố như Adidas, Vans và Supreme, hay những nhãn tập trung vào giới trẻ như Forever 21, American Eagle.
Thế hệ Z cũng không có hứng thú với các siêu thị tiện lợi, mà có xu hướng đặt hàng trên mạng của những công ty có hệ thống bán hàng trực tuyến uy tín. Đồng thời, họ cũng tìm kiếm các cửa hàng online nơi có thể mua sản phẩm với giá rẻ hơn.
Với thế hệ Z, truyền hình cáp không còn sức hấp dẫn, phần lớn thích xem video trên Youtube hơn là tivi. Các ấn bản trên giấy như báo chí hay sách thường được thay thế bằng mạng xã hội hay sách điện tử.
Do lớn lên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thế hệ Z cũng thực tế hơn. Họ quan tâm đến vấn đề tài chính và sự nghiệp từ sớm. Họ có xu hướng chọn những trào lưu có thể khoe trên mạng xã hội, nhưng không nhất thiết phải là thứ đắt đỏ, như áo phông có khẩu hiệu liên quan đến chính trị, hay đồ trang điểm lấp lánh.
Thế hệ mới này cũng chọn đồ ăn làm một phương thức biểu lộ cá nhân. Do đó, những chuỗi nhà hàng phổ thông và bình dân không còn thu hút được sự chú ý của họ. Thế hệ Z ưa chuộng những nhà hàng có các trào lưu ẩm thực thịnh hành và được quảng cáo trên mạng xã hội.
Theo Hải Đăng (Tuổi Trẻ)