Nhiều khi tôi vô cùng chán ghét cảm giác lặng ngồi một mình và lại suy nghĩ về đoạn đường đã đi qua. Ví dụ như tôi đang ở đâu? Tôi đã bao nhiêu tuổi? Đang có cuộc sống thế nào? Những người bạn cùng tuổi giờ có cuộc sống ra sao? Dường như chỉ cần lười biếng nằm trên sofa thả hồn suy nghĩ, nghĩ về lí tưởng cuộc đời, đều sẽ làm cho bản thân trở nên lo lắng.
Hai ngày trước, một người bạn cấp ba của tôi gọi điện thoại hỏi về lĩnh vực tôi đã từng làm. Tôi bỗng thấy kỳ lạ, tôi nhớ rõ công việc của cậu ấy hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực này, hỏi qua hỏi lại, mới biết cậu ấy mới nghỉ việc ở doanh nghiệp nhà nước nọ.
Cậu ấy nói đã do dự rất lâu, tự thấy mình đã 28 tuổi, luôn thấy thấp thỏm không yên, nhìn thấy những người bạn bên cạnh ngày một tốt lên, còn bản thân cứ dậm chân tại chỗ, cảm thấy suốt ruột vô cùng, nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng mới quyết định nghỉ việc ở công ty đã gắn bó đến 6 năm để xin vào một công ty mới thành lập không lâu, lương cao hơn chút đỉnh, nhưng cậu muốn thử, cậu nói tránh để đến 30 tuổi lại hối hận.
Tôi mặc dù rất đồng tình việc mọi người tích cực đi tìm kiếm khả năng tiềm ẩn của bản thân, nhưng thiết nghĩ cậu làm vậy có phải đã quá mạo hiểm rồi không, nhảy đến một lĩnh vực hoàn toàn không biết gì cũng không đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất là tự bản thân cũng không biết đây có phải lĩnh vực mình thích hay là sở trường của mình không?
Cậu nói, sự không công bằng lớn nhất của tạo hóa chính là, có những người dù tìm kiếm cả đời cũng không tìm được thứ mình thích, nhưng có những người, mới sinh ra đã ở trước mắt.
Câu nói này đã làm tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi nói lại tất cả những kinh nghiệm mà mình có được cho cậu. Mặc dù tôi đã thất bại, có thể những kinh nghiệm này không có tác dụng nhưng tôi tin cậu có thể làm tốt hơn mình rất nhiều.
Gần đây, mạng xã hội chia sẻ không ít những bức ảnh về "10 năm sau tốt nghiệp", "10 năm trở lại trường". Tôi nhận thấy mặc dù cùng tuổi, nhưng cuộc sống và thu nhập đã có sự khác biệt vô cùng lớn. Đương nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc lựa chọn hướng đi của mỗi người sau tốt nghiệp, ở lại thành phố hay về quê, và đây cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận ở mỗi cuộc gặp mặt, nhưng có một điểm chung, đó là mỗi chúng ta vẫn đang hướng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Không ít lần trò chuyện, chúng tôi thường đùa nhau rằng: thế hệ 9x chúng mình có lẽ là thế hệ sống mệt mỏi nhất. Sự mệt mỏi này không phải cuộc sống quá bi thảm, cũng không phải áp lực từ người khác mang lại, mà ngược lại xuất phát từ bản thân chúng ta, so với thế hệ 7X, 8X, chúng ta suy nghĩ nhiều hơn, tính toán nhiều hơn. Dường như từ những ngày đại học đã phải đối diện và quá quen với từ "lạc lối", chúng ta không ngừng suy nghĩ, kiếm tìm đáp án để thoát khỏi sự lạc lối của bản thân.
Trước 28 tuổi, bạn bè tôi đã có không ít người thành công, một số từ những năm đầu đại học đã tự kinh doanh, đến lúc tốt nghiệp đã tự có thể mua được nhà, một số khác đi làm không lâu đã đứng ở vị trí cao, độc lập, dư giả về tài chính, một số tự thành lập công ty, đã có vị trí nhất định trong lĩnh vực họ theo đuổi.
Mỗi lần nghĩ đến họ, nếu nói tôi không nôn nóng, lo lắng, không ngưỡng mộ chắc chắn là nói dối, có ai là không muốn thành công, để bố mẹ mình có thể hãnh diện trước họ hàng làng xóm. Nhưng suy nghĩ kỹ lại, dù sao số người thành công cũng là số ít, trong hàng trăm triệu người tốt nghiệp rốt cuộc cũng chỉ có một vài người thành danh.
Tôi có một người bạn học khác, cũng vừa nghỉ việc năm ngoái, đến nay vẫn chưa có bạn gái. Trước khi nghỉ việc, cậu làm tại phòng thí nghiệm cho một công ty hóa chất, làm được 3 năm, nếu lập bảng những công việc nhàm chán cậu từng làm, chắc chắn công việc này xếp số 1. Nghỉ tết, cậu có gặp tôi, nói, bất kể thế nào, năm nay cậu nhất định phải bỏ việc.
28 tuổi rồi, lương vẫn 8 triệu, tiền tiết kiệm cũng không có một xu, chưa cần biết người khác nghĩ thế nào, thì bản thân đã thấy không bằng lòng với chính mình. Tiếp tục duy trì tình trạng này, bạn gái chắc cũng sẽ không có, giá trị bản thân cũng sẽ mãi trói buộc ở con số 8 triệu, đó là điều mà cậu không hề mong muốn.
Thế nhưng, 28 tuổi, mọi sự bắt đầu ở tuổi này đều cảm thấy đã muộn. Cậu nói, 28 tuổi và 30 tuổi, tuổi nào muộn hơn? Cậu tìm hiểu ngành công nghệ thông tin là ngành có nhiều triển vọng trong tương lai, cũng là ngành có nhiều bấp bênh và tốc độ biến đổi nhanh nhất hiện nay. Cậu muốn thử.
Vậy là cậu nghỉ việc ở công ty cũ, mượn tiền người nhà và đi học một chương trình học tập trung về công nghệ thông tin, bắt đầu từ con số 0. Lớp học đóng cửa vào 8h tối, cậu lại xách máy tính về kí túc xá học đến 1, 2 giờ sáng. Cậu nói những người học cùng lớp với cậu, nếu không phải mới tốt nghiệp cấp ba thì cũng là sinh viên đại học chưa tốt nghiệp, cậu lớn tuổi nhất, ngồi ở cuối lớp, nhưng cậu không hề cảm thấy xấu hổ, ngược lại, còn có cảm giác quay về những năm cuối cấp trung học, vì thi đỗ đại học mà sống chết ôn thi.
Thực lòng, tôi cảm thấy vui thay cậu ấy. Khi đã 28 tuổi bạn cần phải như thế nào, tôi lúc này cũng chưa tìm được đáp án, nhưng nếu 28 tuổi có thể tìm lại được bản thân ở độ tuổi 18, tôi càng không tìm được một đáp án nào tốt hơn.
Murakami Haruki (tiểu thuyết giam dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật) ở độ tuổi 30, dựa vào tác phẩm đầu tay "Lắng nghe gió hát" và giành được giải nhất, từ đó mới chính thức tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầm bút. Trước đó, quán bar của ông không ít lần đứng trước nguy cơ đóng cửa, mùa đông vì tiết kiệm mà không dám bật lò sưởi, hai vợ chồng ôm chú chó cưng cùng ngủ trên một chiếc giường.
New York sớm hơn California 3 giờ, nhưng điều đó cũng không làm cho cuộc sống ở California bị chậm đi.
Có người 22 tuổi tốt nghiệp, nhưng phải 5 năm sau mới tìm được một công việc tốt.
Có người 25 tuổi đã trở thành CEO, nhưng lại ra đi ở tuổi 50.
Có người đến 50 tuổi mới giữ chức vụ CEO, và họ đã sống đến 90 tuổi.
Có những người bạn đã kết hôn, nhưng cũng có những người vẫn đơn thân.
Obama về hưu ở tuổi 55, Trump 70 tuổi mới bắt đầu giữ chức vụ tổng thống.
Trên đời này, vốn dĩ mỗi người đều có múi giờ riêng để phát triển bản thân.
Bên cạnh dường như có những người đang đi ở phía trước bạn, cũng có những người dường như đang ở sau bạn.
Nhưng thực ra là mỗi người ở trong múi giờ của chính mình.
Đừng đố kị, cũng đừng chê cười, chỉ là họ đang đi trong chính múi giờ của mình thôi, bạn cũng vậy!
Cuộc sống chính là chờ đợi cơ hội chính xác để hành động.
Vì vậy, hãy thả lỏng, bạn không sớm, bạn cũng không muộn, chỉ là cuộc sống đang đặt cho bạn múi giờ thuộc về chính bạn, tất cả đều đúng giờ!
Sự nghiệp của một con người rất dài, mấu chốt là, bạn cần biết hoàn thiện bản thân và không ngừng tự mở rộng con đường phía trước, không nản lòng trong mọi hoàn cảnh. Nếu chỉ tiếp tục so sánh với người khác và sinh ra lo âu, trốn tránh, an phận qua ngày, đó mới là điều tồi tệ nhất.
28 tuổi đã làm được gì, tôi cảm thấy đều không cần thiết phải lo lắng, nếu không phải thiên tai nhân họa, vậy tại sao không dùng khoảng thời gian 10 năm từ 20 đến 30 tuổi để cho phép bản thân được nếm thử sai lầm. Trải qua sai lầm chính là quá trình không ngừng đối mặt với thất bại, giúp chúng ta trưởng thành hơn, cho dù sai lầm có lặp lại, thì hãy xem như bạn vẫn giữ nguyên sự trẻ trung năm đó của mình. Đối với tôi, 30 tuổi, trận chiến của cuộc sống mới thực sự bắt đầu!
Mong cho bạn có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần khỏe mạnh, tất cả đều là sự sắp đặt tốt nhất!
Theo Vũ Đình (Trí Thức Trẻ)