Mới 3 tuổi nhưng bé G đã có thể vẽ được những bức tranh tỉ mỉ, có độ khó cao dù chưa được đào tạo. Nhận thấy con thích vẽ, chị H cũng đầu tư mua dụng cụ vẽ để con tự do sáng tạo.
Lúc đầu, chị H và gia đình cảm thấy tự hào vì con vẽ đẹp, được nhiều người khen. Mọi người đều ngạc nhiên và khen G là thiên tài.
Một số bức tranh bé vẽ nhìn y như thật, ai cũng trầm trồ, thậm chí có người trả giá rất cao để mua.
Tuy nhiên, một số người bạn thân thiết với gia đình chị H khi tiếp xúc với G thì thấy bé có những bất thường về mặt giao tiếp và cảm xúc. Bạn bè chị H khuyên chị nên đưa con đi khám vì nghi con có dấu hiệu rối loạn tự kỷ.
Nghe bạn nói vậy, chị H giận tím mặt, phản bác: “Con tôi là thiên tài, sao lại tự kỷ được”.
Chị H quan sát con và thấy con không vẽ theo cảm xúc hay sáng tạo mà chỉ như “chụp lại” rồi sao chép y chang những gì từng nhìn thấy.
Bé G cũng chỉ thích một vài thứ cố định và không quan tâm tới những thứ khác. Chỉ cần chị đổi vị trí bàn vẽ hoặc thay bộ màu mới, bé đã tỏ ra khó chịu.Ngoài ra, bé G thường trả lời câu hỏi của mọi người ngắt quãng, rời rạc. Khi theo dõi con nhiều hơn, chị H nghi ngờ con có vấn đề nên quyết định đưa con đi khám và tư vấn.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Hoàng Quốc Lân, Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần (BV Đa khoa Phương Đông) cho hay, khi khám cho G, bác sĩ đánh giá bé có rối loạn phổ tự kỷ rất điển hình. Trường hợp của bé G cần phải được duy trì can thiệp tích cực, phát triển các kỹ năng xã hội, các lĩnh vực phát triển khác để cháu có thể hoà nhập và thích nghi tốt hơn.
Khi nghe bác sĩ thông báo con có rối loạn tự kỷ, chị H đã “sốc”, hối hận vì không nghe lời người thân đưa con đi khám sớm hơn.
Chị H cũng băn khoăn không biết liệu việc can thiệp có làm mất đi tài năng hội họa của G hay không. Về vấn đề này, thạc sĩ Lân cho biết, việc can thiệp giúp trẻ cải thiện nhận thức, kỹ năng giao tiếp xã hội, hòa nhập và học tập cùng bạn bè đồng trang lứa. Tài năng hội họa của trẻ sẽ không mất đi, ngược lại, trong quá trình can thiệp, giáo dục, trẻ sẽ tiếp tục phát huy sở trường, đồng thời phát triển đồng đều các kỹ năng khác.
Không chỉ riêng trường hợp của bé G, trong quá trình làm việc, thạc sĩ Lân đã gặp rất nhiều trẻ chưa đi học nhưng có khả năng tính toán rất giỏi, ghi nhớ tốt. Tuy nhiên, những trẻ này thường gặp khó khăn trong giao tiếp và ứng xử xã hội, cần được hỗ trợ nhiều.
“Nhiều phụ huynh nhận thấy con có kỹ năng vượt trội từ sớm và chủ động cho con đi khám vì lo có dấu hiệu bất thường. Điều này có thể giúp phát hiện sớm bệnh nếu con mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, vẫn có một số người quá tin vào 'khả năng thiên tài’ của con, từ chối chẩn đoán và vô tình bỏ lỡ giai đoạn vàng để can thiệp hiệu quả”, thạc sĩ Quốc Lân chia sẻ.
Đặc điểm của trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường có xu hướng phát triển lệch, đặc biệt thể hiện ở khả năng ghi nhớ, sao chép hay thực hiện lặp đi lặp lại một kỹ năng nào đó với độ chính xác cao. Chính điều này đã khiến nhiều người lầm tưởng đó là dấu hiệu của tài năng thiên bẩm.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hoàng Quốc Lân, bản chất của những biểu hiện đó không nằm ở sự sáng tạo hay tư duy vượt trội mà chủ yếu là sự rập khuôn, máy móc – một trong những đặc điểm điển hình của trẻ mắc phổ tự kỷ.
“Không thể gọi là ‘thiên tài’ khi trẻ chỉ giỏi một kỹ năng mà thiếu hứng thú, không có khả năng giao tiếp xã hội và không thể kiểm soát cảm xúc. Trẻ thông minh thật sự là trẻ phát triển đồng đều các kỹ năng, có hiểu biết đa dạng và khả năng tương tác linh hoạt với thế giới xung quanh”, thạc sĩ Lân nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia tâm lý cũng khẳng định nếu trẻ tự kỷ có năng khiếu nổi trội, việc can thiệp sớm và đúng cách không những không làm thui chột tài năng mà còn giúp trẻ phát huy tối đa điểm mạnh của mình.
Thạc sĩ Lân khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu phát triển thiên lệch như giỏi đặc biệt ở một lĩnh vực nhưng lại kèm theo chậm nói, chậm vận động, thiếu tương tác, khó kiểm soát cảm xúc, cha mẹ cần tỉnh táo nhận biết và đưa trẻ đi khám sớm. Đây có thể là những dấu hiệu của rối loạn phát triển cần được can thiệp kịp thời.
Với những trẻ tự kỷ có kỹ năng nổi bật, cha mẹ, nhà giáo dục hay chuyên gia tâm lý trị liệu cần giúp trẻ tiếp tục nuôi dưỡng năng lực đó, đồng thời hỗ trợ trẻ phát triển các kỹ năng còn thiếu hụt như giao tiếp, ứng xử xã hội, tự phục vụ… để hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp trẻ hòa nhập và thích nghi với cuộc sống.
Việc can thiệp kịp thời không chỉ giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, hòa nhập mà còn mở ra cơ hội để trẻ phát triển tối đa tiềm năng sẵn có.
Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)