Tết Thanh minh 2025 là ngày nào? 3 điều ai cũng nên làm trong ngày Tết Thanh minh để cả năm đón may mắn

27/03/2025 14:38:07

Từ xưa, Tết Thanh minh là dịp lễ ý nghĩa đối với người dân Việt Nam, vậy Tết Thanh minh 2025 là ngày nào, rơi vào thứ mấy?

Tết Thanh minh năm 2025 rơi vào ngày nào?

Một năm có 24 tiết khí, đánh dấu sự thay đổi thời tiết và sự luân chuyển của các mùa. Bao gồm: Tiết Lập Xuân, Tiết Vũ Thủy, Tiết Kinh Trập, Tiết Xuân Phân, Tiết Thanh Minh, Tiết Cốc Vũ, Tiết Lập Hạ, Tiết Tiểu Mãn,  Tiết Mang Chủng, Tiết Hạ Chí, Tiết Tiểu Thử,  Tiết Đại Thử,  Tiết Lập Thu, Tiết Xử Thử, Tiết Bạch Lộ,  Tiết Thu Phân,Tiết Hàn Lộ, Tiết Sương Giáng, Tiết Lập Đông, Tiết Tiểu Tuyết,  Tiết Đông Chí, Tiết Tiểu Hàn, Tiết Đại Hàn. 

Thanh minh là tiết khí thứ 5, cái tên mô tả sự mát mẻ và quang đãng của bầu trời trong giai đoạn này, trong đó “thanh” là trong trẻo, còn “minh” là sáng sủa. 

Tết Thanh minh 2025 là ngày nào? 3 điều ai cũng nên làm trong ngày Tết Thanh minh để cả năm đón may mắn

Tiết Thanh minh từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa của người Việt. Câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..." giúp người dân nhớ rằng ngày này diễn ra vào tháng 3 Âm lịch. Nếu tính điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt trời bằng 15°.

Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Theo quy ước, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 - 21/4 dương lịch, rơi vào khoảng tháng 3 âm lịch.

Người xưa chọn ngày đầu của tiết Thanh minh để làm Tết Thanh minh. Tết Thanh minh của mỗi năm có sự xê dịch khác nhau. Năm 2025, Tết Thanh minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch, tức thứ Sáu ngày 7/3 âm lịch.

Ý nghĩa Tết Thanh minh

Tết Thanh minh gắn liền với đạo đức, bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên, những người đi trước. Đây là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

Tết Thanh minh 2025 là ngày nào? 3 điều ai cũng nên làm trong ngày Tết Thanh minh để cả năm đón may mắn - 1

Tết Thanh minh gắn liền với tục tảo mộ, một truyền thống lâu đời của người Việt. Vào ngày này, các gia đình thường cùng nhau dọn dẹp, chăm sóc phần mộ của ông bà tổ tiên, thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất. Đây là dịp để mỗi người con trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn, đồng thời nhắc nhở nhau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” – một nét đẹp trong văn hóa dân tộc.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, Tết Thanh minh còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình sum họp, gắn kết tình cảm. Sau khi hoàn thành việc tảo mộ, mọi người thường quây quần bên nhau, cùng chia sẻ những câu chuyện về cội nguồn, về những người thân đã khuất. Điều này giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống gia đình, từ đó trân trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp của tổ tiên.

Ngoài ra, Tết Thanh minh còn đánh dấu sự chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè, thời điểm thiên nhiên tươi đẹp, cây cỏ xanh tươi. Điều này thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, mang đến một cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng trong tâm hồn.

3 điều nên làm trong Tết Thanh minh 2025 để cả năm may mắn

Tảo mộ

Trong ngày Tết Thanh minh, mỗi gia đình nên đi tảo mộ gia tiên, dòng họ. Đây là một hoạt động ý nghĩa và quan trọng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu về công ơn của tổ tiên. Phong tục tảo mộ chủ yếu là dọn dẹp, làm sạch cỏ dại, sơn phết hoặc sửa sang lại phần mộ của ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất. Sau khi phần mộ được chăm sóc cẩn thận, gia đình sẽ thắp hương, dâng hoa và bày biện một mâm cúng đơn giản để bày tỏ lòng thành kính. Nếu gia đình ở xa, không thể trực tiếp đến viếng, có thể lập bàn thờ tại nhà, dâng hương gọi là “cúng vọng tâm”.

Tết Thanh minh 2025 là ngày nào? 3 điều ai cũng nên làm trong ngày Tết Thanh minh để cả năm đón may mắn - 2

Ngoài việc thăm viếng mộ phần của gia đình, người đi tảo mộ cũng nên thắp hương cho những ngôi mộ vô danh, không người chăm sóc. Hành động này thể hiện lòng nhân ái, sự tôn kính với những linh hồn không có người thân tưởng nhớ.

Dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ

Ngoài tảo mộ, vào tết Thanh minh, các gia đình cũng nên dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ sạch sẽ, gọn gàng. Theo quan niệm người xưa, việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ như: thay hoa, lau bát hương… thể hiện sự quan tâm chăm sóc và tiếp đón của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

Làm lễ cúng Tết Thanh minh

Bên cạnh việc tảo mộ, làm lễ cúng Tết Thanh minh cũng quan trọng không kém. Mỗi gia đình đều cần chuẩn bị lễ vật chu đáo, bày mâm cúng tại nhà và ngoài phần mộ để cầu mong sự bình an, phù hộ từ tổ tiên.

Sau khi phần mộ được dọn dẹp sạch sẽ, người viếng sẽ bày biện mâm cúng, thắp nhang, cắm hoa và đọc văn khấn, kính mời tổ tiên về hưởng lễ Thanh minh cùng con cháu. Nén hương thể hiện tấm lòng biết ơn và niềm mong ước gia tiên luôn dõi theo, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi.

Mâm cúng Thanh minh tại nhà thường gồm những món ăn truyền thống như xôi, gà luộc, canh măng, món xào… hoặc có thể là mâm cơm chay tùy theo quan niệm của mỗi gia đình. Nếu không có điều kiện chuẩn bị cỗ lớn, gia chủ có thể dâng lên tổ tiên những lễ vật đơn giản như trái cây tươi, trà, bánh, kẹo, miễn là thể hiện được lòng thành kính. Quan trọng nhất vẫn là tấm lòng hướng về cội nguồn, tưởng nhớ và tri ân những người đi trước.

Những kiêng kỵ trong ngày Tết Thanh minh theo quan niệm xưa

Không mặc trang phục thiếu kín đáo

Khi đi viếng mộ, bạn nên chọn trang phục lịch sự, tránh những bộ đồ quá sặc sỡ hoặc thiếu kín đáo. Đặc biệt, nữ giới cần lưu ý để thể hiện sự tôn trọng với không gian linh thiêng này.

Không nên đi tảo mộ khi sức khỏe không tốt

Nếu bạn đang bị ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi, tốt nhất không nên tham gia tảo mộ. Khi cơ thể yếu, vận khí cũng bị ảnh hưởng, dễ gặp phải những điều không may.

Giữ thái độ trang nghiêm, không cười đùa hay quát mắng

Nhiều gia đình đưa trẻ nhỏ đi cùng khi tảo mộ, nhưng việc cười đùa hoặc quát mắng trẻ tại khu vực mộ phần là điều không nên. Điều này thể hiện sự thiếu trang nghiêm và bất kính với người đã khuất.

Tránh đến những nơi hoang vắng, hẻo lánh

Theo quan niệm phong thủy, những nơi hoang vu, ít người qua lại thường có nhiều âm khí. Nếu bắt buộc phải đến những khu vực này, bạn nên đi cùng người thân để đảm bảo an toàn.

Không chụp ảnh tại khu vực mộ phần

Khi viếng mộ, điều quan trọng nhất là lòng thành và sự tập trung. Chụp ảnh ở khu vực này có thể làm xáo trộn sự cân bằng âm dương, ảnh hưởng đến vận khí của bản thân. Vì vậy, bạn nên hạn chế tối đa việc ghi hình tại nghĩa trang.

Phụ nữ mang thai không nên đi tảo mộ

Phụ nữ đang mang thai được khuyên không nên đi viếng mộ vào dịp Thanh minh. Môi trường ở nghĩa trang có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi do âm khí nặng. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên nhờ người thân thay mình thực hiện nghi thức này.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm

Theo H.A (Kienthuc.net.vn)