Tết hâm nóng thức ăn kiểu này thì độc chất rất dễ sinh sôi

01/02/2025 19:29:55

Vào những ngày Tết, thực phẩm thừa là điều khó có thể tránh khỏi do mâm cơm thường đầy đặn hơn bình thường. Theo chuyên gia, hâm nóng thức ăn sai cách có thể gây hại sức khoẻ.

Tết hâm nóng thức ăn kiểu này thì độc chất rất dễ sinh sôi

Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trong những ngày Tết, các gia đình đều sắm sửa mâm cao cỗ đầy để dâng lên cúng tổ tiên. Do đó, việc thức ăn dư thừa khá thường gặp trong những ngày Tết.

Đối với thực phẩm thừa, nếu được bảo quản tốt và đun nấu lại đúng cách thì khi dùng vẫn đảm bảo sức khoẻ. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo có 1 sai lầm khi hâm nóng thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ sinh ra độc chất gây ngộ độc thực phẩm - đó chính là hâm nóng nhiều lần.

BSCKI Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh Dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải thích việc hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Nhiệt độ nóng rồi lạnh thay đổi nhiều lần sẽ kích thích vi khuẩn sinh sôi, tiết ra các độc chất vào thực phẩm và làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người nếu ăn phải.

Theo bác sĩ Mai, vi khuẩn Listeria là loại vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ thấp. Chúng có thể được tìm thấy trong các loại thịt cá xông khói, phô mai/sữa chua tiệt trùng, kem lạnh, pate, xúc xích và thịt nguội (chả, jambon…).

Tết hâm nóng thức ăn kiểu này thì độc chất rất dễ sinh sôi - 1
Ảnh minh hoạ.

Listeria là một trong những nguyên nhân gây các bệnh phổ biến: rối loạn tiêu hóa, ói mửa, tiêu chảy, sốt…

Bác sĩ Mai khuyên mọi người chỉ nên chuẩn bị thực phẩm ngày Tết với lượng vừa đủ ăn. Khi nấu thức ăn, chỉ nấu một lượng nhỏ để tránh bị thừa quá nhiều. Thực phẩm thừa khi cất vào tủ lạnh nên chia thành lượng đủ dùng 1 lần. Khi lấy ra nên đun nóng lại ngay và sử dụng, tránh hâm nóng thức ăn quá nhiều lần.

Khi hâm nóng thức ăn, mọi người cần đảm bảo thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, nhớ trộn hoặc đảo thức ăn trong lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng lấy ra vội, hãy đợi khoảng 3 phút rồi lấy ra, bác sĩ Mai nói.

Ngoài ra, 3 thực phẩm đặc biệt cần tránh hâm đi hâm lại nhiều lần là cơm, thịt gà, rau xanh.

Cách bảo quản thực phẩm

Bác sĩ Mai tư vấn trong những ngày Tết, ngoài lưu ý tới vấn đề hâm nóng thực phẩm thì việc bảo quản đúng cách cũng rất quan trọng. Bảo quản thức ăn đúng sẽ tránh được nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn xâm nhập. Theo đó, việc bảo quản thực phẩm cần lưu ý những vấn đề sau:

- Cần làm nguội nhanh các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu, không để chúng ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh, điều này sẽ làm cho nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng đến sự bảo quản các thức ăn xung quanh.

- Thức ăn phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm để đảm bảo mùi vị và chất lượng của thức ăn.

- Tránh để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, khiến nhiệt độ và không khí lạnh lưu thông không được đảm bảo, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Mai lưu ý thêm để đảm bảo sức khoẻ, hãy tuân theo quy tắc ăn chín uống sôi; không nên để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ và sắp xếp dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý. 

Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)