Dòng tâm sự trên trang confession của trường ĐH Kinh tế Quốc dân thu hút gần 5.000 lượt thích |
Hai năm trước đây, chàng cử nhân Kinh tế từng nghĩ nhất định phải “bám trụ” lại Hà Nội. Bởi anh tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học danh tiếng, từng là niềm tự hào của bố mẹ và từng được mọi người tin rằng, sẽ có một tương lai tốt đẹp ở Thủ đô.
Chỉ riêng anh là cảm thấy mình không hợp với những thứ hào nhoáng ở đây. Anh yêu thích trồng rau, nuôi lợn, thích sự giản dị, quê mùa. Thế nhưng, vì niềm tin của bố mẹ, vì sợ hàng xóm chê cười, anh cũng cố tìm cho mình một công việc ở nơi lắm xô bồ.
Bằng giỏi ra trường, không quá khó để chàng cử nhân Kinh tế xin được công việc nhẹ nhàng, lương cao. Nhưng anh không hài lòng với điều đó, bởi để có được mối quan hệ làm ăn anh phải trả giá bằng những buổi rượu chè, nhậu nhẹt. Công việc “tiếp thị” đòi hỏi anh phải nói dối nhiều đến độ nó đã trở thành phản xạ. Và quan trọng nhất, anh không đam mê công việc đó.
Chàng cựu sinh viên luôn trăn trở bám trụ lại Thủ đô hay về quê lập nghiệp (ảnh minh họa) |
Một ngày, nhận ra mình không có trách nhiệm với công việc đang làm, anh quyết định viết đơn xin nghỉ việc, về nhà… trồng rau. Hàng ngày vật lộn với đồng áng, ao cá… nhưng anh không hề phiền lòng bởi đó là công việc anh thích. Ai cũng nghĩ đó là một quyết định điên rồ, chỉ riêng anh đã thấy mình đúng đắn, ít nhất một lần trong đời.
“Ngày hôm nay, ngồi tại Hà Nội, bên cạnh là xe tải rau củ quả, vẫn cốc trà đá quen thuộc nhưng chưa bao giờ tôi uống nước Hà Nội mà thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản đến vậy. Cuộc sống vốn dĩ rất đẹp, chỉ có chúng ta cứ cố tình làm cho nó xấu đi mà thôi”, cựu nam sinh Kinh tế viết.
Tâm sự của chàng cử nhân Kinh tế đã cho mọi người một cái nhìn mới hơn về lựa chọn làm thuê tại Thủ đô hay về quê lập nghiệp. Và quan trọng hơn, câu hỏi “Thế nào là sống đúng nghĩa?” đặt ra trong câu chuyện này khiến nhiều người trăn trở.
Nick name Đinh Văn Minh viết: “Cuộc sống là do ta chọn lựa. Bình dị và giản đơn hay phức tạp và bon chen, ta đều có quyền sống với những lựa chọn đó. Riêng tôi, việc được sống với điều mình đam mê chính là niềm hạnh phúc lớn nhất”.
Nick name Đức Tiến chia sẻ: “Không ít bạn sinh viên, sau khi ra trường tìm mọi cách bám trụ lại Hà Nội mà không biết đó có phải là cuộc sống mình mong muốn hay không. Tôi cũng vậy. Phần lớn chúng ta đều bị trói buộc bởi định kiến: “Chẳng lẽ học xong 4 năm rồi về quê làm ruộng, như vậy thì nhục nhã quá…”. Không sao cả, chỉ cần là cuộc sống mình thích thì nhất định phải làm, dù người đời có nói thế nào”.
Trích tâm sự của cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân:
#7088 Một buổi sáng tháng 4, nắng nhẹ, trời đẹp. Trở lại Hà Nội sau 2 năm xa cách, nhân một chuyến hàng từ miền ngược về Thủ đô, chuyến hàng khá lớn, chính tôi phải đi áp tải cùng, xe tải đỗ vào lề đường, chọn quán trà đá quen thuộc, tôi lặng lẽ ngắm nhìn phố phường. Hà Nội vẫn như 2 năm trước, tấp nập, đông đúc và hối hả, người ta dường như không có đủ thời gian để dừng lại nhìn những thứ xung quanh, để thấy nó đẹp. Hà Nội đẹp, rất đẹp. Thiếu tôi hay thiếu 10 thằng như tôi, Hà Nội vẫn cứ đẹp. Vậy mà 2 năm trước, tôi đã từng nghĩ tôi cần và nhất định phải ở lại Hà Nội. Tốt nghiệp Kinh tế Quốc dân với tấm bằng giỏi. Dù bằng giỏi ở NEU nhiều như lợn con, tôi vẫn cảm thấy có đôi chút tự hào. Ở miền quê trung du nghèo khó chúng tôi, tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi là một cái gì đó lớn lao, nó khiến người ta có quyền hi vọng vào một tương lai sáng ngời tại Thủ đô. Và bố mẹ tôi cũng không phải ngoại lệ. “Bao nhiêu công lao học hành vất vả, bây giờ nên người rồi thì cố gắng ở Hà Nội làm việc cho tốt nhé, quê mình không làm ăn được gì đâu con ạ, về là khổ đấy!”, bố tôi nói với tôi. Và chính tôi cũng thấy như vậy. Nghèo! Không có một cơ hội nào, cho dù tôi học giỏi, nhưng với điều kiện của gia đình, tôi cũng chẳng dám mơ ước gì đến việc ổn định ở quê, tôi phải ở Hà Nội thì mới khá được. Thực lòng mà nói, tôi không yêu thích những thứ hiện đại, hào nhoáng như tài chính, ngân hàng, ô tô, bất động sản cho lắm, mặc dù tôi đủ khả năng để học! Những từ đó tôi cảm thấy nó không hợp với mình, có lẽ, tôi là người hơi cổ hủ. Tôi yêu thích trồng rau, nuôi lợn, tôi thích sự giản dị, quê mùa nhưng chân thật, từ bé đã thế. Nhưng thời điểm đó, tôi không thể làm thế. Học kinh tế mà lại đi trồng rau sao? Sẽ là trò cười cho các bạn tôi, sẽ là nỗi xấu hổ cho bố mẹ tôi, tôi sợ điều đó! Dẹp rau cỏ, lợn gà sang một bên, tôi bắt đầu đi xin việc. Cũng không quá khó khăn để có được một công việc là vị trí bán hàng trong một ngân hàng nho nhỏ. Tôi không nhớ tên gọi chính xác của chức danh đó, chuyên viên tín dụng, hay đại loại là 1 mỹ từ nào đó để che đậy bản chất của nhiệm vụ "tiếp thị". Người Việt mình rất hay, rất thích những gì thuộc bề nổi, một cái tên gọi hay hay thôi cũng làm người ta phấn khích. Đào tạo, thử việc, rồi chính thức. Thực lòng mà nói, các sếp trong ngân hàng là những người bán hàng cực giỏi, tôi không thể phủ nhận. Họ có những tố chất mà chúng ta phải học tập, học rất nhiều và rất lâu, đó là khoảng thời gian mà tôi nghĩ mình không thấy hối tiếc khi được làm việc với họ. Chỉ cần áp dụng đúng những cách mà họ đã truyền đạt, cộng thêm một chút xông xáo, nhiệt tình, khéo léo, bạn sẽ có những khách hàng rất tiềm năng. Đến bây giờ những gì mà tôi học được từ họ, vẫn còn nguyên vẹn và cực kỳ có ích cho tôi, tôi mang ơn những lãnh đạo của tôi, những con người nhiệt huyết và xuất sắc. Tôi hoàn thành một cách rất tròn vai công việc của tôi, vì tôi muốn xứng đáng với mức đãi ngộ của đơn vị quản lý tôi. Tôi cũng như họ, tất cả đều đem sức lực của mình cống hiến và mong nhận về những điều xứng đáng. Khi đã bắt tay vào làm việc với nhau, hãy tôn trọng nhau và hãy vì nhau. Còn khi không muốn làm việc với nhau nữa, đó lại là chuyện khác. Tôi hiểu công việc của tôi, đó là quần âu, áo sơ mi, đó là phong cách lịch sự, chiều lòng người, khéo léo trong giao tiếp để đạt được mục đích. Các mối quan hệ, thứ phải có, giúp tôi đạt được mục tiêu. Tôi rất cố gắng để, mở rộng và chăm sóc các mối quan hệ, như lời các sếp dạy và kinh nghiệm đồng nghiệp truyền đạt lại. Và rồi tôi hiểu ra tính 2 mặt của vấn đề. Những gì anh có được từ quan hệ thì cái giá anh phải trả cũng từ những mối quan hệ đó mà ra. Tôi phát hiện ra mình nghiện rượu, mặc dù chỉ ở mức độ nhẹ. Vâng, nghiện rượu, điều mà tôi chưa từng nghĩ đến ở tuổi tôi. Những buổi ăn uống tiệc tùng với khách hàng, cơ quan, bạn bè triền miên, dĩ nhiên là cuộc vui nào cũng có cồn. Khi thiếu hơi men, tôi cảm giác độ phấn chấn và hứng khởi không còn nữa, đó là triệu chứng của nghiện. Còn tai hại hơn cả nghiện rượu, đó là tật nói dối, nói dối không chớp mắt, nói dối không còn thấy ngượng mồm. Cộng với đó là thói quen hứa hẹn, hứa hẹn rất nhiều, hứa hẹn những điều rất tốt đẹp và rất xa vời. Ngay cả những việc rất nhỏ và chẳng cần thiết, tôi cũng nói dối mọi người, nói dối đã thành phản xạ! Thật may là tôi chưa lừa đảo, nếu không thì có thể gọi tôi là 1 tên đa cấp trong vỏ bọc ngân hàng. Quan trọng hơn hết, tôi không có cảm giác vui vẻ hay mãn nguyện với những thứ tôi hết sức phấn đấu đạt được. Tôi biết tôi học tập, phấn đấu, bung sức lực để hi sinh vì cái gì. Đó là niềm hãnh diện, sự yên tâm của gia đình có 1 đứa con làm ngân hàng trên Hà Nội, là vì sự hào nhoáng bề ngoài, và là vì tôi sợ, một nỗi sợ mơ hồ, rằng nếu từ bỏ, tôi sẽ không còn con đường nào khác. Một ông anh họ gọi điện cho tôi, ông anh hiểu tôi nhất, biết tôi yêu thích điều gì nhất: “Đợt này anh đang làm khu trồng rau, chăn nuôi thực phẩm rừng, có 1 bè cá nhỏ nữa, hay chú xem xét nên đây làm nông dân cùng anh! Cứ suy nghĩ nhé, anh không ép!” Một sự phấn khích nổi lên trong tôi mà không cần có hơi men. Tôi đã chán ngấy những thứ hiện đại, những ngôn từ hoa mĩ của giới tài chính ngân hàng, ngán ngẩm với sự xô bồ, bon chen, những khuôn mặt luôn tươi cười nhưng đầy toan tính. Tôi muốn về với vùng quê thanh bình, trồng rau, nuôi cá, nói chuyện một cách suồng sã với anh em, sống chân thành với mọi người. Và tôi bắt đầu muốn nghỉ việc. “Anh cảm giác em không còn hứng thú với công việc, em không muốn phấn đấu nữa thì phải. Em nên nhớ anh có quyền quyết định về em đấy!”, sếp tôi nói với tôi như vậy. Anh ấy không sai, anh ấy có quyền quyết định về tôi. Và tôi cũng có quyền quyết định về mình. Khi bạn làm việc, bạn phải có trách nhiệm. Khi bạn không còn trách nhiệm với việc mình làm, thì đừng làm gánh nặng cho mọi người. Ngay chiều hôm đó, tôi viết đơn xin nghỉ việc. Chẳng cần lý do, bởi tôi không muốn xin việc vào đâu nữa. Tôi sẽ về quê trồng rau. Tất nhiên, bây giờ tôi vẫn là 1 tên đi bán hàng, bán rau, bán thịt, bán cá. Nhưng tôi yêu những thứ chúng tôi làm ra, nó là những ngày tháng quần quật trên những mảnh ruộng, lặn ngụp dưới bè cá, phơi nắng, dầm mưa, lo lắng, thấp thỏm và chờ đợi. Tôi thấy quý trọng nó, tôi đi rao bán nó một cách say sưa và nhiệt huyết. Tôi vẫn nở nụ cười, nhưng là nụ cười không toan tính. Thêm nữa là tôi không thấy thèm rượu, bớt nói dối và bỏ hẳn thói quen hứa hẹn. Bạn yêu xe ô tô, bạn đi bán xe ô tô. Bạn yêu bất động sản, bạn bán bất động sản. Tóm lại là như vậy, cuộc sống thương trường khắc nghiệt, nhưng nó không thể bắt bạn phải làm gì! Sẽ còn lâu nữa để gia đình hiểu và hài lòng với công việc bây giờ của tôi, nhưng điều đó đâu có quan trọng. Muốn giúp đỡ được gia đình, trước tiên tôi phải quyết định được bản thân mình. Ngày hôm nay, ngồi tại Hà Nội, bên cạnh là xe tải rau củ quả, vẫn cốc trà đá ở quán quen thuộc, nhưng chưa bao giờ tôi uống nước ở Hà Nội mà thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản đến vậy, thấy mọi thứ đẹp đến vậy. Cuộc sống vốn dĩ rất đẹp, chỉ có chúng ta cứ cố tình làm nó xấu đi mà thôi. |