“Nhất thiết cung kính- nhất tâm kính lễ, vào chùa không chỉ có lòng thành mà trang phục,cử chỉ, tư lễ cũng phải thể hiện sự thành kính. Chính vì thế, nơi tôn nghiêm mà người mặc quần đùi áo may ô, phục trang phản cảm là không được”, Đại đức Thích Tâm Kiên nói.
Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Quang Phong |
Đại Đức Thích Tâm Kiên cho biết, chùa Một Cột hàng ngày đón rất nhiều phật tử, du khách đến tham quan, lễ bái. Thực tế, một số khách tham quan, đặc biệt là khách ngoại quốc vẫn đi vào chùa với trang phục hở hang, không phù hợp.
“Từ cách đây 20 năm, chùa Một Cột đã để 2 biển bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh đề nghị mọi người không mặc trang phục ngắn khi vào chùa. Cổng chùa cũng có hai người bảo vệ, hướng dẫn kiên quyết không để khách tham quan mặc áo sát nách, quần ngắn trên đầu gối vào chùa.
Tuy nhiên, trên thực tế, vì lượng du khách quá đông, đôi lúc vẫn để “lọt” một số trường hợp. Để rốt ráo tránh hiện tượng không thuận mắt này, nhà chùa cũng đã trao đổi, phối hợp với các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch cẩn thận nhắc nhở du khách về trang phục khi có ý định đến tham quan chùa”, Đại Đức Thích Tâm Kiên chia sẻ.
Theo Đại Đức Thích Tâm Kiên, giờ hiện trạng người ăn mặc hở hang, chưa phù hợp vào chùa Một Cột vẫn có nhưng đã giảm thiểu rất nhiều so với cách đây 5-7 năm. Đối với những trường hợp như thế, đa phần là những người trẻ, có thể do họ chưa nhận thức được vấn đề. Hoặc có người không chủ đích đến chùa, họ đi chơi và tiện ghé vào nên những bộ trang phục tiện lợi lại không phù hợp với chốn tôn nghiêm.
Hình ảnh ăn mặc phản cảm của một số người trẻ nơi đền chùa khiến nhiều người khó chịu. |
Chia sẻ xoay quanh chuyện người ăn mặc không phù hợp khi đến đền chùa, Đại Đức Thích Tâm Kiên kể: “Tôi từng đến Tòa thánh Vatican, nơi đó có đội ngũ tự nguyện hùng hậu là những thanh niên trẻ mặc trang phục lịch sự đứng bảo vệ. Với những du khách mặc trang phục không phù hợp, dù họ mua vé rồi cũng bị đội ngũ tự nguyện này mời ra ngoài.
Tôi cũng đến Khu di tích Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang - Khánh Hoà, để tránh những hình ảnh không đẹp mắt chốn linh thiêng, ở đây có điểm cho mượn trang phục phật tử và khăn dài miễn phí cho khách tham quan.
Hay chùa Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương, khi du khách, phật tử đến đều được phát cho đối tất lồng vào giầy dép để du khách, phật tử vừa yên tâm về tư trang mà vẫn giữ được sự sạch sẽ cho nơi tôn nghiêm.”
Về ý kiến các Khu di tích, đền chùa nên chăng hỗ trợ khăn choàng cho khách tham quan khi họ mặc trang phục chưa phù hợp, Đại Đức Thích Tâm Kiên rất ủng hộ: “Tôi nghĩ điều này nên được nhân rộng tại các đền chùa Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chùa nào cũng đủ diện tích và nhân lực để thiết kế phòng cho mượn đồ, rồi những người trông nom, phân phát và thu lại khăn choàng… Theo tôi, ở mỗi một nơi khác nhau nên có những biện pháp cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế. Và điều quan trọng nhất vẫn là làm sao nâng cao nhận thức của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ về vấn đề này!”.
Theo Nguyễn Hằng (Dân Trí)