P chia sẻ, từ một cô gái học hết cấp 3 ở quê ra Hà Nội, chị kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bán quần áo thuê, rửa bát...
"Quỳ xin bán nước nuôi con"
Mấy ngày gần đây, bức ảnh về một cô gái quỳ gối giữa đường đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của dư luận.
Trong bức ảnh, người xem thấy một cô gái trong bộ dạng đáng thương, đầu tóc rối bời, mặt cúi gằm tủi hờn, trên tay cầm tấm bảng với mục đích xin được ngồi bán nước để nuôi con nhỏ. Trước mặt cô có để một chiếc cốc đang được úp xuống đường.
Có một điểm khiến người xem chú ý đó chính là việc trong tấm bảng đó nhắc tới 3 lần tên của một người đàn ông với nhiều nickname khác nhau như: M. Phương; M. Hà Nội; M Thương binh.
|
Hình ảnh gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.
|
Để tìm hiểu thông tin, chiều 6/7, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với nhân vật chính trong bức ảnh là chị Nguyễn Thị P, SN 1984, trú tại khu E2 tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
P chia sẻ, từ một cô gái học hết cấp 3 ở quê ra Hà Nội, chị kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bán quần áo thuê, rửa bát...
Sau đó, chị gặp được người yêu thương lấy làm vợ, nay chính là người chồng hơn chị 14 tuổi. Chồng chị làm hướng dẫn viên du lịch, lương chỉ đủ chi tiêu. Còn P ở nhà tiếp quản hàng nước của mẹ chồng để nuôi cả gia đình.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hành động quỳ gối dưới đường gây xôn xao dư luận vừa qua, P cho biết, trước hôm xảy ra sự việc một ngày (tức thứ Sáu, ngày 3/7), ông M. mới dọn về sống cùng khu nhà, có xuống nói chuyện với P rằng:
“Cô chú mới về ở khu này và sẽ xuống bán hàng cho vui, vì chỗ này là lối đi chung nên cháu bán sáng, thì chiều cô chú sẽ bán.
Khi đó, em có nói lại rằng, mẹ con cháu bán hàng ở đây đã có sự đồng ý của mọi người và có sự đóng góp...mong cô chú tạo điều kiện”, P kể.
|
Theo lời ông Tổ trưởng tổ dân phố, mẹ con chị P đã bán hàng ở khu vực này 20 năm và chưa từng gây ảnh hưởng trật tự an ninh. |
Tuy vậy, ông M. vẫn nhất quyết bán hàng và có những lời lẽ khiến P hoang mang.
Cụ thể, theo lời kể của P, ông M. tỏ ra cứng nhắc và kiên quyết, ông ra "tối hậu thư" ngày mai, P phải dọn dẹp nếu không sẽ cho người cắt mái tôn chia làm đôi, mỗi người một phần.
P kể: "Lúc nghe thấy chú M. nói thế thì em nghĩ đến cuộc sống của mẹ chồng, con nhỏ và vì em không thể kiếm tiền bằng cách khác nên em quỳ xuống, van xin chú ấy.
Rồi sau đó, em lại túng quẫn dùng con dao cứa cổ tay, máu me bật ra. Lúc này, mọi người xung quanh đưa em đi bệnh viện cấp cứu".
Vì thế khi xảy ra sự việc, P nghĩ không còn cách nào khác, buộc chị phải "cúi đầu" để được san sẻ miếng cơm manh áo.
|
Nơi xảy ra tranh chấp bán hàng giữa chị P và ông M. |
"Đây là sự nôn nóng"
Trao đổi với PV về sự việc, ông Nguyễn Việt Cường, tổ trưởng tổ dân phố số 10 Khu tập thể Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tối hôm thứ bảy (4/7), ông đi qua đúng lúc giữa P và ông M đang có sự tranh cãi, ông Cường đã được P và ông M. mời uống nước để nói chuyện.
Vì thế, ông Cường cũng là người chứng kiến, tường tận vụ việc.
“Vợ chồng ông M. là người vừa chuyển về khu tập thể E2 được hơn 1 tuần, chưa có trình báo với tổ dân phố và tổ trưởng.
Khi đi qua thấy có sự việc, tôi đứng lại và khyên bảo hai người tự giải quyết với nhau và có phân tích cho ông M. biết, mẹ con P bán hàng ở nơi cầu thang này là được sự đồng ý của tất cả bà con khu tổ dân phố.
Ngoài ra, mẹ con P cũng như những người bán hàng ở cầu thang tại các đơn nguyên khác đều có đóng góp cho tổ dân phố một phần để làm quỹ sinh hoạt chung của tổ”.
Theo lời ông Cường, lúc đó ông M. giới thiệu tên tuổi và cung cấp thông tin gia đình ông đã chuyển về đây ở và có đề nghị rằng, ông M. sẽ bán hàng vào các ngày Chủ nhật và các buổi tối vì thời điểm này, mẹ con P đều nghỉ bán hàng .
Ông Cường xác nhận, mẹ con chị P bán hàng gần 20 năm nay. Kể từ khi mẹ chồng chị P bán hàng rồi đến khi chị P tiếp quản, chưa hề có ảnh hưởng đến an ninh trật tự và không có vi phạm pháp luật.
Về việc chuyện chị P phải quỳ trước mặt ông M., thậm chí rạch tay để van xin, ông Cường cho rằng, đấy là sự nôn nóng trong việc ông M. quyết định mở hàng nước chỉ sau 1 ngày đề cập.
Còn chị P thì quá nông nổi trong cách ứng xử khiến cho khu dân cư bị ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
“Tối hôm gặp sự việc hai người đang thỏa thuận với nhau, tôi đã phân tích và khuyên bảo ông M. Do ông M. là thương binh, chúng tôi đều hiểu và còn hứa sẽ họp tổ dân phố, tạo điều kiện chăm lo...Tuy vậy, hôm sau, ông M. đã lắp bóng điện, bày hàng ra để bán.
Cô P lo sợ mất chỗ bán hàng đã đeo biển hiệu, quỳ xuống đường van xin khi ông M. đang ngồi vào chỗ mình vẫn bán hàng, làm cho khu dân cư chúng tôi bị mang tiếng”, ông Cường bày tỏ.
>> Mỹ nữ quỳ gối xin được bán nước trên vỉa hè Hà Nội nuôi con nhỏ
Theo Minh Ngọc (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)