Sống chung/ sống thử là xu hướng đang được nhiều cặp đôi lựa chọn hiện tại. Vì thứ nhất là có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thứ hai là gia tăng tình cảm. Tuy nhiên, sống chung ngày xưa và sống chung thời gian dịch bệnh là hai khái niệm rất khác nhau. Bởi nếu trước kia, mỗi người vẫn có khoảng không gian riêng lúc đi học, đi làm thì hiện tại, do quy định giãn cách xã hội nên đồng nghĩa với việc bạn và nửa kia sẽ phải đối mặt với nhau 24/7.
Một vài người bạn đã tìm đến tôi để trút bầu tâm sự. Có người nói dịch bệnh khiến họ nhận ra người con trai họ yêu bấy lâu này hóa ra chẳng khác gì một gã đểu cáng, cũng có người lại nói rằng họ cảm thấy mình càng ngày càng không thể rời xa anh bạn trai hiện tại, sau chuỗi ngày cả hai ở nhà với nhau.
Câu chuyện tôi cảm thấy ấn tượng nhất là của một cô em tôi quen ở lớp yoga cũ. Nó và bạn trai từng là đồng nghiệp cùng công ty. Sau này công ty giải thể, cả hai bắt đầu hẹn hò và sống chung với nhau.
Cả hai rất hiếm khi cãi nhau, vì đi làm rất bận, muốn cãi cũng không có thời gian để mà cãi. Vậy nhưng chỉ vì nghỉ dịch ở nhà, chỉ sau 1 tuần cả hai đã cãi nhau to. Lý do cãi nhau là vì con bé muốn ra ngoài xả hơi một chút bằng cách đi đổ rác nhưng bạn trai nó thì kiên quyết không đồng ý, bắt nó phải ở nhà, không được bước ra khỏi cửa dù nửa bước. Nó sững sờ trước giọng điệu ra lệnh của bạn trai và nổi giận đến tự nhốt mình trong phòng.
Một lúc sau, bạn trai nó gõ cửa bước vào dỗ dành. Cậu chàng thỏ thẻ: "Anh sẽ làm hết tất cả các công việc như đi chợ, mua đồ, đổ rác, nhận đồ ship và dọn dẹp trong thời gian này. Em chỉ cần xem TV và chơi game trong nhà thôi, ở ngoài nguy hiểm lắm. Anh không yên tâm khi thấy em ra ngoài".
Tới lúc này nó mới phát hiện, anh bạn trai có vẻ "vô lý đùng đùng", không cho nó ra ngoài hít thở mới chính là người thực sự quan tâm đến nó và muốn bảo vệ nó.
Nghĩ cũng đúng đấy chứ, đối với nhiều người, những ngày ở nhà không chỉ là biện pháp để tránh con virus mà còn là một phép thử cho mối quan hệ giữa hai người. Nhiều người còn đùa những người yêu nhau trong mùa dịch này, chờ khi dịch hết chẳng khác gì hai người đã cùng nhau trải qua ranh giới sinh tử. Tôi không biết liệu dịch bệnh có thể khiến bạn gặp phải những rắc rối như thế nào, nhưng tôi cá rằng sau 1-2 tháng cách ly tại nhà, bạn có thể dễ dàng nhìn ra người bạn yêu có thực sự phù hợp với bạn hay không.
Vài ngày trước thôi, Vy Vy - một người bạn cũ đã nhắn tin cho tôi rằng nó muốn chia tay bạn trai ngay lập tức vì phát hiện bạn trai nó hoàn toàn không phải người có thể chung sống với nó suốt đời. Nguyên nhân là vì hai người cùng nghỉ dịch ở nhà với nhau, mỗi khi không có việc gì để làm cả hai sẽ chơi game.
Mới đầu, khi thua 1-2 ván, bạn trai vẫn an ủi Vy không sao, chỉ là game thôi mà. Nhưng sau chuỗi thua liên tiếp, bạn trai bắt đầu quay sang trách Vy, thề rằng không bao giờ chơi game với cô nữa, thậm chí còn gỡ luôn dòng trạng thái đang hẹn hò trong game. Không dừng lại game, bạn trai bắt đầu khó chịu với Vy vì đủ lý do khác: tính tình không dịu dàng, nói chuyện cộc lốc, không biết dọn dẹp nhà cửa...
Vy cười khổ nói với tôi: "Một tháng nay, tao đã hoàn toàn nhận ra bộ mặt thật của bạn trai tao".
Tôi thường nói, muốn biết một người có hợp tính với mình không thì cứ đi du lịch chung một lần là biết. Không phải chuyến du lịch đó có thể thử thách gì đối phương mà bởi trong khoảng thời gian 2 người gắn bó từ sáng tới tối, chỉ đi chơi, không cần làm việc ấy, tính cách thật bên trong ra sao mới bộc lộ ra ngoài.
Khi bạn mất đi tự do, cả ngày chỉ có thể đối diện với một người duy nhất mà vẫn không thấy ghét bỏ thì người đó mới là người có thể ở bên bạn cả cuộc đời.
Còn nhớ có lần tôi từng xem được một đoạn video ghi lại cảnh người đi đường vừa chạy tán loạn vừa hô "Động đất", thế nhưng có một người đàn ông lại lao ngược vào trong cửa hàng, nắm lấy tay vợ rồi mới bắt đầu chạy.
Tình yêu là thế đó.
Tình yêu chưa bao giờ chỉ là những ngọt ngào ngoài miệng hay trong suy nghĩ, nó là sự bảo vệ không ngần ngại khi đối phương gặp nguy hiểm. Đôi khi cuộc sống quá bình lặng khiến chúng ta không thể nhận ra tình cảm của nhau, và chỉ khi khủng hoảng hay những nguy cơ xuất hiện, chúng ta mới đánh giá được vị trí của mình trong lòng một người con trai.
Phương - cô bạn thân của tôi vừa kết hôn với anh người yêu 4 năm của nó. Khi tôi hỏi tại sao nó chọn anh ấy, nó đáp là vì một chuyện. Một ngày nọ, trời đột nhiên sấm chớp đùng đùng và mất điện cái "bụp", Phương lúc đó đang ở phòng bếp sợ quá không dám động đậy, trong khi đó bạn trai nó đứng ở phòng khách và hét lớn: "Cứ đứng yên đấy, anh đến với em ngay đây".
Phương trả lời: "Thôi, anh cứ tìm điện thoại của anh để bật đèn trước đi".
Nhưng bạn trai Phương nhất quyết không chịu, cả hai tiếp tục trao đổi bằng giọng nói như thế. Chưa đầy một phút sau, bằng một cách bất ngờ nào đó, bạn trai đã đến được chỗ Phương, nắm lấy tay Phương và an ủi: "Trong bếp toàn dao với mấy đồ sắc, anh dắt em ra ngoài đã thì mới yên tâm được".
Ngay lúc đó, Phương đã tự hứa với lòng mình nếu không phải là người này thì nó sẽ không bao giờ lấy chồng.
Tình yêu chưa bao giờ là 3 chữ "Anh yêu em", mà là "Anh yêu em như thế nào". Trên thực tế, có nhiều cặp đôi đã sống chung 1-2 năm nhưng vẫn không xảy ra nhiều vấn đề bằng 1-2 tháng nghỉ dịch thế này.
Có người kể với tôi: Suốt 1 tháng qua, bạn trai tôi ngoài ngủ thì chỉ biết chơi game, không quan tâm gì đến tôi, ngày nào cũng chỉ gọi đồ ship hoặc ăn mỳ tôm.
Cũng có người lại kể với tôi: Suốt 1 tháng qua, bạn trai luôn là người chủ động nấu ăn đủ 3 bữa mỗi ngày cho tôi, dù việc đi lại bị hạn chế nhưng anh ấy không bao giờ để tôi bị đói.
Vậy đấy, chỉ trong vòng 1 tháng ngắn ngủi, có những mối quan hệ sớm chiều được bên nhau mà trở nên thắm thiết hơn và cũng có những mối quan hệ sớm chiều phải thấy mặt nhau mà trở nên nhàm chán, đáng ghét.
Tình yêu không đơn giản là câu "Anh nhớ em"/ "Anh yêu em" ngoài miệng.
Yêu em phải là bảo vệ em, là ngày đêm bên nhau vẫn thấy vui, là khi em già đi vẫn sẵn sàng nắm tay dắt em qua đường, là dù em như thế nào thì vẫn thương em, vẫn muốn gắn bó với em. Yêu là bản năng của cơ thể, so với thảm họa, với dịch bệnh thì anh sợ mất em hơn.
Bởi vậy nên, cặp đôi nào cùng nhau trải qua quãng thời gian dịch bệnh này mà vẫn chưa chia tay thì sau khi hết dịch, mời các bạn hãy cưới nhau ngay đi.
Theo Yingie (Pháp Luật & Bạn Đọc)