Không ít sinh viên Nhật đang lo lắng về tương lai sau tốt nghiệp. Học đại học tốn không ít chi phí nhưng dù có được tấm bằng cũng không chắc chắn sẽ có được công việc tốt. Đồng thời, họ cũng phải chịu áp lực trả nợ.
Trước đây, hiếm có sinh viên Nhật nào cần vay tiền đi học. Thời điểm đó, hầu hết sinh viên xuất thân từ gia đình trung lưu, có tích lũy và nguồn tài chính ổn định.
Để trang trải cuộc sống, sinh viên Kengo Kyogoku phải vay mỗi tháng khoảng 122.000 yên (gần 24 triệu đồng). Bên cạnh tiền vay, anh phải làm thêm ở một quán karaoke và tận dụng các khoản học bổng để giảm gánh nặng tài chính.
“Số tiền vay là khá lớn với một sinh viên. Tôi lo lắng khi nghĩ về nó, không biết sẽ trả dứt nợ như thế nào. Thế nhưng, tôi không còn lựa chọn nào khác”, Kyogoku, 20 tuổi, sinh viên ngành công nghệ máy tính tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nói với The Japan Times.
Tại nước này, những trường hợp như Kyogoku khá phổ biến và xuất hiện ngày càng nhiều. Ước tính hiện có khoảng 50% sinh viên Nhật cần hỗ trợ tài chính.
“Với Nhật Bản, tôi cảm thấy sự khó khăn của người trẻ”, Matthew Goodman, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ, cho biết. Nhật Bản có dân số già, người trẻ ngày càng ít. Do đó, việc giúp cho họ tự tin và lạc quan với tương lai là rất cần thiết, ông nói thêm.
Khoảng 80% người trẻ ở Nhật học đại học. Mặc dù chi phí học khá lớn nhưng tấm bằng không còn mang lại sự đảm bảo cho công việc ở các tập đoàn, công ty lớn.
Giáo dục có vai trò là cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản hiện nay cũng như giai đọan phát triển thần kỳ trong quá khứ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính những thế hệ sinh viên được đào tạo tốt đã giúp các công ty như Sony và Toyota vươn ra thế giới, theo The Japan Times.
Chính phủ Nhật đang tìm cách thúc đẩy sử dụng robot vào sản xuất kinh tế. Do đó, học đại học để nâng cao trình độ có ý nghĩa rất lớn với sinh viên Nhật.
Theo Ngọc Quý (Thanh Niên Online)