Tôi có những người bạn và họ đang kể cho tôi nghe những câu chuyện vô cùng bức xúc về vấn đề thuê trọ. Đó là khi đồng tiền bỏ ra đã không mua được chất lượng dịch vụ tương xứng. Sinh viên sống ở Hà Nội đã vài năm, có thể sẽ không thấy những chuyện này có gì bất ngờ nhưng những tân sinh viên "chân ướt chân ráo" lên Thủ đô, họ đang nuôi rất nhiều "cục tức" trong lòng.
Phòng trọ ổ chuột và những mức giá ở... trên trời
Đầu tháng 9 cũng là khoảng thời gian nhiều trường ĐH, CĐ tại Hà Nội chào đón tân sinh viên xuất sắc vượt qua thác vũ môn trong kỳ thi THPT chung Quốc gia vừa qua. Đây cũng là lúc các bạn sinh viên quay lại trường học. Sinh viên cũ cộng thêm sinh viên mới khiến nhu cầu phòng trọ tăng cao đột biến. Lợi dụng cơ hội này, nhiều chủ trọ liên tục tăng giá tiền phòng, tiền điện, nước để kiếm lời.
Tại quận Cầu Giấy, nơi tập trung rất nhiều trường ĐH, CĐ, giá phòng trọ cũng tăng cao chóng mặt. Để có thể thuê một căn phòng bình dân, gần trường trong vòng bán kính khoảng 1km đổ lại, sinh viên phải bỏ ra số tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.
Nói là bình dân bởi vì các căn phòng này thường có diện tích chỉ khoảng 15m2, không hề có chuẩn bị trước bất cứ vật dụng nào, bao gồm cả giường ngủ. Tiện ích duy nhất là chúng có nhà vệ sinh khép kín. Căn phòng nào tử tế hơn, sẽ có thêm một gác xép và hành lang đủ rộng để nấu ăn ở bên ngoài.
Căn phòng này trước khi thuê tuy mới chỉ có một chiếc giường, tủ gỗ, khá chật hẹp nhưng cũng có giá lên tới 3,2 triệu đồng. |
Căn phòng nhỏ, tối hơn, giá cũng khoảng 2,6 triệu đồng/tháng. |
Một căn phòng không khép kín, nhỏ xinh, không đồ đạc gì như thế này, giá thuê là 2,4 triệu/tháng. |
Khi dọn đến và bày thêm giá sách, kệ bếp cùng bàn học, những căn phòng như vậy trở nên rất nhỏ hẹp. |
Bỏ ra 2,6 triệu đồng để thuê một căn phòng nằm trên tầng 3 của dãy trọ gần ĐH Thương Mại nhưng Hoài Thu (sinh viên năm nhất ngành Quản trị thương hiệu) vẫn không hề vừa lòng với chất lượng dịch vụ tại đây. "Khi mình đọc trên mạng, bác chủ rao rằng có bình nóng lạnh, hành lang thoáng rộng nhưng khi đến nơi thì phòng ốc trống trơn, chẳng hề có vật dụng gì. Hành lang được quảng cáo rộng rãi nhưng chỉ vừa đủ đặt một kệ nhỏ kê bếp ga một để nấu nướng".
Tuy nhiên, vì mới từ Bắc Giang lên Hà Nội nên Thu vẫn muốn ổn định chỗ ở trước rồi tính tiếp. "Đi lại đường sá xa xôi nên mình thuê tạm căn nhà này cạnh trường. Ý định của mình là khi nào tìm được căn khác giá hợp lý hơn thì sẽ chuyển đi".
Hành lang ở nhà trọ của Thu chỉ vừa đủ đặt một kệ bếp nhỏ |
Không có đủ tiền để thuê những căn phòng bình dân, nhiều bạn trẻ phải "hạ cấp", tìm thuê trọ ở những khu nhà ổ chuột hết sức tạm bợ. Những ngôi nhà cấp 4, không có khu vệ sinh khép kín, sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy... nhưng giá vẫn từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng.
Trí Công (sinh viên năm nhất ĐH Sư phạm Hà Nội) đang phải sống vật vã trong căn nhà trọ tồi tàn trên phố Mai Dịch. Cả dãy trọ đều là những căn nhà cấp 4 lợp mái brô-xi-măng, không có cửa sổ nên rất nóng bức và tối tăm. Nền nhà ẩm thấp, không lát đá hoa và không có đầu mối để kết nối internet. Dù chất lượng kém như vậy nhưng giá phòng vẫn rất "chát chúa", tiêu tốn của Công 1,5 triệu/tháng.
"Ở đây căn phòng nào có thêm gác xép giá sẽ là 1,6 triệu, vệ sinh khép kín thì sẽ tầm 1,8 nhưng tất cả đều là nhà cấp 4, rất bí bách và chật chội", Công nói thêm.
Những căn phòng cấp 4 lụp xụp có giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng. |
Những khu nhà ẩm thấp... |
Bên trong vô cùng tối và nhếch nhác. |
Đường đi vào lầy lội. |
... Và trên hết là giá thuê không hề rẻ. |
Điện, nước "leo giá" đến mức "cắt cổ"
Theo khảo sát của PV, giá điện nước của những khu trọ sinh viên quanh các trường ĐH Công nghiệp, Quốc gia, Sư Phạm, Ngoại Thương, Thương Mại, Học viện Báo chí & Tuyên truyền... đều khá đắt đỏ. Giá điện là 4.000-5.000 đồng/số, nước từ 25.000 đến 30.000 đồng/khối.
Thu Trang (sinh viên ĐH Thương Mại) cho biết, cô hiện đang thuê một căn phòng trên phố Trần Bình với mức giá 2 triệu đồng/tháng. "Chưa kể đến chất lượng nhà ở ẩm thấp thì điện, nước ở đây quá đắt, lên mức 4.500 đồng/số, nước 25.000 đồng/khối nhưng bọn mình cũng không có nhiều sự lựa chọn vì gần như nhà nào cũng thu mức giá như vậy".
Được biết, giá bán lẻ điện hiện nay bình quân chỉ khoảng 1.500 đồng/số nhưng mức thu hiện tại của các chủ trọ đang khiến nó bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần. Tương tự, giá bán lẻ nước sạch chỉ khoảng từ 7.000 đến 10.000 đồng/khối (áp dụng khi dùng dưới 30m3) và khoảng 18.000 đồng/khối (tính cho số nước vượt ra mốc 30m2). Chưa kể sinh viên thường sử dụng điện, nước rất tiết kiệm (một tháng, một phòng cũng chỉ hết vài khối nước) thì dù tính theo mức giá tối đa, các chủ trọ vẫn thu đắt gấp 1,5 lần.
Trong bảng quảng cáo giá thuê phòng thường không ghi kèm giá điện nước. Nhiều bạn sinh viên không hỏi kỹ thường bị chủ trọ tận thu với mức giá... trên trời. |
"Tuy nhiên khi đem điều này đi hỏi thì bác chủ bảo rằng điện, nước nhà bác ấy phải tính theo giá hộ kinh doanh rồi còn cộng thêm tiền điện bơm nước, hao mòn bể chưa, công tơ điện... nói qua nói lại một hồi cuối cùng bọn mình cũng đành chịu thua", Trang chia sẻ.
Nguyễn Thắm (sinh viên ĐH Ngoại thương) cũng tâm sự, vì giá điện quá đắt nên cô luôn phải chú ý tiết kiệm điện, nước từng chút một. "Phòng mình có 2 người nên bọn mình bảo nhau, mỗi khi rửa rau, giặt quần áo xong sẽ cho nước đó vào một cái xô, dùng để dội khi đi vệ sinh. Ra khỏi phòng là tắt điện, tắt quạt, hạn chế bật điện khi không cần thiết".
Thắm cũng chia sẻ, dù rất muốn xin bố mẹ mua sắm tủ lạnh, điều hòa nhưng cô lại sợ bố mẹ vất vả. Không chỉ bởi khoản tiền chi trả cho các thiết bị này không hề rẻ mà còn bởi tiền điện ở đây quá đắt đỏ. "Cộng thêm tiền điện, nước và giá thuê phòng 2,8 triệu đồng/tháng, tính ra chưa được ăn gì vào người, mỗi đứa bọn mình đã hết khoảng 1,7 triệu đồng. Chỉ nghĩ thôi mình đã thấy xót ruột rồi".
"Phát điên" vì đủ quy định vô lý của chủ trọ
Chưa phải sống cảnh ở trọ bao giờ nên Thắm thực sự rất không quen với đủ loại quy định của dãy trọ. "Ở đây có rất nhiều quy tắc như không dẫn nhiều bạn về nhà, không được cho bạn ngủ qua đêm mà không xin phép... nếu vi phạm các quy tắc này, thay vì bị nhắc nhở thì mình bị phạt 50.000 đồng/lần đầu và 100.000 đồng/lần tái phạm, càng về sau mức phạt càng tăng".
Theo Thắm, điều khiến cô bức xúc nhất là các quy định này không hề được cô chủ nêu ra ngay từ đầu. "Đến hôm mình dẫn bạn về phòng, do vui quá nên nói chuyện, cười đùa to tiếng và thế là bị cô chủ thông báo phạt 50.000 đồng. Lúc mình thắc mắc thì cô ấy thản nhiên bảo là đã nhắc mình rồi và kêu mình đi hỏi xem ở cả dãy trọ có ai không biết quy định đó không".
Đủ mọi quy định xử phạt khắt khe của chủ trọ. |
Không chỉ khổ sở khi gặp phải chủ trọ "hám tiền", nhiều tân sinh viên cũng hết sức đau đầu khi gặp phải những chủ trọ hết mực vô duyên. "Bác chủ ở xóm trọ mình rất khó tính, đã vậy còn toàn canh lúc mình dẫn bạn về thì đi soi mói, kể xấu trước mặt bạn mình... Mới nhập học có mấy hôm mà mình đã phát điên lên rồi", Trịnh Hương (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cho biết.
Khác với Hương, Thùy Dung (một bạn học cùng trường với cô) lại đau đầu vì một vấn đề khác. "Mình không hiểu vì sao khi mình đến thuê, giá phòng thỏa thuận là 2,3 triệu đồng/tháng nhưng bây giờ mình dẫn thêm một bạn nữa về ở, bác chủ rất vui vẻ đồng ý nhưng lại tăng tiền phòng lên 2,6 triệu đồng".
Khung cảnh ở những xóm trọ sinh viên bình dân tại Hà Nội. |
Khi hỏi lại thì cô được chủ trọ giải thích là phòng này chỉ dành cho 1 người ở, nếu thêm người thì phải thêm tiền. "Bác ấy còn bảo nếu ở 3 thì giá sẽ là 3 triệu đồng/tháng. Mình rủ thêm bạn ở ghép là muốn tiết kiệm tiền nhưng cứ theo cách thu của bác chủ thì cũng chẳng tiết kiệm hơn được bao nhiêu".
Dung cũng thành thật cho biết, vì chưa có kinh nghiệm nên khi thuê phòng, cô và chủ trọ không giao kèo bằng hợp đồng. "Vì thế có nhiều thứ bác ấy lật giọng, mình cũng không biết làm thế nào". Dung cho biết, điều cô mong đợi nhất hiện nay là tìm được phòng trọ giá hợp lý, chủ nhà dễ tính hơn một chút để yên tâm lo chuyện học hành.
Theo Thu Hường (Ken1h4.vn/Trí Thức Trẻ)