Sinh viên Đà Nẵng chế hệ thống trồng rau bằng... điện thoại di động

01/09/2016 09:28:00

Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sáng tạo hệ thống trồng rau không cần đất. Đặc biệt, người dùng và hệ thống tương tác với nhau thông qua điện thoại thông minh.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sáng tạo hệ thống trồng rau không cần đất. Đặc biệt, người dùng và hệ thống tương tác với nhau thông qua điện thoại thông minh.
 
Để có thể vận hành, hệ thống sử dụng máy bơm và cảm biến liên quan đến các yếu tố như độ pH, nhiệt độ, lưu lượng, khối lượng, mực nước; đồng thời lắp đặt thêm mô đun thu phát wifi để kết nối với smartphone. Dung dịch thủy canh cung cấp dinh dưỡng và giúp cây phát triển tối ưu trong môi trường nước, bao gồm 3 nguyên tố chính là natri, phốt pho, ka li cùng các nguyên tố vi lượng như: kẽm, sắt...
 
Trồng rau bằng...điện thoại di động
Nhóm của Đức nhận giải thưởng tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp “Danang Runway Startup 2016”. ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
 
“Khi người dùng gieo hạt và mở ứng dụng, lúc này mạch điện tử trên hệ thống sẽ nhận tín hiệu và điều khiển quá trình pha dung dịch thủy canh theo công thức được lập trình sẵn. Cảm biến được lắp trong thùng dung dịch sẽ liên tục đo độ pH, nhiệt độ để điều chỉnh lượng nước bơm vào thùng thích hợp. Dung dịch thủy canh được pha sẽ được bơm liên tục trong hệ thống ống đều đặn sau 24 giờ”, Nguyễn Hoài Đức, trưởng nhóm chia sẻ về nguyên lý vận hành của hệ thống.
 
Nói về ưu điểm của hệ thống này, Nguyễn Đình Trí (thành viên nhóm), khẳng định: “Đây là hệ thống hoàn toàn tự động, người dùng chỉ cần mua về cài đặt ứng dụng và thực hiện đúng 3 bước. Đầu tiên là gieo hạt, sau đó mở điện thoại và chọn loại rau cần trồng trên ứng dụng Greendy, cuối cùng là chờ 20 ngày và hái rau để ăn.
 
Không cần bận tâm đến kỹ thuật và kinh nghiệm trồng rau quả tại nhà, không tốn nhiều công sức và thời gian chăm sóc. Bên cạnh đó, hệ thống còn đóng vai trò như một kiến trúc xanh, nội thất xanh mang tính thẩm mỹ cao cho mỗi gia đình”.
 
Trồng rau bằng...điện thoại di động 2
Mô hình “Trồng rau thủy canh thông minh Greendy”
 
Điều đặc biệt là người dùng và hệ thống tương tác với nhau thông qua điện thoại thông minh. Ứng dụng sẽ gửi các thông báo từ hệ thống thủy canh đến người dùng khi có những bất thường xảy ra như hết nước hoặc hết dung dịch... Ứng dụng còn cho phép người dùng điều khiển hệ thống thủy canh từ xa thông qua wifi, bluetooth hoặc tin nhắn SMS.
 
Đức khẳng định tính năng quan trọng nhất của ứng dụng: “Mỗi loại cây cần một công thức pha dung dịch khác nhau nhưng hiện nay khi trồng rau bằng các phương pháp thủy canh khác, người sử dụng phải đi mua dung dịch về tự pha theo kinh nghiệm hoặc theo hướng dẫn từ các tài liệu trên mạng, nên rất dễ bị lệch tỷ lệ, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây hoặc nhiều hệ lụy khác. Với mô hình của nhóm, toàn bộ dữ liệu về công thức pha dung dịch tối ưu cho mỗi loại cây đều được lưu trữ. Chỉ cần người dùng chọn loại rau họ muốn trồng trên ứng dụng, hệ thống sẽ nhận biết và tiến hành pha dung dịch cho phù hợp với loại cây đó”.
 
Đức cho biết thêm trong quá trình cây sinh trưởng, mọi thông tin về nhiệt độ, độ pH của dung dịch thủy canh sẽ liên tục được gửi về ứng dụng để người dùng có thể theo dõi. Quá trình bơm dung dịch trong ống cũng được lập trình sẵn, tuy nhiên người dùng vẫn có thể cài đặt thời gian bơm hoặc đóng mở máy bơm thông qua ứng dụng trên điện thoại. Dữ liệu khi được thu thập sẽ được gửi về ứng dụng, sau đó ứng dụng sẽ gửi dữ liệu lên máy chủ để tiến hành phân tích nhằm tối ưu sản phẩm”.
 
Ngoài ra, ứng dụng còn có thêm những tính năng cao như: cung cấp hướng dẫn sử dụng hệ thống, công thức nấu các bữa ăn với rau quả hay công thức dành cho người ăn kiêng. Những kiến thức về dinh dưỡng của các loại rau quả đều được cập nhật rồi đề xuất thực đơn rau quả theo tuần, tháng dựa trên đặc điểm sinh học của người dùng.
 
Khi nói về nguyên nhân nghiên cứu thiết bị vận hành trên ứng dụng điện thoại thông minh, Đức bày tỏ: “Nhóm mong muốn mô hình sẽ mang tính giáo dục về môi trường, về công nghệ và hướng phát triển của thế giới đối với trẻ em, khi mọi thứ đều có thể được kết nối với nhau và kết nối thông qua internet. Đây là một tiện ích rất tốt để chúng ta nắm bắt và vận dụng”.
 
Mong muốn mô hình sẽ mang tính giáo dục đối với trẻ em về môi trường, về công nghệ và hướng phát triển của thế giới khi mọi thứ đều có thể được kết nối với nhau và kết nối thông qua internet.
 
Nguyễn Hoài Đức

Theo Nữ Vương (Thanh Niên Online)