Trào lưu này hot tới mức khiến người ta ví von: Song hành với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong năm thì mùa kỷ yếu bây giờ còn sôi động hơn cả… mùa cưới.
Bởi cứ đến dịp kỷ yếu là trên mạng rậm rịch trước cả tháng. Thư mời chụp ảnh, công tác chuẩn bị sôi động chẳng khác gì dân tình đón Tết.
Lưu lại những thời khắc cuối cùng của cuộc đời sinh viên bùng cháy, trong sáng là nguyện vọng chính đáng của giới sinh viên. Thậm chí những người đã bước qua cuộc đời sinh viên rất lâu như tôi cũng ước giá như một lần được cùng đám bạn học ghi lại những kỷ niệm theo cách này.
Trên Facebook, những bức ảnh kỷ yếu được đầu tư công phu về chất lượng, trang phục như phác họa lên một bức tranh sống động về tuổi trẻ - quãng thời gian đẹp nhất của đời người và dĩ nhiên là nó không bao giờ trở lại.
Ảnh kỷ yếu "chất" như trang bìa tạp chí thời trang. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, thay vì chỉ đơn thuần là ghi lại những thời khắc cuối cùng của thời sinh viên, một bộ phận sinh viên bị ám ảnh một cách kỳ lạ về những bức ảnh, đặc biệt là phái nữ.
Bạn N.Anh (kinh tế quốc dân) vốn sở hữu thân hình hơi múp míp. Suốt 4 năm sinh viên, bạn không mảy may phiền lòng gì về vẻ ngoài có phần "phì nhiêu" hơn những cô nàng mình hạc xương mai khác.
Thế rồi cơn bão kỷ yếu ập tới. Nhìn đám bạn thon gọn trong tà áo dài thướt tha, N.Anh bỗng dưng trở nên stress. Nhìn bản thân ních trong chiếc áo dài, N.Anh trở nên hoảng loạn, lo sợ bị bạn bè chê cười.
Bởi đặc thù chụp kỷ yếu đâu chỉ gói gọn trong phạm vi một lớp. Đôi khi cả một khoa cùng chụp. Mỗi sinh viên lại rủ thêm những người bạn thân của mình tới. Quân số lên tới cả vài trăm người.
Cứ nghĩ tới cảnh bị cả trăm con mắt săm soi, N.Anh lại bật khóc. Thế rồi cô lên kế hoạch giảm cân thần tốc. Khẩu phần hàng ngày của cô chỉ là chai lavie 150 ml, chút rau, lạc, đậu…
Đúng là N.Anh đã giảm cân, thậm chí giảm khá nhanh. Nhưng càng sát ngày chụp, cô thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, thiếu sức lực, hay cáu bẳn.
Và rồi đẹp đâu chả thấy, N.Anh phải nhập viện vì suy nhược cơ thể. Thế là trong lúc các bạn bay nhảy ở Hoàng Thành Thăng Long, cô gái N.Anh nằm khóc ròng trong bệnh viện.
Hàng trăm, hàng ngàn sinh viên có mặt Hoàng thành Thăng Long vào dịp kỷ yếu. Ảnh minh hoạ |
Một trường hợp khác cũng bị cơn bão kỷ yếu khiến cuộc sống đảo lộn là T. Cô là một nữ sinh chăm chỉ và hình thức thì thuộc dạng trung bình. 4 năm sinh viên, T vùi đầu vào học, giật rất nhiều học bổng. Nhưng đổi lại, cô gần như không có những mối quan hệ bên ngoài.
Buổi chụp ảnh kỷ yếu sắp tới, thấy đám bạn ai cũng "xách tay" cả đống bạn thân đi cùng. Mấy bạn nữ xinh xinh còn có cả những chàng trai tình nguyện tới xách nước bổ cam, T đâm ra tủi thân.
Trong lúc quẫn, cô lên mạng làm quen bừa một số thanh niên lạ, ngỏ ý rủ họ đi chụp ảnh cùng. Rốt cuộc cũng có một chàng trai đồng ý. Anh ta còn hứa sẽ mang theo vài người bạn khác cho thêm phần sôi nổi.
Ngày chụp ảnh cũng tới. T hội ngộ với những người bạn mới quen trên mạng. Nhưng có ai ngờ đâu, một trong số các thanh niên này đã lấy trộm túi xách của T, trong đó có điện thoại, ví tiền và chìa khóa xe.
Rốt cuộc tự hào đâu chả thấy, T khóc nức nở vì mất xe, mất điện thoại, mất tiền. Nhà cô còn thuộc diện khó khăn.
Đó là những ví dụ sống động nhất phác họa lên một góc tối của những buổi chụp ảnh kỷ yếu. Để đổi lấy những thứ mơ hồ như tự hào, nhiều người đã đánh mất những thứ rất thật như sức khỏe hay tiền bạc.
Đó là còn chưa nói tới chuyện một bộ phận sinh viên hành xử rất thiếu ý thức tại các điểm chụp ảnh. Thường thì sinh viên sẽ chọn các di tích lịch sử như Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long để chụp.
Một buổi chụp kết thúc, rác rưởi vứt đầy, cỏ bị dẫm nát, tường một số khu di tích bị bôi bẩn.
Nhiều nhóm chụp ảnh vì không muốn đụng hàng nên đã sáng tạo ra rất nhiều phong cách chụp độc, lạ cho tới cả… dung tục, phản cảm.
Một trong số rất nhiều concept chụp ảnh kỷ yếu phản cảm của sinh viên. Ảnh minh hoạ |
Thiết nghĩ đây đồng thời là những nơi thu hút khách du lịch nước ngoài, hành xử ra sao không chỉ phản ánh mức độ văn minh, trưởng thành, mà còn ảnh hưởng tới cả thể diện quốc gia nữa.
…
Cuối cùng, tôi có một thắc mắc: Tại sao sinh viên khi chụp kỷ yếu có thể gọi tất cả các thể loại bạn cùng tham dự. Thân thiết có, thân vừa vừa cũng có, mà chả thân thì cũng gọi.
Trong thời khắc ấy, có ai nghĩ tới việc mời bố mẹ, gia đình tới cùng ghi lại kỷ niệm hay không? Ở Mỹ, trong ngày tốt nghiệp, sinh viên luôn mời đông đủ gia đình của họ tới chứng kiến, và nếu chụp ảnh, thì những người xứng đáng có mặt nhất phải là bố mẹ của họ.
Theo Bảo Nam (Thế Giới Trẻ/Infonet.vn)