Sinh viên bị “tẩy não” khi tham gia bán hàng đa cấp

06/11/2015 08:52:28

“Nghe họ nói em gần như bị mê hoặc. Họ bảo em làm gì em cũng gật. Em đồng ý ký hợp đồng luôn”, một sinh viên chia sẻ.

“Nghe họ nói em gần như bị mê hoặc. Họ bảo em làm gì em cũng gật. Em đồng ý ký hợp đồng luôn”, một sinh viên chia sẻ.

“Con mồi” sinh viên năm nhất

Các công ty đa cấp rởm hiện nay thường hướng đến “con mồi” là những sinh viên mới lên thành phố học. Do thiếu hiểu biết về loại hình kinh doanh này, các tân sinh viên rất dễ “sập bẫy” bán hàng đa cấp.

Sinh viên năm nhất là những “con mồi” ưa thích của những công ty đa cấp.

Lên Hà Nội chưa được 10 ngày, N.T.D - sinh viên năm nhất Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - bị một sinh viên năm hai cùng quê dụ dỗ. D được giới thiệu đến một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) với lời hứa có một công việc nhẹ nhàng, lương cao.

“Vào đó rồi, nghe họ thuyết trình, em thấy mình như bị “tẩy não”. Họ nói gì em cũng thấy đúng, thấy hay và em ký hợp đồng”, nữ sinh D cho hay.

Biết D không có tiền, các nhân viên công ty này hướng dẫn cô đến một quán cầm đồ cầm cố học bạ, chứng minh thư nhân dân và giấy chứng thực là sinh viên năm thứ nhất. Với 10 triệu đồng vay được, D mua 11 lọ thực phẩm chức năng gồm: Dầu cá, canxi, thực phẩm bổ sung nội tiết tố nữ... để tham gia vào mạng lưới.

Nghĩ có thể kiếm được tiền dễ dàng, D rủ thêm bạn thân H.T.Y (sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội) tham gia. Cũng giống bạn mình, sau khi bị “tẩy não”, Y cầm cố học bạ, chứng minh thư nhân dân để vay 10 triệu đồng mua hàng.

Theo hợp đồng vay mượn, D và Y phải trả lãi suất 700.000 đồng/ngày.

Vào công ty được vài ngày, D và Y biết mình bị lừa. Kiểm tra lại sản phẩm công ty giao, 2 nữ sinh phát hiện nhiều hộp không có tem, hộp như đã có người sử dụng. Có hộp bên ngoài ghi là thực phẩm chức năng bổ sung tiết tố nữ, nhưng bên trong lại là dầu cá sáng mắt. Thậm chí, nhiều hộp không có ruột.

Hàng không nguyên vẹn, trả lại công ty không nhận, trong khi số tiền lãi ngày càng tăng, D về quê “cầu cứu” gia đình. Bố mẹ D phải đi vay mượn tiền để chuộc giấy tờ cho con gái.

Còn với Y, dù rất lo sợ nhưng cô vẫn giấu giếm gia đình. Y tâm sự, bố mẹ cô đều đang điều trị bệnh tim mạch nên sợ nói ra họ sẽ không chịu được cú sốc này. Y dự định bán chiếc máy tính xách tay bố mẹ mới mua cho khi nhập học, sau đó đi làm thêm để lấy tiền trả nợ.

Khác với 2 sinh viên trên, H - nữ sinh viên năm nhất Đại học Điện lực - bị chính người chị họ tên V lừa vào công ty đa cấp.

“Nghe họ nói em gần như bị mê hoặc. Họ bảo em làm gì em cũng gật. Thêm việc, V liên tục động viên rồi gật đầu đầy tin tưởng. Em đồng ý ký hợp đồng luôn”, H nói.

Khi biết mình bị lừa, H đến nhờ chị họ xin giúp chữ ký để hoàn thiện hồ sơ rút hợp đồng, nhưng V từ chối. Chị họ còn khuyên cô nên suy nghĩ lại, vì đã mua được hàng là một cơ hội tốt để kiếm tiền.

Càng nghe chị thuyết phục, H càng không thể tin được đây là chị họ mình. “Cách đây 2 năm, V rụt rè và rất khiêm tốn. Em không biết V có biết mình đang đi lừa không, hay vẫn ngây thơ tin vào những việc mình đang làm”, H bộc bạch.

Để tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp, sinh viên phải mua sản phẩm với giá 10 triệu đồng.

Nhà trường cảnh báo sinh viên

Đầu năm học 2015-2016, Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Trãi (36A Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận được thông tin có nhiều sinh viên đang bị dụ dỗ vào công ty đa cấp. Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường đã dành nhiều buổi trò chuyện với tân sinh viên để cảnh báo, tuyên truyền về thủ đoạn của công ty đa cấp.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi - xác nhận, nhiều sinh viên của trường bị lừa tham gia bán hàng đa cấp. Nhiều người phải cầm cố giấy tờ tùy thân, học bạ với lãi suất cao để mua hàng của công ty. Sau khi phát hiện bị lừa, nhiều sinh viên có tâm lý lo lắng, hoảng loạn.

"Rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra nếu các em lún sâu vào kinh doanh đa cấp bất chính. Nhiều em phải nói dối cha mẹ để xin thêm tiền trả nợ. Có em trở thành người đi trộm cắp hoặc lại tiếp tục đi lừa đảo người khác... Vì thế, chúng tôi phải dành nhiều thời gian trò chuyện, dạy thêm kỹ năng sống cho sinh viên, đặc biệt là các tân sinh viên", bà Thuận nói.

Bà Thuận cũng cho hay, hiện nay không chỉ riêng Đại học Nguyễn Trãi mà rất nhiều tân sinh viên các trường khác là đối tượng của các công ty đa cấp. Ban giám hiệu các trường nên có biện pháp tuyên truyền, cảnh báo để tránh những hệ lụy xảy ra cho sinh viên và gia đình, ảnh hưởng đến việc học tập.

Ngày 2.11, Đại học Đại Nam (56 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã phải ra thông báo cảnh báo sinh viên về “ảo tưởng làm giàu vô lý” khi tham gia bán hàng đa cấp.

Thông báo của Đại học Đại Nam cảnh báo sinh viên không tham gia bán hàng đa cấp.

TS Lương Cao Đông - Phó Hiệu trưởng Đại học Đại Nam - cho hay, thời gian qua nhà trường nhận được thông tin một số sinh viên khoa Dược của trường đang tham gia và lôi kéo bạn bè bán hàng đa cấp trên Facebook cá nhân. Ngay sau đó, nhà trường đã mời các sinh viên này lên làm việc.

Theo ông Đông, nhiệm vụ chính của sinh viên vẫn là phải học tập. Có học tập tốt thì mới có kiến thức vững vàng và có được một công việc ổn định sau này. Xã hội đang tồn tại nhiều công ty đa cấp tốt - xấu đan xen. Sinh viên cần phải tỉnh táo trước các lời mời hấp dẫn từ những công ty đa cấp.

>> "Chết" vì đa cấp kiểu mới: Luật hở nên đa cấp tung hoành
>> "Chết" vì đa cấp kiểu mới: Mê trận đa cấp
>> Tự tử sau khi tham gia bán hàng đa cấp

Theo Triệu Quang - Ong Lý (Dân Việt)

Nổi bật