Bán nho, cam nhân dịp Tết đến xuân về
Rục rịch ý tưởng từ đầu mùa, nhưng tới cuối năm, Lê Thị Thùy (quê Tuyên Quang, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) mới bắt tay vào công việc kinh doanh.
|
Do nhập hàng số lượng lớn, Thùy thường phải chia nhỏ thành nhiều chuyến để tiện vận chuyển. Ảnh: NVCC. |
Bởi vậy, 9X luôn chú ý, thận trọng trong việc lựa chọn loại quả tốt, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Để quá trình buôn bán thuận tiện, đảm bảo chất lượng tươi ngon, Thùy đều liên hệ với người quen ở quê cắt hái và chuyển trong ngày.
Cô gái quê Tuyên Quang cho biết, việc buôn cam khó khăn nhất là vận chuyển. Mỗi lần lấy hàng, nữ sinh đặt khoảng 60-100 kg. Do tự làm nên việc khuân vác với Thùy rất vất vả. Cô phải chia nhỏ từng thùng để tiện việc bê vác lên nhà trọ trên tầng cao.
"Nhằm giảm chi phí phát sinh, mình thường tự đi ship hàng cho khách, nhiều khi mưa gió, nhất là trời rét buốt thế này khá vất vả. Nhưng may mắn, hầu hết mọi người không quá khắt khe. Mình chưa gặp phải trường hợp gọi mà không lấy” - 9X chia sẻ.
Bên cạnh việc bán cam ở quê cho người quen tại Hà Nội, Thùy còn cùng một người bạn bán nho từ thủ đô ngược về nhà. Sẵn mối cũ, hai cô gái chỉ việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội và kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ quảng cáo để có thêm nguồn khách.
Thùy tâm sự, bố mẹ ở nhà không ủng hộ việc buôn bán này nhưng vẫn hỗ trợ nhiệt tình mỗi lần cô gửi hàng về quê. Nhờ sự năng động, nhanh nhẹn, sau từng chuyến buôn, trừ tiền cước gửi, xăng xe đi lại và điện thoại giao dịch, nữ sinh cũng gom được một số tiền nhất định cho mình.
Với Thùy, công việc này chưa đem lại lợi nhuận cao song lại mang đến cho cô nhiều kinh nghiệm quý giá, khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường.
Làm PG bất chấp thời tiết giá lạnh
Khác với Thùy, Thu Huyền (sinh viên Đại học Hà Nội) lại chọn nghề PG để kiếm tiền trong dịp nghỉ lễ dài ngày.
Nữ sinh cho biết, công việc cuối năm của cô chủ yếu là tiếp thị các sản phẩm bia, rượu. Theo đó, Huyền chỉ cần tư vấn, giới thiệu sản phẩm của công ty tới khách hàng có mặt tại trung tâm thương mại, quán xá...
Vì địa điểm làm phần lớn trong nhà nên Huyền cùng đồng nghiệp không gặp quá nhiều khó khăn với thời tiết lạnh giá. Tuy nhiên, các công ty thuê PG đặt ở khu vực phía Nam, trang phục đôi khi không phù hợp tại Hà Nội. Bởi vậy, mỗi buổi làm, nữ sinh và những cô gái khác đều xin công ty cho mặc thêm áo len, áo khoác để giữ ấm cho cơ thể.
Huyền chia sẻ, làm thêm dịp Tết nhưng cô không được trả lương cao hơn so với ngày thường đi làm. Huyền hàng ngày làm khoảng 2-4 tiếng với mức lương 110.000-140.000 đồng. Nếu theo nghề MC tiếp thị, cô được trả thêm 150.000-180.000 đồng.
Thực tế, thu nhập của 9X hiện tăng so với ngày thường do khối lượng công việc nhiều hơn. Nhờ vậy, chưa đầy một tháng, nữ sinh đã thu về cho mình hơn 4 triệu đồng.
"Con số này không lớn nhưng cũng khiến mình hài lòng và hạnh phúc. Bởi đây là khoản tiền do chính bản thân kiếm ra. Công việc cũng đem đến cho mình những kinh nghiệm quý giá cho cuộc sống sau này" - Huyền bày tỏ.
Quay clip, đóng phim quảng cáo
Một trong những công việc thu hút sự quan tâm của giới trẻ là trở thành mẫu ảnh, quay clip và đóng phim quảng cáo.
Thu nhập không nhiều nhưng công việc đem đến cho các bạn trẻ những trải nghiệm khó quên. Ảnh: NVCC. |
Do khá mất thời gian trong việc set up, lựa chọn trang phục, kịch bản... nên những bạn trẻ này khởi động công việc trước Tết khoảng hai tháng.
Trưởng nhóm quay phim - Ngọc Quý Hà - cho biết: "Mỗi clip chúng mình mất khoảng 1-2 ngày thực hiện. Đôi khi, diễn viên chỉ tham gia đóng một phần trong mỗi dự án nên công việc được phân chia phù hợp với thời gian của mỗi người".
Hoạt động tập thể nên thu nhập của họ cũng được tính theo đầu người và chất lượng sản phẩm thu được.