Suy cho cùng, lòng tự trọng của con người phụ thuộc vào thái độ với cuộc sống và cách thể hiện bản thân với cộng đồng. Sinh viên ăn cơm 2.000 không mất đi lòng tự trọng.
Anh V.T.A - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên đăng hình ảnh nhiều sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP.HCM cùng những dòng chia sẻ về việc sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn là “không có lòng tự trọng” đang dấy lên những tranh cãi trái chiều mấy ngày qua.
Và tới ngày hôm nay, cuộc tranh luận về việc một số bạn trẻ có vẻ là sinh viên xếp hàng để ăn cơm từ thiện ở quán cơm giá 2.000 đồng/suất tại TP.HCM vẫn chưa dừng lại. Nhiều người nói rằng, sinh viên có kiến thức, có sức khoẻ, lại ăn cơm từ thiện là giành miếng ăn của người nghèo, là không có lòng tự trọng.
Dòng status và tấm ảnh đăng kèm trên fb V.T.A |
Chỉ là tấm hình một số sinh viên xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt được ăn một suất cơm từ tình thương cộng đồng, từ sự đùm bọc của những chiếc lá lành với những chiếc lá rách, tôi nghĩ rằng chẳng có cơ sở nào để đánh giá họ là những bạn trẻ lười lao động, những bạn trẻ từ chối cơ hội làm thêm để có một nguồn thu nhập ổn định.
Xin hãy thử đặt mình ở hoàn cảnh một bạn trẻ trải qua 18 năm cuộc đời trong luỹ tre làng yên ả, nơi mọi người đều quen biết nhau, nơi không có những va chạm xã hội xô bồ, nơi các em chỉ biết miệt mài đèn sách và thời gian còn lại quanh quẩn với ruộng đồng.
Nhiều em trong số đó rời quê ra phố, trước mắt các em mọi thứ đều lạ lẫm, phố xá chằng chịt, người xe đông đúc. Đó là nơi không có người quen thân, nơi không có họ hàng máu mủ. Đó là nơi nhịp sống cuồn cuộn chảy mà khi một người mới bước chân vào thường có cảm giác cô đơn, lạc lõng và nguy cơ tụt lại phía sau.
Nhiều năm trước, suốt thời sinh viên của mình, tôi đã có không ít lần rơi vào cảm giác ấy. Muốn tìm một việc làm thêm để đỡ đần bố mẹ, thực sự vô cùng khó. Thời gian phân chia lịch học và thời gian mà nhà tuyển dụng việc làm đòi hỏi không khớp nhau. Lang thang nhiều trung tâm giới thiệu việc làm ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội, tiền môi giới việc đưa cho họ cứ thế mất hút theo những lời hứa xa vời...
Các bạn sinh viên bây giờ có nhiều cơ hội việc làm hơn những năm tháng ấy của tôi. Chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online... là những công việc mà sinh viên có thể làm mà không bị rào cản thời gian theo quy định của nhà tuyển dụng như những công việc khác.
Nhưng, ngay cả khi có việc làm thêm, vẫn có những lúc một sinh viên rơi vào cảnh viêm màng túi. Khoản tiền làm thêm thì ít ỏi mà phải chi nào là học phí, nào là sách vở, nào tiền thuê nhà, rồi tiền đi lại, sinh hoạt phí...
Nếu có một hôm nào đó phải bẻ đôi gói mì để ăn một bữa một nửa, thì cũng không hẳn là vì bản thân lười nhác, mà còn có những thứ quan trọng hơn cần đến đồng tiền ở thời điểm ấy.
Nếu có bước chân vào quán cơm 2.000 đồng để ăn chống đói, thì không hẳn là bởi muốn giành miếng ăn của người nghèo, không phải là bởi không có lòng tự trọng, mà đơn giản là khi ấy thực sự cần.
Chẳng có gì để khẳng định chắc chắn những sinh viên ăn cơm 2.000 đồng là những sinh viên đã rành rẽ nơi mình đang sống và tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm mà từ chối. Cũng chẳng có gì chắc chắn rằng những sinh viên ấy ăn cơm từ thiện ngày ba bữa, ăn ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác... Vậy nên, hãy dung dị hơn mà nhìn nhận, đó là khi các em thực sự khó khăn.
Với mặt bằng giá cả hiện giờ, số tiền 2.000 đồng chẳng bao giờ có thể mua được một bữa no. Nhưng, nếu bước vào quán cơm từ thiện 2.000 đồng thì hoàn toàn có thể bước ra với cái bụng ấm. Một sinh viên đến trường với cái bụng cồn cào cơn đói thì chẳng có con chữ nào có thể khiến họ thấy no.
Sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng. Ảnh: Kênh 14 |
Tôi tự hỏi, những người cho rằng sinh viên ăn cơm từ thiện là không có lòng tự trọng, họ có bao giờ phải đến trường với cảm giác quay quắt, rã rời vì cơm không đủ no, áo không đủ mặc? Họ có hiểu rằng, khi sinh viên đến trường với cái bụng luôn cồn cào cơn đói thì chẳng có con chữ nào có thể giúp họ thấy no.
Từ thiện là cho đi không cần đắn đo, toan tính. Hành động bán cơm 2.000 đồng/suất là một hành động đẹp. Cái đẹp cho đi là nguồn năng lượng tích cực với người nhận về. Bán một suất cơm như vậy không chỉ mang đến miếng ăn giúp những người trong cơn khốn khó quên đi cái đói, mà quan trọng hơn, đó là trao đi một lời động viên, một niềm an ủi, một cánh tay vỗ về, để những thân phận ấy có thể nhớ và vững tin rằng, không ai bị bỏ rơi trong cuộc đời này.
Suy cho cùng, lòng tự trọng của con người phụ thuộc vào thái độ với cuộc sống và cách thể hiện bản thân trước cộng đồng. Ăn cơm 2.000 không mất đi lòng tự trọng.
Chỉ cần các em sinh viên luôn nhớ rằng, đã có những ngày mình khốn khó để vươn lên, đã có những ngày xã hội không bỏ rơi mình để mỗi ngày mai đến, luôn tự nhắc bản thân sống không vị kỉ hẹp hòi và sống có trách nhiệm với những người xung quanh.
Theo B.Hoàn (Dân Việt)