Trần Thế Trung, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) được biết đến không chỉ là Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2019 mà còn là học sinh đầu tiên mang về vòng nguyệt quế trận chung kết năm cho trường chuyên này.
Những ngày đầu năm Quý Mão, VietNamNet có cuộc trò chuyện với cựu quán quân xứ Nghệ.
- Xin chào Thế Trung! Sau gần 4 năm trở thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia, cuộc sống hiện tại của em ra sao?
Em đang là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại một trường đại học ở Hà Nội.
Thực ra, sau khi trở thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia, em cũng đã chọn theo học ngành Thiết kế đồ họa ở Trường ĐH Swinburne (Úc) nhưng phải học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau 6 tháng phải học online, em thấy không mấy hiệu quả, cảm giác thiếu tính kết nối trong lớp học.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp và Úc chưa “mở cửa”, tháng 6/2021, em quyết định rút hồ sơ ở ĐH Swinburne và nộp vào Trường ĐH RMIT Hà Nội cũng với chuyên ngành tương tự. Như vậy, so với bạn bè đồng trang lứa, em đang “chậm” hơn một năm (cười).
Ngành em theo học có mức học phí mỗi năm khoảng 350 triệu đồng.
Hiện nay, em vẫn đang trang trải học phí và sinh hoạt bằng mức tiền thưởng dành cho Quán quân Đường lên đỉnh Olympia trị giá 35.000 USD.
Như các bạn sinh viên khác, em cũng làm quen với cuộc sống thuê nhà trọ, cách trường khoảng 4km.
- Các quán quân trong lịch sử Olympia sau khi đăng quang đều đi du học; chọn đi ngược lại, Thế Trung có nghĩ rằng đó là một quyết định mạo hiểm?
Em nghĩ trong cuộc đời ai cũng phải “mạo hiểm” một số lần. Bởi nếu cứ mãi ở trong vùng an toàn, sẽ không thể biết được bản thân thực sự phù hợp với điều gì và không thể khám phá được hết tiềm năng.
Em thấy khá nhiều người từ bỏ ước mơ, đam mê để chọn một cuộc sống yên ổn, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có thực sự hạnh phúc. Nếu tìm được thì quá tốt. Nhưng nếu không, có thể họ sẽ cảm thấy tiếc nuối.
Em nghĩ giờ mình còn trẻ và muốn thử khám phá điều gì phù hợp nhất. Em khá vui khi bản thân đã bắt đầu tìm được những thứ phù hợp với mình.
Với em, Quán quân Olympia cũng chỉ là một giải thưởng tại một sân chơi truyền hình. Có thể một số người đang “thần thánh hóa” các quán quân và rồi kỳ vọng là nhân tài hay có những khả năng vượt trội. Nhưng kể cả trong trường hợp có những điều đó, các quán quân cũng là những con người và có những lựa chọn riêng.
Thực sự, em thấy học ở trong nước cũng không phải điều gì đó không tốt, thậm chí cơ hội thành công vẫn mở ra nếu mình cố gắng. Ở đâu cũng sẽ có cơ hội, quan trọng là mình có chủ động nắm lấy hay không.
Mỗi người sẽ đóng góp cho xã hội theo những cách riêng và cũng không phải mọi đóng góp, cống hiến đều có thể nhìn thấy rõ ràng hay đong đếm.
- Nếu so với thời điểm trở thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2019, bản thân em giờ đây có nhiều thay đổi không?
Điều mà em cảm nhận thay đổi rõ rệt nhất là mình đã thoát hoàn toàn khỏi cái bóng Quán quân Olympia và được sống một cuộc sống mà mình mong muốn đúng nghĩa, chứ không phải theo kỳ vọng của bất kỳ ai.
Đó cũng là điều mà em tự hào nhất trong khoảng thời gian hơn 3 năm qua.
Đối với em, Olympia là ước mơ, đam mê của giai đoạn phổ thông, song em đã hoàn thành mục tiêu và cũng đã đến lúc bỏ nó lại để tiếp tục chinh phục các mục tiêu khác trong cuộc sống.
3 năm qua, em học được rất nhiều thứ và thay đổi khá nhiều những suy nghĩ bảo thủ trước đây của mình. Em đang dần thay đổi, hoàn thiện thế giới quan và cách nhìn nhận những câu chuyện diễn ra xung quanh.
- Em nói đến việc đã bỏ hay thoát được cái bóng Quán quân Olympia, phải chăng việc trở thành Quán quân áp lực đến vậy?
Trở thành Quán quân Olympia vừa là một vinh dự song cũng là một áp lực không nhỏ, đặc biệt với dư luận ở Việt Nam. Mọi người thường coi những thí sinh chiến thắng tại sân chơi Đường lên đỉnh Olympia là nhân tài và đặt những kỳ vọng cũng như áp lực khá lớn lên cuộc sống cá nhân của các thí sinh - trong đó có em - về sự cống hiến,...
Trong khi ở thời điểm đăng quang, chúng em cũng chỉ là những học sinh THPT và ai cũng có những cuộc sống, ước mơ, dự định của riêng mình, không ai giống ai. Việc dư luận “ép” mình theo một “cái khuôn” khiến em cảm thấy không quá thoải mái.
Có lẽ nhiều người bất ngờ, không nghĩ rằng em chọn con đường hiện tại khi đã là một Quán quân Olympia. Tuy nhiên, đó là lựa chọn cá nhân, em cảm thấy phù hợp với sự phát triển bản thân và muốn theo đuổi.
- Trung có thể chia sẻ dự định của mình trong tương lai gần không?
Nhiệm vụ quan trọng của em là cố gắng hoàn thành chương trình đại học và kết thúc quãng đời sinh viên với một kết quả tốt trước khi nghĩ tới những việc xa hơn.
Em hiện là thành viên và cũng thường xuyên tham gia làm trọng tài bóng rổ cho các giải của Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội.
Em muốn phát triển thêm hướng đi này, trau dồi kỹ năng để lên cấp cao hơn và được điều hành những trận đấu tầm quốc gia, quốc tế. Công việc làm thêm này của em chủ yếu vì niềm yêu thích và có thêm chút thu nhập.
Ngoài ra, em cũng đang đảm đương vai trò Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi (Cờ tướng truyền thống Nhật Bản) tại Việt Nam và có kế hoạch để phát triển cộng đồng người chơi bộ môn này thời gian tới.
Theo Thanh Hùng (VietNamNet)