*Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Upstream (Ngược dòng cuộc đời) đang là bộ phim được khán giả bàn tán rầm rộ trên các nền tảng MXH. Bộ phim xoay quanh nhân vật Cao Chí Lũy, quản lý cấp cao trong một công ty công nghệ lớn, đột nhiên nhận thông báo bị sa thải. Ở tuổi 45, Cao Chí Lũy bị cho là quá già để tiếp tục công việc lập trình. Cay đắng hơn, hệ thống đánh giá này là sản phẩm do anh dẫn dắt mọi người cùng thực hiện.
"Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai", dường như cuộc đời không muốn cho Cao Chí Luỹ tiếp tục yên ả. Không chỉ mất việc, anh còn bị môi giới việc làm lừa một hoản tiền bằng chi tiêu mấy tháng trời của cả gia đình. Bố anh bất ngờ bị đột quỵ, kéo theo hóa đơn viện phí khổng lồ, buộc Cao Chí Luỹ phải chấp nhận khoản tiền bồi thường rẻ mạt mà phía công ty đưa ra.
Anh mất việc, mất tiền nhưng đằng sau còn nhiều gánh nặng tài chính trên vai, đặc biệt là khoản nợ vay trả góp mua nhà và chi phí sinh hoạt của đại gia đình. Nhiều khán giả xem phim cũng thừa nhận, ở tuổi 45, cuộc đời Cao Chí Luỹ đúng là đang đi xuống đáy.
Ở cuối phim, nhờ năng lực và may mắn, Cao Chí Luỹ đã quay trở lại thị trường lao động. Nhưng nhiều nhân viên "cổ cồn trắng" chưa chắc được may mắn như thế. Nếu không muốn một ngày, cuộc sống sau tuổi 40 của mình bế tắc như Cao Chí Luỹ từng gặp phải, bạn cần biết những điều này.
1/ Bạn trung thành nhưng không ai là không bị thay thế
Trước khi nhận quyết định sa thải vì "quá già", Cao Chí Luỹ đã gắn bó với công ty được 11 năm. Anh cống hiến hơn một thập kỷ để phát triển phần mềm tối ưu nhân sự, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.
Nhưng khi Cao Chí Luỹ hết giá trị lợi dụng và trở nên "đắt đỏ" so với nhân viên trẻ, họ sẵn sàng loại bỏ anh. Điều này thể hiện rõ sự thực dụng của nhiều lãnh đạo hiện nay mà những nhân viên "cổ cồn trắng" nên nhớ: Doanh nghiệp ưu tiên lợi nhuận hơn con người. Công ty không duy trì bằng tình cảm hoặc sự trung thành của bạn, mà bằng con số trên bảng kế toán tài chính.
Cay đắng là trái ngược với sự thờ ơ của lãnh đạo đó là những đánh đổi của Cao Chí Luỹ sau 11 năm làm ở tập đoàn. Anh mắc bệnh tiểu đường vì áp lực công việc và lối sống không lành mạnh suốt thời gian dài. Sau khi bị sa thải, chính sức khoẻ yếu ớt này đã khiến anh gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi kế sinh nhai là công việc giao hàng.
Đi làm thì hầu như ai cũng từng có tâm lý muốn cống hiến với công việc để nhanh chóng đạt được thăng tiến. Thế nhưng, bạn phải biết học cách cân bằng giữa duy trì sức khoẻ và nỗ lực làm việc. Có sức khoẻ là kiếm được ra tiền, nhưng tiền không bao giờ mua được sức khoẻ và tuổi trẻ của chính bạn.
2/ Đừng bao giờ "all-in" vào một công việc
Từ quản lý cấp cao bị sa thải ở tuổi 45, đi rải CV nhưng không được nhận vì tuổi già cho đến phải đi làm shipper để kiếm tiền mưu sinh - Câu chuyện của Cao Chí Luỹ cho thấy hiện thực nghiệt ngã: Không ai trong công ty là không thể bị thay thế.
Cao Chí Luỹ chuyên tâm cống hiến cho tập đoàn hơn 1 thập kỷ, trở thành trụ cột của doanh nghiệp nhưng đến khi bị sa thải, anh không có lấy một kỹ năng mới hay mối quan hệ để giúp mình tìm được công việc văn phòng tiếp theo.
Khi vẫn còn trẻ và sức khoẻ, bạn hãy cố gắng tìm kiếm một nguồn thu nhập khác cho mình. Đây không phải là biểu hiện của không kiên định với sự nghiệp mình chọn, mà là tìm kiếm đường đi cho những tình huống bất trắc. Nếu có thêm một nguồn thu nhập khác, nó không chỉ làm tăng cảm giác an toàn về tâm lý mà còn giúp bạn duy trì sự bình tĩnh và trạng thái tinh thần ổn định sau khi mất việc.
Đa dạng hóa thu nhập hiểu một cách đơn giản nhất là có nhiều hơn một nguồn thu nhập. Bạn có thu nhập đến từ nhiều nguồn chứ không chỉ dựa vào nguồn lương hàng tháng từ công việc đang làm mỗi ngày. Bên cạnh công việc văn phòng, bạn có thể tìm kiếm công việc tay trái hoặc lợi nhuận từ các khoản đầu tư như bất động sản, chứng khoán, kinh doanh,... Đa dạng hoá thu nhập không chỉ để chống lại rủi ro bất ngờ mà còn là cách để bảo toàn và làm tăng tài sản trong thời gian lâu dài.
3/ Khi gặp biến cố tiền bạc, nhà là nơi để san sẻ
Trước khi thất nghiệp, Cao Chí Luỹ dường như có tất cả ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đắt đỏ. Anh kiếm được rất nhiều tiền, mua căn hộ lớn, cho con học trường quốc tế, để vợ vốn là nghệ sĩ ở nhà làm nội trợ
Khi bị sa thải, Cao Chí Luỹ chịu áp lực tiền bạc khủng khiếp vì lúc này trong gia đình chỉ có một mình anh đi kiếm tiền. Thay vì chia sẻ với vợ, anh chọn cách giấu đi để không làm cô lo lắng. Cho đến khi cảm xúc chạm đáy, anh mới nói hết hoàn cảnh với vợ và nhận về lời trách móc: "Sao anh không tin em có thể giúp? Em có thể san sẻ cùng anh mà. Tại sao anh cứ giấu em? Trong nhà có mỗi mình anh à?".
Sau khi chồng thất nghiệp, vợ Cao Chí Luỹ chưa từng trách móc chồng vì để mất việc. Lần duy nhất cô trách móc Cao Chí Luỹ là khi giấu diếm gánh nặng tài chính một mình. Cao Chí Luỹ đi tìm cơ hội mới bằng nghề shipper, thì vợ cũng âm thầm đi làm lại, sáng dạy trống tối làm nail, không hề phàn nàn một câu.
Trường hợp của Cao Chí Luỹ cho thấy những người làm trụ cột tài chính thường không dám bộc lộ yếu đuối. Nhưng chính gia đình mới là nơi ta có thể dựa vào lúc gặp khó khăn.
4/ Một căn nhà to không đổi được hạnh phúc
Cao Chí Luỹ mất việc quản lý cấp cao, điều mà hai vợ chồng anh lo lắng nhất là phải bán nhà vì sợ không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng. Anh chấp nhận làm thêm giờ để có đủ tiền giữ lại căn nhà. Nhưng sau cùng, do không đủ năng lực tài chính nên họ quyết định bán nhà và chuyển cả gia đình đến một căn nhà nhỏ.
Dẫu vậy, điều mà họ không ngờ là cuộc sống mới chứa đựng nhiều hạnh phúc hơn. Hai vợ chồng phát hiện một căn nhà lớn không mang lại ý nghĩa nếu phải đánh đổi quá nhiều áp lực. Khi còn làm trưởng phòng, Cao Chí Luỹ dù có thu nhập cao nhưng luôn căng thẳng. Chuyển sang làm shipper, tiền nong bấp bênh nhưng anh tìm thấy niềm vui từ đồng nghiệp, những điều nhỏ bé và đặc biệt là sự đồng hành của gia đình.
Sau cùng, nhà chỉ là nơi trú ngụ. Chính những con người sống trong căn nhà mới tạo nên giá trị. Và bất kỳ tiền bạc nào cũng không mua được hạnh phúc. Chính bằng cách thay đổi tâm thế, bạn và gia đình mới nhận được sự bình yên dù có trải qua bất kỳ thăng trầm nào.
5. Không có công việc nào kiếm ra tiền là không đáng được trân trọng
Thất nghiệp kéo dài, Cao Chí Lũy buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới – công việc giao hàng. Từ một trưởng phòng cấp cao xuống làm shipper đối với Chí Lũy là điều rất đáng xấu hổ, nhưng vì sinh tồn anh không còn lựa chọn khác.
Ban đầu, Chí Lũy giao hàng vừa trễ vừa bị nhận về nhiều đánh giá xấu, vì anh không thực sự xem trọng công việc mình làm. Nhưng chính nhờ những thất bại đó, anh học được cách thích nghi và thay đổi bản thân.
Trong thời gian làm shipper, Cao Chí Luỹ chú tâm quan sát và tìm hiểu theo sự chia sẻ của đồng nghiệp mà hoàn thành app mới, giúp cho công việc giao hàng trở nên thuận lợi. Nhờ đó, anh nhận được cơ hội quay lại ngành IT với những thành công rực rỡ hơn.
Không có công việc nào kiếm ra tiền là không đáng được trân trọng. Dù làm việc trái ngành nhưng nhờ sự tận tâm mà Cao Chí Luỹ cũng tìm được "mùa xuân thứ hai" trong sự nghiệp của mình. Ở bất kỳ độ tuổi nào, đừng quá buồn nếu bạn phải bắt đầu từ đầu, cứ chăm chỉ làm việc rồi sẽ sẽ gặp may mắn trong tương lai!
Ảnh: Tổng hợp
Theo Vân Anh (Thanh Niên Việt)