Phụ huynh Hà Nội chán nản 'cầu cứu' khi con trai mới 15 tuổi đã đua đòi, cả ngày chỉ lo làm việc này thay vì học hành

14/11/2024 06:23:47

Người mẹ này tỏ rõ sự bất lực trước những biểu hiện của con.

Trong hành trình nuôi dạy con cái, mỗi bậc phụ huynh đều mang trong mình khát khao rằng con mình sẽ phát triển một cách toàn diện, vững vàng cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ và tâm hồn. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự kỳ vọng lớn lao ấy cũng đi đôi với những kết quả như ý.

Mới đây, một phụ huynh Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện của con mình trên một hội nhóm có hơn 300 nghìn người theo dõi. Theo đó, ngay từ đầu, vị này đã bày tỏ sự thất vọng của bản thân khi con trai sinh năm 2009 ngày càng trở nên vô cảm, bàng quan với mọi thứ. Đặc biệt, con chỉ thích lướt TikTok mỗi ngày mà không chịu học tập. Đã thế, lúc nào con cũng nằng nặc đòi bố mẹ mua xe máy, điện thoại để phục vụ nhu cầu cá nhân. Điều này khiến người mẹ này vô cùng "đau đầu".

"Mình thật sự bất lực với con và không biết làm thế nào để con thay đổi", người mẹ thở dài chia sẻ.

Bên dưới phần bình luận, nhiều netizen để lại lời khuyên cho người mẹ này. Nhiều quan điểm được đưa ra nhưng đa phần khuyên gia đình nên đồng hành, định hướng con cái như những người bạn. Ngoài ra, bố mẹ cần có biện pháp phù hợp nếu như con vẫn không chịu thay đổi.

- Cô cho bạn ấy tự ra ngoài kiếm việc làm để mua xe máy và điện thoại. Cháu nghĩ dần dần khi đi làm, bạn sẽ hiểu được rằng việc học tập là quan trọng, giúp có cuộc sống và kinh tế ổn định hơn. Còn nếu không chịu học hành thì kiếm tiền thực sự vất vả, chứ chưa nói đến là không chịu đi làm.

- Con đã như thế này rồi, phụ huynh mà nuông chiều cho con mua điện thoại, xe máy nữa là không ổn đâu. Theo mình, phụ huynh nên là gần gũi chia sẻ thuyết phục con, cho con ra ngoài làm và va chạm với việc nhỏ nhỏ trước. Hy vọng con suy nghĩ trưởng thành thay đổi.

- Xe máy con chưa đủ tuổi để đi, còn điện thoại có lẽ bạn nên mua cho con vì bây giờ các bạn đều dùng cả. Tuy nhiên, trước khi mua bạn đưa ra 1 số điều kiện như không mang điện thoại khi đi học, mỗi ngày dùng 1,5 - 2 tiếng. Đi chơi thì cho mang đi và phải cố gắng học tập tiến bộ. Nếu không thì tịch thu lại điện thoại. Tất nhiên, con sẽ đồng ý và sau cứ dựa vào đó rồi rèn cho con cố gắng từng chút một vươn lên trong học tập. Còn xe máy thì hẹn con khi con đủ 16 tuổi thì mua nếu sau khi mua điện thoại con học hành tiến bộ.

- Mình nghĩ phụ huynh nên thay đổi. Thử hỏi với vai trò là phụ huynh, các bạn đã đồng hành cùng con mình chưa? Bản thân các bạn đã là những ông bố bà mẹ tốt chưa? Trong công việc, bản thân các bạn đã làm việc thành công chưa? Trong cuộc sống bản thân các bạn đã làm gì để sống tốt chưa? Toàn "mùi" đòi hỏi con phải thế này thế kia trong khi bản thân mình còn nhiều khuyết điểm. Hãy đặt mình ở vị trí của con cái, để thấu hiểu mà tìm cách đồng hành cùng con thay vì chỉ ra lệnh và yêu cầu, đòi hỏi con phải làm theo ý mình.

Phụ huynh Hà Nội chán nản 'cầu cứu' khi con trai mới 15 tuổi đã đua đòi, cả ngày chỉ lo làm việc này thay vì học hành
Trong hành trình nuôi dạy con cái, mỗi bậc phụ huynh đều mang trong mình khát khao rằng con mình sẽ phát triển một cách toàn diện. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ cần làm gì nếu con lười học, chỉ thích sử dụng mạng xã hội?

Trước thực trạng này, điều quan trọng là cha mẹ cần nhận thức được rằng, thay vì chỉ trích hoặc la mắng, cần phải tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Đầu tiên, cha mẹ cần thấu hiểu và quan tâm đến sở thích của con. Thay vì ngay lập tức cấm đoán, cha mẹ có thể dành thời gian để tìm hiểu về những trò chơi mà con yêu thích, những sở thích mà con thường làm trên mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn mở ra khả năng điều chỉnh thời gian chơi sao cho phù hợp.

Cha mẹ cần thiết lập rõ ràng các quy tắc và hạn chế thời gian lướt điện thoại của con. Ví dụ, có thể đề ra quy định là chỉ được chơi điện tử sau khi hoàn thành bài tập về nhà hoặc các công việc nhà. Điều này giúp trẻ phát triển thói quen tự giác và trách nhiệm.

Đồng thời, cha mẹ cũng cần khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa và vận động, như thể thao, nghệ thuật, hoặc tham gia các câu lạc bộ. Điều này không chỉ giúp cân bằng giữa học tập và giải trí mà còn phát triển kỹ năng xã hội và thể chất cho trẻ.

Cha mẹ nên dành thời gian để học cùng con, giúp con tìm thấy niềm vui và động lực trong việc học tập. Khen ngợi con khi con cố gắng, kể cả khi kết quả không như mong đợi, để tạo động lực và sự tự tin.

Phụ huynh Hà Nội chán nản 'cầu cứu' khi con trai mới 15 tuổi đã đua đòi, cả ngày chỉ lo làm việc này thay vì học hành - 1
Cha mẹ nên dành thời gian để học cùng con, giúp con tìm thấy niềm vui và động lực trong việc học tập. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, việc thiết lập một môi trường học tập thuận lợi cũng rất quan trọng. Cha mẹ cần đảm bảo rằng tại nhà có một không gian yên tĩnh, sạch sẽ, và được trang bị đầy đủ dụng cụ học tập để con có thể tập trung học hành.

Đôi khi, việc sử dụng các ứng dụng và công nghệ giáo dục cũng có thể giúp trẻ học tập hiệu quả hơn. Có thể tìm kiếm các ứng dụng giáo dục thú vị, phù hợp với lứa tuổi để kích thích sự tò mò và ham học hỏi của con.

Cuối cùng, việc hợp tác với nhà trường để cùng nhau theo dõi và hỗ trợ con trong hành trình học tập là điều cần thiết. Cha mẹ có thể tham dự phụ huynh học sinh, trò chuyện với giáo viên và tham gia vào cuộc sống học đường của con.

Nhưng trên tất cả, cha mẹ cần nhớ rằng, mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng và sở thích riêng. Sự kiên nhẫn, yêu thương và hướng dẫn đúng đắn từ cha mẹ sẽ giúp con phát triển toàn diện, từ đó có thể tự giác học tập và giảm bớt thời gian chơi điện tử.

Theo Đông (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật