Phản ứng của du học sinh sau clip "bắt lỗi phát âm" của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt

23/08/2017 16:13:00

Nhiều du học sinh Việt cho rằng họ thấy Dan Hauer làm clip chỉ ra lỗi sai khi nói tiếng Anh của người Việt hết sức vui vẻ, nhẹ nhàng và đáng học hỏi nhưng người tiếp nhận thông tin lại đẩy vấn đề đi quá xa vì tâm lý không thích bị ai phê bình, chưa thẳng thắn nhìn nhận lỗi sai để sửa.

Nhiều du học sinh Việt cho rằng họ thấy Dan Hauer làm clip chỉ ra lỗi sai khi nói tiếng Anh của người Việt hết sức vui vẻ, nhẹ nhàng và đáng học hỏi nhưng người tiếp nhận thông tin lại đẩy vấn đề đi quá xa vì tâm lý không thích bị ai phê bình, chưa thẳng thắn nhìn nhận lỗi sai để sửa.

Những bạn trẻ Việt đang học tập, làm việc tại nước ngoài nghĩ gì khi theo dõi tin tức từ xa? Họ có quan điểm như thế nào trong chủ đề gây tranh luận này? Họ có từng bị ai đó "bóc mẽ" khi phát âm tiếng Anh sai trong quá trình du học ở nước ngoài không? Và nếu đã từng, họ tiếp nhận lời đề nghị sửa sai ấy như thế nào?

Chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc này trong cuộc trò chuyện nhanh với các du học sinh Việt đến từ nhiều trường ĐH uy tín trên thế giới.

Châu Thanh Vũ Harvard: Trăn trở về thái độ tiếp nhận chỉ trích của người Việt

Chàng trai đạt học bổng tiến sĩ toàn phần của Harvard ở tuổi 24 - Châu Thanh Vũ là người thường xuyên cập nhật thông tin trong nước. Cậu bạn đã xem qua video của Dan khi anh này vừa đăng tải cùng những phản ứng của các trung tâm và mạng xã hội trong những ngày tiếp theo.

Phản ứng của du học sinh sau clip bắt lỗi phát âm của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt - Ảnh 1.

Châu Thanh Vũ thấy Dan Hauer nói chẳng có gì sai, mọi chuyện đẩy cao do cách tiếp cận của người Việt khi bị chỉ trích.

Có một điều đặc biệt, Thanh Vũ không nghĩ nhiều về mục đích thật sự của Dan khi làm clip (là muốn giúp người Việt khắc phục các lỗi phát âm cơ bản hay để quảng cáo cho app của mình), du học sinh này trăn trở một điều khác.

"Mình đã suy nghĩ rất nhiều về thái độ tiếp nhận chỉ trích của người Việt, cũng như câu hỏi người Việt liệu có cần phải phát âm chuẩn hay không? Ngay sau video của Dan đã có một luồng phản biện mạnh mẽ rằng có rất nhiều người phát âm tiếng Anh không chuẩn và với accent (giọng địa phương) mà vẫn làm việc tốt. Do đó, họ cho rằng việc người Việt có những lỗi phát âm sai chẳng có vấn đề gì, và video của Dan chỉ mang tính "bóc mẽ" chứ không hề tích cực. Bản thân mình khá bất đồng với ý kiến này.

Thứ nhất, những lỗi mà Dan chỉ ra là lỗi khiến tiếng Anh của người Việt rất khó hiểu và không nghe được, chứ không chỉ đơn thuần là một giọng đặc trưng của địa phương.

Thứ hai, từ phương diện hoàn thiện bản thân, việc nhận ra khuyết điểm mà không sửa vì "khuyết điểm chấp nhận được" sẽ chỉ khiến một cá nhân luôn dừng lại ở mức "chấp nhận được" mà thôi, không tiến xa hơn được.

Phản ứng của du học sinh sau clip bắt lỗi phát âm của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt - Ảnh 2.
 

Thứ ba, ngay cả khi người nước ngoài có thể hiểu được tiếng Anh phiên bản lỗi của người Việt, điều này không có nghĩa những lỗi sai đó nên được tiếp tục truyền bá và dạy ở các trung tâm.

Mình lớn lên và bắt đầu học tiếng Anh ở tỉnh Ninh Thuận, và các thầy cô của mình cũng không phải là những người có phát âm chuẩn nhất. Tuy nhiên đó là hoàn cảnh miền quê của những năm 2000, lúc chưa có nhiều cơ hội tiếp cận người nước ngoài cũng như internet.

Bây giờ, khi những trung tâm có cơ sở vật chất để đầu tư video chất lượng cao mà lại không có nổi một người bản xứ kiểm duyệt chất lượng ngôn ngữ trước khi đăng thì lại là một chuyện không thể chấp nhận được", Thanh Vũ bày tỏ quan điểm rất cứng rắn.

Thanh Vũ rất ghét phát âm sai. Với cậu, nó như một khuyết tật của bản thân. Lúc mới sang Mỹ, mặc dù giao tiếp tốt và có bạn bè rất tâm lý song chàng du học sinh này vẫn rất tự ti mỗi khi phát âm không chuẩn khiến người khác phải hỏi lại mình vừa nói gì hoặc trông phải cố gắng lắm mới hiểu mỗi khi mình nói chuyện.

"Cách mình chỉnh giọng lúc đó là, thứ nhất: phải nói chuyện càng nhiều hơn với bạn bè quốc tế chứ không rụt rè và không giao tiếp vì thiếu tự ti; thứ hai: nhờ những đứa bạn thân chỉnh ngay lập tức mỗi lần mình phát âm sai.

Ngoài ra, mình cũng hay nhẩm lời thoại phim khi đi bộ một mình để cố gắng nhớ ngữ điệu, thái độ của từng câu nói hơn. Điều này rất cần thiết, vì qua lời nói, mình không muốn chỉ mô tả được với đối phương ý nghĩa của từ ngữ, mà còn có cả hàm ý, thái độ, và tính cách đúng như kiểu của một người bản địa", nghiên cứu sinh tiến sĩ Havard cách mình loại bỏ những ảnh hưởng của việc phát âm tiếng Anh sai.

Thu Hằng: "Mình là người Nghệ An, nói tiếng Anh có sao đâu!"

"Với mình, tiếng Anh đến với tất cả mọi người đều là một ngôn ngữ mới, tiếp cận mới như nhau, bắt đầu như nhau... nên nói tiếng Anh sai chắc chắn không phải do ảnh hưởng bởi chất giọng địa phương. Mình là người Nghệ An này, nói tiếng Anh bình thường có sao đâu", Hằng đã trả lời như thế cho câu hỏi về giọng địa phương liệu có ảnh hưởng đến "chất lượng" giao tiếp bằng một môn ngữ mới.

Phản ứng của du học sinh sau clip bắt lỗi phát âm của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt - Ảnh 3.

Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ mới, sai có thể sửa, không có gì là sai hoài và sai mãi.

Hằng là du học sinh tại Melbourne, Úc. Cô bạn từng có kinh nghiệm 4 năm giảng dạy tiếng Anh tại các trung tâm lớn nhỏ, có bằng giảng dạy quốc tế Tesol với điểm phát âm 98/100.

"Theo mình, Dan nói đúng. Thực ra không thể tránh khỏi việc phát âm nhầm lẫn hay sai từ trong tiếng Anh. Không một ai hoàn hảo nhưng vấn đề là tất cả ví dụ trong video đều là những vấn đề cực kỳ cơ bản. Video được biên tập kỹ càng cùng đội ngũ ekip chuyên nghiệp cho hàng ngàn người xem từ những con người tự xưng là thầy, là cô thì phải có trách nhiệm với những gì mình dạy, thông tin phải được tìm hiểu chính xác.

Ngay như mình, chỉ mang tính chất "chia sẻ" thôi nhưng một thông tin tớ cũng phải xác nhận qua rất nhiều người khi thấy trùng khớp mới chia sẻ. Nhưng nói chung mình vẫn nghĩ cái video của Dan cũng chỉ mang tính giải trí nhưng lại vô tình bị đẩy đi quá xa, dẫn đến những bàn luận không hẳn là liên quan đến cái mục đích vốn dĩ của video", Hằng nói thêm.

Vũ Khanh Oxford: Hoang mang khi nhiều bạn trẻ IELTS 7.0 đã dạy tiếng Anh

"Chất giọng vùng miền có liên quan đến việc phát âm, nhưng là yếu tố có thể sửa được. Như ở mình, việc phát âm sai n và l nếu muốn chỉnh thì sửa được hết, quan trọng là có muốn và có cố gắng hay không. Còn những vùng có ngữ điệu đặc trưng như Ấn Độ thì họ vẫn phát âm đúng âm tiết của các từ đấy chứ, chỉ là cái ngữ điệu của họ khiến người khác khó nghe thôi. Mình nghĩ việc phát âm chuẩn thuộc vào phạm trù cá nhân hơn là quy chụp vùng miền. Ở đâu cũng có người phát âm chuẩn và người sai rất nhiều", Vũ Khanh, du học sinh đang theo học ở trường ĐH Oxford nói.

Phản ứng của du học sinh sau clip bắt lỗi phát âm của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt - Ảnh 4.

Vũ Khanh thấy hoang mang khi có nhiều bạn trẻ chưa đủ trình độ đã đứng lớp dạy tiếng Anh.

Đó cũng là cách cậu thể hiện quan điểm không đồng tình với việc giáo viên Quyên (elight) trình bày lý do nói tiếng Anh chưa chuẩn vì sở hữu chất giọng đặc trưng của người Nghệ An.

Cá nhân Khanh cũng thấy rằng từ trước khi tranh luận về việc phát âm tiếng Anh nổ ra, việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam đã rất tùy tiện. Tạm không nói đến những trung tâm lớn, nhiều bạn chỉ mới IELTS 7, 7.5 (và không có kiến thức sư phạm) mà đã đi dạy thì rất không nên. Bản thân họ vẫn chưa đạt mức "tiệm cận chuẩn" thì việc dạy tiếp cái sai của họ cho người khác thì chẳng hay tí nào!

Nhật Huy: "Tôi thường đề nghị bạn Mỹ nếu thấy tôi nói sai hãy thẳng thắn góp ý"

Nguyễn Nhật Huy (sinh năm 1989 quê Bắc Ninh), là người Việt vinh dự nhận được thư của cựu tổng thống Obama. Anh từng học tập nhiều năm ở Mỹ, hiện là Kiến trúc sư Việt duy nhất trong công ty của Mỹ tại Fort Wayne, Indiana, Mỹ.

Xung quanh anh là những đồng nghiệp người bản xứ. Điều đó có nghĩa Nhật Huy sẽ phải nói tiếng anh như người Mỹ và buộc phải tự sửa chửa các lỗi sai trong phát âm của mình bằng cách lắng nghe và hoàn thiện.

Phản ứng của du học sinh sau clip bắt lỗi phát âm của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt - Ảnh 5.

Người Mỹ không sửa khi người Việt nói tiếng Anh sai vì họ không muốn bạn áp lực chứ không phải chấp nhận cái sai đó.

"Theo trải nghiệm của tôi thì người Mỹ rất ít khi sửa lỗi nói tiếng Anh của người nói chuyện với mình. Khi còn đi học hay đi làm, đôi khi tôi nói chưa được rõ thì họ thường chú ý lắng nghe hoặc hỏi lại chứ rất ít khi sửa vì làm như vậy không được coi là lịch sự.

Và tôi thường chủ động đề nghị nếu thấy tôi nói sai ở đâu thì thẳng thắn góp ý. Nhiều người Mỹ không nói được ngôn ngữ khác nên họ rất tôn trọng những người chịu khó học một ngôn ngữ thứ hai như người Việt Nam học tiếng Anh.

Nói như vậy không phải để bao biện cho hạn chế trong cách dùng tiếng Anh của mình mà để chúng ta không quá bị áp lực khi học và sử dụng. Nói tóm lại thì Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ thông dụng và dễ học nhất trên thế giới mà mỗi người Việt Nam đặc biệt là người trẻ nên sử dụng thành thạo", Nhật Huy chia sẻ.

Phản ứng của du học sinh sau clip bắt lỗi phát âm của Dan Hauer: Trăn trở về cách tiếp nhận chỉ trích của người Việt - Ảnh 6.

Dù sao cũng nên nhìn nhận vấn đề theo cách khách quan nhất có thể.

Nhật Huy cũng có cái nhìn mềm mỏng hơn đối với chuyện giáo viên phát âm tiếng Anh chưa chuẩn. Anh cho rằng việc này cũng đến một phần từ nguyên nhân khách quan: mức độ phát triển của Việt Nam, hệ thống giáo dục và công nghệ... Vậy nên chúng ta không nên có thái độ chỉ trích hay trách móc những người dạy, giáo viên tiếng Anh người Việt mà nên chủ động thấy đúng thì học, sai thì tránh.

"Mặc dù chưa phải là hoàn hảo nhưng những việc họ làm đã mang lại nhiều tiến bộ. Và chúng ta không nên chỉ tập trung vào những hạn chế của họ mà bỏ qua những gì tích cực", kiến trúc sư nói.

Theo Lê Ái (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật