Vào năm 2018, cộng đồng mạng từng một phen xôn xao khi một nhóm nữ sinh bao vây một bạn học ngồi trên sàn, giật bím tóc cô bé cho tới khi nạn nhân khóc thét lên, rồi liên tiếp đấm và đá nạn nhân. Vụ bạo lực học đường nói trên xảy ra ở trường Ban Dong, tỉnh Phayao, Thái Lan đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Dư luận càng bức xúc hơn khi biết cô bé bị tự kỷ và vụ tấn công đã khiến cô bé tổn thương nặng nề.
Đến tháng 7/2018, một sinh viên tại ĐH Công nghệ Rajamangala Krungthep (Thái Lan) nhập viện trong tình trạng vỡ lá lách do bị đánh tập thể. Vì đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, từ một cậu sinh viên khỏe mạnh đã bị mất đi lá lách chỉ vì hành động nông nổi của một số người.
Khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường tại các quốc gia, Nhật Bản là nước đứng đầu về bạo lực học đường, tiếp đến là Thái Lan. Thậm chí ở Thái Lan, có một nghi thức mang tên bắt nạt tân sinh viên xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Những cựu sinh viên dùng chiêu trò "ma cũ bắt nạt ma mới", đón các đàn em của mình bằng một loạt hành vi bạo lực. Sỉ nhục, chơi khăm, tra tấn về thể xác lẫn tinh thần là chuyện quá "bình thường" với nghi thức này.
Nếu có thái độ chống đối hoặc tỏ ý phản kháng, nhiều người sẽ bị đánh đập một cách dã man hơn. Điều đáng nói những người thực hiện hành vi đánh đập ma mới không hề có cảm giác tội lỗi, còn xem đây là thú vui tiêu khiển của mình. Những trường hợp như vậy hầu như không hiếm ở các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học Thái Lan.
"Ngay ngày đầu tiên đi học, sinh viên năm nhất chúng tôi được yêu cầu xếp thành hình cây cầu, bị hất nước vào người và ăn những trận đòn rất mạnh. Thậm chí có lần giáo sư phải đến và can thiệp. Nhưng rồi đâu lại vào đó, chúng lại đưa bọn tôi đến nơi không có camera và tiếp tục đánh đập", Kollawach Doklumjiak, sinh viên ngành Khoa học Chính trị tại ĐH Ramkhamhaeng chia sẻ.
Nhớ lại lần bị đổ sáp nóng vào bộ phận sinh dục khi còn là sinh viên năm nhất, Kollawach (26 tuổi) cho hay: "Thực sự trước một nền giáo dục quá thờ ơ với bạo lực học đường như thế này chúng tôi rất bất lực. Những nạn nhân như tôi luôn bị bọn xấu gây áp lực đến khi tốt nghiệp. Thậm chí cảnh sát cũng không quan tâm đến những hành vi ác độc như thế này".
Theo tờ Bangkok Post, bạo lực học đường cùng tai nạn giao thông và bạo lực đường phố vẫn rất phổ biến bởi hệ thống pháp luật của Thái Lan vẫn rất lỏng lẻo. Theo nhiều chuyên gia, nạn bạo lực, bạo hành không chỉ đổ lỗi cho cảnh sát. Môi trường giáo dục là cái nôi quan trọng để học sinh rèn luyện nhân cách. Dập tắt hành vi bạo lực là trách nhiệm của nhà trường, của xã hội và cả chính bản thân học sinh.
Theo Hero (Helino)