Chuyện tình thần tốc
Năm 2021, Cao Nhung (hiện 26 tuổi, quê Bình Phước) làm nhân viên tư vấn bán hàng cho một cửa hàng ô tô tại Bình Phước. Ngày trực tại cửa hàng, Nhung gặp vị khách là ông Đỗ Ngọc Viễn (60 tuổi, quê Bình Phước). Ông Viễn đến nhờ Nhung tư vấn để mua ô tô.
Thấy cô gái trẻ năng động, tháo vát, ông Viễn dò hỏi quê quán, tuổi tác, tình trạng hôn nhân... rồi mai mối cho con trai của mình.
“Bố mình khi đó nhiệt tình lắm, đưa số điện thoại, Facebook, Zalo của anh cho mình, còn bảo mình phải lưu, kết bạn ngay. Mình cũng vui vẻ đùa theo, không ngờ mối duyên này lại thành sự thực”, Nhung kể.
Từ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, ông Viễn tích cực nhắn tin cho Nhung hỏi thăm tình hình về chuyện mai mối. Cô bấn quá nên đã chủ động nhắn tin cho Đỗ Minh Phúc – con trai ông Viễn.
Minh Phúc (hiện 26 tuổi) là bộ đội ở Bình Phước. Chỉ qua vài cuộc trò chuyện ngắn ngủi, đôi bên đã cảm mến nhau. Nói chuyện qua mạng vỏn vẹn 10 ngày, Nhung được bố mẹ chồng tương lai chở lên tận đơn vị để gặp Minh Phúc.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên, Nhung có chút thất vọng vì đối phương vừa đen, vừa gầy. Tuy nhiên, về mặt cảm xúc, cô lại thấy đủ đầy, tròn trịa. Đôi bên vừa gặp đã thấy thân thuộc như đã quen từ lâu.
Ngay hôm đó, Minh Phúc chủ động tỏ tình và đã nhận được cái gật đầu đồng ý của Nhung.
Được hai bên gia đình ủng hộ, chuyện tình yêu của cặp đôi rất suôn sẻ. Đầu năm 2022, họ chính thức làm đám cưới sau 1 tháng rưỡi tìm hiểu.
Câu nói của chồng trong phòng sinh khiến vợ xúc động
Gần 3 năm bước vào hôn nhân, Nhung trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Cô đã kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu chồng, kiên trì bày tỏ mong muốn của mình để chồng thay đổi.
“Chồng mình giỏi chuyên môn nghiệp vụ nhưng ở những khía cạnh khác như giao tiếp, làm việc nhà, nấu ăn... thì khá dở. Tuy nhiên, anh ấy đã học tất cả những thứ đó vì mình.
Mình làm mọi cách từ thủ thỉ, động viên đến khen ngợi để anh làm tốt hơn vai trò người chồng, người cha. Nhưng sự thay đổi ấy không phải một sớm một chiều mà là cả quá trình”, Nhung nói.
Suốt thời gian bầu bí, Nhung luôn được chồng đưa đi khám thai. Ngày vượt cạn, cô được chồng động viên tinh thần, chăm sóc chu đáo.
“Sinh xong, mình đau quá nên không thể tự vệ sinh cá nhân. Mẹ mình bảo để mẹ rửa cho thì chồng mình giành lấy ‘không, vợ con thì cứ để đó con làm’. Đó là câu nói khiến mình được an ủi nhất khi vượt cạn”, Nhung kể.
Những năm qua, thời gian vợ chồng Nhung xa nhau nhiều hơn là gần gũi. Phúc phải trực ở đơn vị, mỗi tháng về 2 lần, mỗi lần ở lại nhà 2 ngày.
Mỗi khi về nhà, anh chủ động lo hết mọi thứ như dọn dẹp nhà cửa, trông con, dạy con học... Nhung thừa nhận, từng có lúc cô rất tủi thân khi phải sống xa chồng nhưng hiện đã cân bằng được cuộc sống và cảm xúc.
Bố mẹ chồng là chỗ dựa vững chãi để Nhung làm được điều đó. Cô được bố mẹ hỗ trợ việc nhà, chăm con để yên tâm làm việc. Trong cuộc sống thường ngày, đôi bên cư xử đúng mực và quan tâm nhau chân thành.
“Bố chồng mình có lẽ là người thay đổi nhiều nhất. Chính mẹ chồng mình cũng nhận xét như vậy, những năm qua, ông điềm đạm hơn, lắng nghe con cái nhiều hơn”, Nhung chia sẻ.
Nhung cũng mạnh dạn thay đổi nhiều thói quen ở gia đình chồng. Trước đây, nhà chồng cô thường không quan tâm đến các dịp lễ đặc biệt trong năm, không dành cho nhau lời chúc và những món quà đặc biệt.
Khi về làm dâu, Nhung đã chủ động tổ chức sinh nhật cho mọi thành viên trong gia đình, tặng quà bố mẹ vào những ngày lễ đặc biệt để tạo không khí ấm cúng.
“Ban đầu, bố mình thấy việc này lạ lẫm, rườm rà nhưng dịp 20/10 vừa qua, lần đầu tiên sau 30 năm kết hôn, bố đã đi mua quà cho mẹ.
Ngay cả chồng mình cũng vậy, giờ đây vào mỗi dịp lễ, anh sẽ gọi điện về chúc mừng bố mẹ, các thành viên trong nhà thấy thế cũng làm theo... Điều đó khiến mình rất vui”, Nhung chia sẻ.
Nhung cho rằng, khi sống chung dưới một mái nhà, không chỉ riêng cô phải học cách làm vợ, làm dâu mà chồng cô cũng phải học cách làm chồng, bố mẹ chồng cũng phải học cách làm bố mẹ...
“Chỉ cần mỗi bên tiến đến một bước thì hai bên sẽ xích lại gần nhau hơn một bước”, Nhung nói.
Ảnh: NVCC
Theo Thanh Minh (VietNamNet)