Thí sinh bị trừ 10 điểm trong trận Chung kết
Trong phần thi Khởi động trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20, nữ sinh Thu Hằng (trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đã trả lời đúng 7 câu hỏi và giành được 70 điểm. Tuy nhiên lúc sau, MC Diệp Chi đã công bố Thu Hằng chỉ được 60 điểm vì bị trừ điểm câu hỏi cuối do ngoài thời gian trận đấu.
Thông báo này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, tuy nhiên thật may lúc sau Thu Hằng vẫn giữ được phong độ và giành ngôi Quán quân. Bên cạnh đó, ở câu số 2 phần thi Tăng tốc cũng xuất hiện lỗi kỹ thuật khiến màn hình câu hỏi đang chạy thì bị tạm dừng.
Đáp án Quán quân sai, sau khi trừ lại thấp hơn điểm Á quân
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 12 đã nảy lên cuộc tranh cãi dữ dội khi chức Quán quân và Á quân được phân định hết sức mong manh.
Cụ thể, trong phần thi Tăng tốc xuất hiện câu hỏi: "3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời” có các lựa chọn từ A-F tương ứng 4-9.
Quán quân Đặng Thái Hoàng chọn đáp án C và được công bố đúng. Tuy nhiên khán giả phân tích rằng tất cả đáp án BTC đưa ra đều sai, bởi câu trả lời chính xác nhất là: 5 + 2/3 (5,666...) - chứ không phải 6. Như vậy, Thái Hoàng sẽ bị trừ 30 điểm, và ngôi vô địch phải thuộc về Á quân Thân Ngọc Tĩnh.
Dư luận đã chia làm 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng cần trao ngôi vô địch cho Á quân Thân Ngọc Tĩnh, hoặc ít nhất cho 2 nam sinh thi lại. Một bên lại ý kiến rằng việc trừ điểm Thái Hoàng cũng chưa chắc thay đổi được cục diện trận đấu vì khi đó mới ở vòng thi thứ 3.
Sau tất cả, BTC đã quyết định giữ nguyên kết quả với quy định gây tranh cãi: "Mọi khiếu nại phải do thí sinh đưa ra và chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi hình phần thi đó".
Trả lời đúng nhưng không được điểm, nam sinh tuột luôn chức Quán quân
Tiếp tục trong một trận chung kết Olympia khác, nhưng ở mùa thứ 14 cũng gây ra tranh cãi tương tự. Trong phần thi Về đích, khi được hỏi: "Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng?", Á quân Hoàng Bách trả lời: "Vì dung dịch muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết" - tuy nhiên đáp án này lại bị BTC bác bỏ.
Sau khi kết thúc trận đấu, nhiều giáo viên Sinh đã lên tiếng phản đối và cho rằng câu trả lời của Á quân Hoàng Bách là đúng khi cậu vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu trong SGK Sinh lớp 10.
Và quan trọng hơn, nếu Hoàng Bách được công nhận thì sẽ có điểm ngang bằng với Quán quân Trọng Nhân. Tuy nhiên, trước sức ép của khán giả và người hâm mộ Olympia, BTC vẫn quyết định giữ nguyên kết quả Quán quân.
"Muối" hay "muối ăn"?
Trong phần thi Tăng tốc cuộc thi Chung kết Olympia năm thứ 11 xuất hiện câu hỏi "Đây là gì?" với 5 dữ kiện:
1- Đây là hợp chất vô cơ
2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion
3- ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp)
4- Một loại gia vị
5- Salt
Quán quân Ngọc Oanh đưa ra đáp án "Muối ăn" trong khi 3 thí sinh còn lại đưa ra đáp án "Muối". Đáp án của Ngọc Oanh được chấp nhận tuy nhiên dân tình cho rằng, loại "muối ăn" để nói trong tác phẩm "Muối của rừng" (Nguyễn Huy Thiệp) là chưa chính xác.
Phát âm tiếng Anh sai nhưng vẫn giành chức Quán quân
Trong Chung kết Olympia 2010, Quán quân Phan Minh Đức đã đánh vần sai đáp án "plumber" (thợ sửa ống nước) từ ['plʌmə] (pờ-lăm-mờ) thành ['plʌmbə] (pờ-lăm-bờ).
Tuy nhiên, cố vấn tiếng Anh của chương trình khẳng định câu trả lời của Minh Đức vẫn đúng bởi hầu hết người châu Á đều phát âm tương đối, trong đáp án câu hỏi không yêu cầu đánh vần chính xác đúng 100%.
Thí sinh bị trừ điểm vì trả lời theo... SGK!
Tại cuộc thi quý III năm 2009, nam sinh Bạch Đình Thắng (Hà Nội) trả lời: "Trong cơ thể con người có 6 hệ, trong đó hệ nội tiết". Tuy nhiên, 9X không được cộng điểm vì theo chương trình "nội tiết không phải 1 hệ".
Nhiều giáo viên Sinh đã lên tiếng phản đối vì theo SGK Sinh lớp 9, "nội tiết là một hệ trong cơ thể con người". Với kết quả này, BTC đã công bố nam sinh Đình Thắng cũng lọt vào vòng chung kết năm. Đó là lý do đây là mùa duy nhất chương trình có đến 5 thí sinh trong trận chung kết, thay vì chỉ 4.
Trong cuộc thi tuần Olympia 2017 đã xuất hiện nhiều lỗi câu hỏi đến mức ekip sản xuất phải lên tiếng xin lỗi và trao 1 vòng nguyệt quế khác làm kỷ niệm.
Lần 1, ở câu hỏi Hóa của Bảo Nhân (trường THPT Cam Lộ, Quảng Trị) đã bị thí sinh Thanh Tùng nhấn chuông cướp điểm. Tuy nhiên, khán giả soi được Thanh Tùng đã nói "kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ", nhưng trên thực tế, kẽm đóng vai trò là anot, còn sắt là catot. Như vậy, Thanh Tùng đã nói ngược 2 cực, nên câu trả lời này chưa chính xác.
Lần 2, Thanh Tùng trả lời chưa chuẩn xác ý "Còn việc Magie phát sáng là do đốt lên là sẽ có MgO và đó là chất phát ra khí cháy" vì chất cháy chính là Mg khi cháy trong CO2 chứ không phải MgO. Nhưng nam sinh này vẫn được cộng điểm.
Lần 3, trong phần Về đích của Phú Vinh có câu hỏi: "Tại những nơi nào trên Trái Đất có thể nói giờ nào cũng đúng?". Nam sinh Bảo Nhân đã nhấn chuông cướp điểm với đáp án: "Bắc Cực và Nam Cực" nhưng BTC không chấp nhận và đưa ra đáp án chính xác nhất: "cực Nam và cực Bắc". Tuy nhiên, trận Chung kết Olympia năm thứ 16, thí sinh Vũ Hoàng với đáp án "Bắc Cực - Nam Cực" cho câu hỏi tương tự lại được điểm.
Theo Vân Trang - Hà Mĩ (Pháp Luật và Bạn Đọc)