Ở rể nhà vợ giàu được tặng xe BMW, một căn hộ ở thành phố lớn - Đằng sau xu hướng kết hôn đang lên ngôi của người trẻ

07/07/2024 08:13:12

Nhiều chàng trai đang tìm kiếm những gia đình cần "con rể ở chung" để thoát khỏi áp lực tài chính và tình cảm từ các cuộc hôn nhân truyền thống.

Ở rể được bố mẹ vợ tặng xe BMW, một căn hộ ở thành phố lớn

Gu Shunze (26 tuổi) là người con thứ hai trong gia đình thuần nông có 4 anh em ở phía nam tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Gu tốt nghiệp ở một trường đại học top, đang làm nhân viên công chức ngành luật tại Hàng Châu.

Mặc dù có thu nhập ổn định, song mua nhà đất hay ô tô vẫn nằm ngoài tầm với của anh. Cho đến năm 2022, anh phát hiện mình có đủ tiêu chí để bước vào cuộc hôn nhân ở rể như những quảng cáo trên thị trường.

Bố mẹ Gu không phản đối nên giao bản sao chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp đại học và giấy chứng nhận công tác cho một công ty môi giới hôn nhân. Chẳng mấy chốc, Gu tìm được bạn đời của mình: Một nhân viện tài chính, có gia đình kinh doanh phụ tùng ô tô. Gia đình cô có 2 bất động sản và hơn 30 triệu NDT tiền tiết kiệm. Cặp đôi đã hẹn hò trong 3 tháng trước khi cô gái cầu hôn và Gu đồng ý.

Bố mẹ vợ tương lai đã tặng cho Gu món quà đính hôn trị giá 288.000 NDT, cùng chiếc BMW. Gia đình cô dâu lo liệu mọi thứ cho tiệc cưới.

Ở rể nhà vợ giàu được tặng xe BMW, một căn hộ ở thành phố lớn - Đằng sau xu hướng kết hôn đang lên ngôi của người trẻ
Ở rể, để con cái mang họ mẹ đang là xu hướng hôn nhân mới của Trung Quốc

Sau đó, cặp đôi mới cưới chuyển đến sống trong căn hộ ba phòng ngủ. Gu cho biết anh cảm thấy thoải mái và hài lòng với cuộc hôn nhân này, thường giúp đỡ công việc kinh doanh của gia đình vợ, đưa bố mẹ vợ đi du lịch cuối tuần. Vào tháng 1, vợ anh đã đẻ một cặp sinh đôi, cả hai bé đều lấy họ của mẹ, theo đúng thoả thuận trước hôn nhân của cặp đôi. Từ khi kết hôn, Gu không về thăm quê còn bố mẹ anh thì chỉ thấy cháu trong những bức ảnh.

Cuộc hôn nhân của Gu là xu hướng "hôn nhân mẫu hệ" đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Xu hướng này trong tiếng Trung là zhuixu, được định nghĩa là kiểu kết hôn khi chồng ở rể và con cái sinh ra mang họ vợ. Với không ít đàn ông ở đất nước này, ở rể không chỉ giúp giảm áp lực tiền bạc khi cưới vợ mà còn là cơ hội vàng để được cậy nhờ nhà vợ giàu có.

Hôn nhân truyền thống đã thay đổi

Li Jiyan là người mai mối lâu năm, từng se duyên cho 1000 cặp đôi. Thị trường hôn nhân đã thay đổi trong 30 năm qua khiến Li Jiyan phải chuyển hướng tìm nhà vợ cho những người đàn ông muốn được ở rể. Điều này ngược với hôn nhân truyền thống ở Trung Quốc, phụ nữ ở với gia đình chồng.

Với họ, việc kết hôn với người phụ nữ có tiềm lực kinh tế, không cần phải mua nhà, ô tô hoặc tốn tiền sính lễ là cơ hội tốt. Trong trường hợp ly hôn, họ cũng có cơ hội nhận được tiền chia tài sản, miễn anh ta có trách nhiệm chăm sóc con.

Trước đó, có 2 người đàn ông đã tìm đến Li. Cả hai đều có nền tảng tốt, cùng quê ở tỉnh Sơn Đông. Một người có cơ sở mỹ nghệ ở tỉnh Chiết Giang, một người là trưởng phòng công ty công nghệ ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, giờ đây tiêu chuẩn để được ở rể cũng rất cao. Ông Li nói phụ nữ và gia đình họ muốn người đàn ông có học vấn, khỏe mạnh. Các ứng viên phải cung cấp thông tin về tình hình tài chính, báo cáo tín dụng, trải qua kiểm tra lý lịch tư pháp và sức khỏe. Li thường từ chối thẳng những người đàn ông trông yếu đuối về thể chất. Một vài người thậm chí đã hít đất ở văn phòng của Li để chứng minh sức khỏe của họ.

Ở rể nhà vợ giàu được tặng xe BMW, một căn hộ ở thành phố lớn - Đằng sau xu hướng kết hôn đang lên ngôi của người trẻ - 1
Ông Li đang tư vấn cho một gia đình khách hàng

Li cũng cho biết thêm, khách hàng của ông cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể. Có gia đình từ chối chàng rể tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh do anh ta có hình xăm. Trong khi đó, những người có việc hành chính, thường xuyên làm thiện nguyện sẽ có điểm cộng.

"Số lượng người muốn ở rể tăng lên mỗi năm", Li nói. Sau khi hai người đàn ông rời khỏi văn phòng Li, 6 chiếc điện thoại trên bàn ông lại liên tục reo.

Công ty của Li hiện có hơn 170 gia đình và 50 người đàn ông đang muốn ở rể. Hầu hết các gia đình nhà gái đều tìm ứng viên ở độ 25-30 tuổi. Họ thường xuyên tiếp đón các sinh viên ở trường đại học, những người muốn tìm con đường tắt để thăng tiến trong xã hội.

"Sinh viên mới ra trường còn khó kiếm được công việc tốt, huống hồ mua tài sản", Li nói. Giá nhà ở Tiêu Sơn, TP Hàng Châu đang là 5.000 USD một mét vuông. “Nếu một người đàn ông không sở hữu bất động sản, anh ta gần như không có cơ hội nào trên thị trường hôn nhân”, Li chia sẻ thêm.

Ở trung tâm mai mối TP Hàng Châu, bức tường được dán đầy hồ sơ của ứng viên tìm nhà vợ. Ví dụ, kiến trúc sư sinh năm 1994, vui vẻ, điển trai, có nhà 108 mét vuông ở Sơn Đông đang tìm kiếm phụ nữ kinh tế tốt, xem xét chấp nhận trường hợp đã ly dị nhưng không có con. Người đàn ông không đưa yêu cầu nào về chiều cao, ngoại hình hoặc học vấn của phụ nữ.

Ông Lin Zuwen cùng vợ là những phụ huynh nhập cuộc tìm rể. Họ có nhà máy cơ khí với khối tài sản 10 triệu USD, ba bất động sản và bốn ôtô, đang tìm chồng cho con gái 28 tuổi.

Công ty mai mối đã kết nối gia đình ông với ba ứng viên nhưng đều bị từ chối. Lin nói nguyên nhân thường nằm ở thái độ hoặc yêu cầu vô lý.

Năm nay, Lin giảm tiêu chuẩn chấp nhận các ứng viên chỉ có bằng cử nhân nhưng phải từ trường đại học hàng đầu. "Chúng tôi muốn cháu thừa hưởng gen thông minh từ bố chúng", ông Lin nói.

Theo quy định, mỗi gia đình chỉ được có một con rể ở nhà vợ. Ông Chen Guoqiang ở Sơn Đông nói con gái lớn của ông đã hẹn hò với ít nhất 6 chàng trai nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý.

"Người bị trọc tóc, người thì quá gầy hoặc yếu đuối, khó khả năng có con", Chen than phiền. Các ứng viên còn lại từ chối ở rể bởi sợ mất mặt với họ hàng hoặc xấu hổ với tổ tiên.

Ở rể nhà vợ giàu được tặng xe BMW, một căn hộ ở thành phố lớn - Đằng sau xu hướng kết hôn đang lên ngôi của người trẻ - 2
Các chàng trai đang xem thông tin về mai mối tại Hàng Châu

Ngành nghề hái ra tiền

Li đã làm nghề mai mối từ những năm 1980. Ban đầu, đó là sở thích mà Li theo đuổi trong thời gian rảnh rỗi khi làm việc tại một công ty công nghiệp, nhưng giờ ông đã thấy tiềm năng thành công của chúng. Khi ông và vợ chính thức nghỉ hưu vào năm 1998, họ quyết định mở một công ty mai mối, có trụ sở đầu tiên tại Tiêu Sơn.

Hoạt động kinh doanh của công ty đã có bước phát triển vào đầu những năm 2000, sau khi 1 tờ báo địa phương đăng tải báo cáo về chuyên môn của công ty. Một sự thúc đẩy khác đến vào năm 2021, với sự thành công Ở Rể - bộ phim kể về chàng rể sống chung cùng gia đình vợ, từ đó đẩy mức phí mà Li nhận được từ 1 cuộc mai mối thành công là 30.000 NDT.

Li hiện đang thuê 3 người khác đã nghỉ hưu làm "thợ săn trái tim" - những người đi đến các cộng đồng khác nhau hàng ngày, để tìm kiếm những người độc thân phù hợp, thuyết phục họ đăng ký vào công ty. Li cho biết, hầu hết mọi người có thể tìm được đối tượng phù hợp trong vòng 1 năm. Và nếu họ không thành công thì thường do tiêu chuẩn quá cao.

"Ví dụ, một người phụ nữ có bằng Tiến sĩ đã khăng khăng yêu cầu chúng tôi tìm cho cô ấy một nhân viên công chức khỏe mạnh, đẹp trai, người cũng có bằng Tiến sĩ và cao hơn 180 cm", Li cho biết thêm.

Đối với những cặp đôi đến được với nhau nhờ Li, ông hiếm khi đến dự hôn lễ của họ. Ông chia sẻ, có một khách hàng đã mời anh đến dự hôn lễ của họ song đã "giấu" Li vào một góc.

"Tôi có chút tiếng tăm ở Tiêu Sơn, và những người chủ nhà hẳn đã sợ rằng có người nhận ra tôi và nghĩ rằng gia đình họ đã chi tiền để tìm một chàng rể ở nhà mẹ đẻ. Điều đó có thể gây xấu hổ", Li nói. Bây giờ bất cứ khi nào được mời đến dự tiệc cưới, Li đều lịch sự từ chối.

Điều đau đầu duy nhất của Li bây giờ là tìm một người bạn đời phù hợp cho con gái mình, hiện đang ở độ tuổi 20. Ban đầu, Li muốn có một chàng rể sống cùng nhà, nhưng cuối cùng ông lại để con gái mình tự quyết định. “Rốt cuộc, nền tảng của hôn nhân là tình yêu, không phải tiền bạc", Li kết luận.

Theo Nguyệt (Nhịp sống Thị trường)