Chàng thủ khoa giành học bổng tiến sĩ tại Mỹ Cô gái Phú Thọ là thủ khoa Đại học Mỏ - Địa chất Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Huế giành học bổng châu Âu Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm Đại học Kinh tế quốc dân
Nguyễn Thị Minh Hòa, quê Hải Phòng, hoàn thành học kỳ I năm nhất ở Đại học Ngoại thương cuối năm 2016. Nhận điểm A Kinh tế vĩ mô, cũng là môn đầu tiên biết điểm, Hòa không thể ngờ sẽ tốt nghiệp với một bảng điểm toàn A trong suốt bốn năm học. "Hành trình đến với danh hiệu thủ khoa giống một giấc mơ mà mình chưa từng dám nghĩ đến", cô gái sinh năm 1998 nói.
Khi cô bé Hòa học lớp 6, chị gái rất buồn vì thi Đại học Ngoại thương nhưng không đủ điểm. Lúc đó, Hòa tò mò "Ngoại thương thế nào mà chị lại thích đến vậy? Tại sao vào trường khó như thế?" và bắt đầu tìm hiểu. Năm lớp 12, cô học trò trường THPT chuyên Trần Phú mạnh dạn nộp vào Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội, đạt 26,5 điểm khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh).
Vào đại học, Hòa choáng ngợp khi thấy cách học khác xa so với phổ thông. Cùng với áp lực sống xa nhà, nữ sinh tỏ ra lúng túng. Để vượt qua, Hòa tham gia các hội nhóm của cựu sinh viên, hỏi cách học của anh chị đi trước. "Mình thường xin nhận xét về các môn học, cách học phù hợp với phong cách giảng dạy của từng giảng viên và cảm thấy may mắn khi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình", Hòa kể.
Đặt mục tiêu tốt nghiệp loại xuất sắc, Hòa chú ý phần giảng viên nhấn mạnh và ghi chú cẩn thận, xác định đây là phần cốt lõi. Nếu thắc mắc, em tự đặt câu hỏi cho mình trước, sau đó trao đổi với bạn bè, nếu vẫn chưa hiểu sẽ hỏi thầy cô. Vì học hiểu bản chất, không học vẹt, việc ôn thi với Hòa không quá vất vả.
Có thời điểm Hòa bị ảnh hưởng tinh thần bởi biến cố gia đình và các mối quan hệ bạn bè, nhưng may mắn được bố mẹ, chị gái và bạn thân động viên, giúp dần lấy lại phong độ. Sau 1-2 kỳ đạt điểm tối đa, nữ sinh càng quyết tâm duy trì thành tích. Mỗi khi điểm thành phần không được như ý, Hòa chủ động đề nghị thầy cô cho làm thêm tiểu luận, nghiên cứu để cải thiện và duy trì kết quả học tập.
Cuối năm ba, Hòa giành học bổng AIMS dành cho sinh viên Đông Nam Á, đến Hàn Quốc học trao đổi trong bốn tháng. Trải nghiệm tại xứ sở kim chi giúp nữ sinh làm quen với cách học tập chủ động của sinh viên quốc tế và học cách tăng cường tương tác với giáo viên.
Trở về từ chuyến trao đổi, Hòa mạnh dạn tham dự cuộc thi tài năng trẻ Logistics Việt Nam, diễn ra trong bốn tháng cuối năm 2019. Vì là sân chơi cho sinh viên tại các trường giảng dạy kinh tế, thương mại, việc đạt thứ hạng cao tại cuộc thi Hòa chưa dám nghĩ đến. Sau khi vượt qua số lượng lớn đội thi của Đại học Ngoại thương, trở thành đội duy nhất đại diện trường tham dự cuộc thi, Hòa và cả nhóm "thừa thắng xông lên", giành giải nhất toàn miền Bắc.
Quá trình tham dự cuộc thi, nữ sinh vừa phải hoàn thiện nghiên cứu đồng thời ôn thi học kỳ và làm thêm. "Có nhiều lúc mình mệt đến mức không nói chuyện với ai, nhiều đêm thức trắng. Chưa bao giờ mình phải làm nhiều việc một lúc như vậy", nữ sinh kể. Hòa vẫn nhớ trong trận chung kết toàn quốc diễn ra tại TP HCM, nữ sinh đã đứng trên sân khấu lớn, thuyết trình về đề tài trước rất nhiều chuyên gia, dám phản biện và trả lời câu hỏi hóc búa của giám khảo. Tuy không giành giải nhất chung cuộc, những trải nghiệm đã có tại cuộc thi giúp Hòa tự tin hơn trong lĩnh vực giao tiếp, củng cố niềm yêu thích với ngành đang học.
Nhắc về điều tiếc nuối nhất trong bốn năm đại học, Hòa cho rằng những năm đầu đã quá mải mê với việc làm thêm, nghĩ có thu nhập là được nên thử sức với việc trợ giảng, gia sư và marketing. Tuy nhiên, đây đều là những lĩnh vực Hòa không thực sự yêu thích, cũng không đúng chuyên ngành và sử dụng kiến thức học ở trường. Do đó, đến tận lúc ra trường, kinh nghiệm làm việc của Hòa vẫn không có gì. Nếu được quay lại, nữ sinh sẽ chọn công việc liên quan đến ngành học, thậm chí chấp nhận thực tập không lương để ra trường đỡ bỡ ngỡ.
Tháng 3 năm nay, nữ sinh tình cờ đọc thông tin tuyển dụng của một công ty Nhật, mạnh dạn ứng tuyển vị trí Quản lý chuỗi cung ứng. Dù chưa có kinh nghiệm, Hòa lại tích lũy được nhiều kiến thức trong lĩnh vực này trong cuộc thi Logicstic nên vượt qua ba vòng tuyển dụng, trở thành nhân viên chính thức từ khi chưa làm khóa luận tốt nghiệp.
Nhờ có việc làm đúng chuyên ngành, Hòa lựa chọn đề tài khóa luận về thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu linh kiện điện tử. Khi gặp vấn đề khó hoặc cần phỏng vấn sâu, nữ sinh tìm đến đồng nghiệp, cả cấp trên để nhờ giải đáp. Vì dành thời gian đi làm, Hòa chỉ có thể hoàn thành khóa luận vào buổi tối và cuối tuần, nhiều hôm thức trắng. Với tính thực tế và ứng dụng cao, Minh Hòa đạt 9,2/10 điểm khóa luận, khép lại bốn năm tại Ngoại thương với 43/43 học phần đạt điểm A, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc.
Là bạn cùng lớp với Hòa, Bùi Thị Thùy Linh, 22 tuổi, chia sẻ: "Mình đã chứng kiến toàn bộ con đường đầy gian nan của Hòa để có thể đạt thành công như hôm nay. Kết quả đó không phải tự nhiên mà có, Hòa thực sự đã phải cố gắng rất nhiều", Linh nói. Người bạn cho rằng, động lực để tân thủ khoa đầu ra có thể đảm đương mọi việc là nhờ tính cầu toàn. Trong mọi hoàn cảnh, Hòa luôn cố gắng hết sức dù còn một tia hy vọng cũng nhất quyết không từ bỏ.
Sau khi lấy bằng tốt nghiệp vào tháng 9 tới, nữ sinh sẽ tiếp tục làm việc trong 2-3 năm để tích lũy thêm kinh nghiệm và tìm kiếm học bổng học thạc sĩ tại Bỉ hoặc Hà Lan, những quốc gia mạnh về logistics. "Từ hành trình chinh phục danh hiệu thủ khoa, mình nghĩ khi lựa chọn điều gì, chúng ta cần có trách nhiệm với quyết định của bản thân và kiên trì theo đuổi. Có thể muộn, nhưng thành quả tốt đẹp chắc chắn sẽ đến", Hòa nói.
Theo Thanh Hằng (VnExpress.net)