Nữ thủ khoa kép xinh đẹp từ chối chốn đô thành, về quê cống hiến

30/09/2016 14:15:00

Có nhiều lời mời làm việc tại Hà Nội với mức lương cao, điều kiện đãi ngộ tốt, nhưng thủ khoa “kép” trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thu Trang đã quyết định trở về quê hương cống hiến.

Có nhiều lời mời làm việc tại Hà Nội với mức lương cao, điều kiện đãi ngộ tốt, nhưng thủ khoa “kép” trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thu Trang đã quyết định trở về quê hương cống hiến.
 

- Thủ khoa đầu vào trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW 2012.

- Thủ khoa đầu ra trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW với số điểm toàn khóa: 8.82

- Là lớp phó học tập lớp K7C

- Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường năm học 2014-2015

- Giấy khen của Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW cho sinh viên đạt danh hiệu sinh viên giỏi năm học 2014-2015, 2012-2013

- Giấy khen của Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội 1 cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện năm 2012

- Tích cực tham gia hoạt động Đoàn – Hội của trường.

- Được kết nạp Đảng năm thứ 4 đại học.

 
 Nguyễn Thu Trang - nữ thủ khoa “kép” xinh đẹp của trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
Nguyễn Thu Trang - nữ thủ khoa “kép” xinh đẹp của trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Áp lực của thủ khoa đầu vào

Vì sinh ra một vùng nông thôn thuộc tỉnh Nam Định, Trang không có điều kiện theo học các bộ môn năng khiếu từ sớm. Cho đến năm lớp 11, tình cờ biết đến một giáo viên đủ kiến thức chuyên môn, Trang đã giấu gia đình đăng ký.

Mỗi tháng hai lần, Trang đạp xe hơn 10km để học về kiến thức âm nhạc tổng hợp, ký xướng âm và kỹ thuật thanh nhạc. Sau khi bị bố mẹ phát hiện, Trang đã thuyết phục và được gia đình đồng ý cho học tiếp để thi vào trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Trang đã thi đỗ, thậm chí trở thành thủ khoa đầu vào của trường. Tuy nhiên, danh hiệu “thủ khoa” không chỉ mang đến cho Trang niềm vui, sự tự hào, mà còn là những áp lực, gánh nặng đè nặng trên vai.

Trang chia sẻ: “Thời điểm bước vào đại học, mình đi đến đâu cũng đều bắt gặp những ánh nhìn, lời bàn tán về tân thủ khoa… Thậm chí một số thầy cô trong trường còn không tin vào năng lực của mình. Lúc đó, mình cảm thấy rất lo lắng, áp lực”.

Hơn nữa, trong thời gian đầu, vì không nắm được phương pháp học đúng đắn, kết quả Trang đạt được chưa như mong đợi. Việc thua kém trước bạn bè khiến Trang cảm thấy xấu hổ. Nhưng với Trang, chính áp lực đó đã khiến cô bạn tự ý thức nỗ lực hơn để đạt kết quả cao khi ra trường. Sau một thời gian ổn định tâm lý, Trang đã tìm ra được cách thức học hiệu quả, khoa học.

 Năm thứ 4 ĐH, Thu Trang đã được kết nạp vào Đảng.
Năm thứ 4 ĐH, Thu Trang đã được kết nạp vào Đảng.

Từ năm thứ hai đại học, qua sự giới thiệu của bạn bè, Trang không chỉ dạy học các môn năng khiếu cho học sinh cấp 1-3, còn tham gia biểu diễn thanh nhạc, nhạc cụ ở nhiều sân khấu. Do đó, Trang hiểu được những cám dỗ sinh viên nghệ thuật gặp phải.

Trang chứng kiến nhiều bạn bè đồng trang lứa mải mê kiếm tiền, bỏ bê việc học. “Có thể mình không hiểu được suy nghĩ của các bạn, vì không ở trong hoàn cảnh ấy, nên chưa bao giờ mình cho điều đó là xấu. Nhưng mình nghĩ, nếu bản thân chưa có kiến thức nhất định về âm nhạc thì vô tình sẽ khiến cho âm nhạc mất đi tính thẩm mỹ vốn có”.

Hiểu được điều đó, Trang luôn có sự chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng khi đi diễn, nên bị gắn mác “kén chọn chương trình”. Trang chỉ nhận lời diễn nếu bản thân thực sự rảnh rỗi, không bị trùng lịch học, lịch dạy, và chương trình phải hay, chất lượng.

Mặc dù bận rộn với lịch học, dạy và diễn, Trang vẫn rất nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc phong trào Đoàn, Hội trong trường. Như một phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực và cống hiến, vào cuối năm thứ 4 đại học, Trang đã được kết nạp Đảng.

“Dường như đây là cơ duyên và may mắn của mình. Khi tham gia các hoạt động, mình chỉ nghĩ đây là sự đóng góp với cộng đồng, chứ không đặt ra mục tiêu gì. Trở thành Đảng viên là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mình, cảm thấy bản thân thực sự đã trưởng thành”.

 Thay vì ở lại Hà Nội với điều kiện tốt hơn, Trang vẫn quyết tâm về quê hương dạy học.
Thay vì ở lại Hà Nội với điều kiện tốt hơn, Trang vẫn quyết tâm về quê hương dạy học.

Muốn trở thành nguồn cảm hứng truyền đam mê cho học sinh

Yêu thích âm nhạc từ nhỏ, Trang đã lựa chọn ngành sư phạm âm nhạc để thể hiện ước mơ của mình – trở thành nguồn cảm hứng, truyền đam mê cho các em học sinh. “Mình hy vọng thông qua âm nhạc, sẽ góp phần giáo dục toàn diện cho thế hệ thương lai của đất nước. Mình muốn thông qua cái đẹp của âm nhạc để làm đẹp tâm hồn con người, đặc biệt là lứa tuổi học trò đang rất cần sự giáo dục đúng đắn về tâm hồn”.

Với Trang, những năm học tập trong môi trường sư phạm càng khiến cô bạn yêu nghề, say nghề nhiều hơn. Điều này, xuất phát từ việc Trang may mắn gặp được những thầy cô tâm huyết, hết lòng vì học trò.

“Mình là sinh viên, không có nhiều điều kiện, nhưng có những thầy cô không nề hà, dạy mình miễn phí cả năm trời. Thậm chí, dù mình có thắc mắc bài vở giữa đêm hôm, thầy cô cũng sẵn sàng giải đáp”, Trang nói.

Bên cạnh đó, Trang cũng thường xuyên lắng nghe những tâm sự của thầy cô về chuyện nghề, về niềm vui khi truyền tải tri thức đến học trò. Sau thời gian kiến tập và thực tập, được trực tiếp đứng trên bục giảng, được truyền cảm hứng cho học sinh, Trang cảm thấy lựa chọn của bản thân là hoàn toàn đúng đắn.

Sở hữu thành tích học tập tốt và kinh nghiệm biểu diễn, dạy học trong những năm đại học, Trang có nhiều lời mời từ các trường quốc tế tại Hà Nội với mức lương cao, điều kiện đãi ngộ tốt. Mặc dù có chút tiếc nuối, Trang vẫn quyết tâm về quê dạy học.

“Giống như mình ngày trước, các em học sinh nông thôn không có điều kiện để tiếp xúc với kiến thức âm nhạc. Mình nhận thấy quê hương cần mình nên đã lựa chọn trở về. Sức mình nhỏ bé, nhưng sẽ luôn nỗ lực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”, Trang khẳng định.


 

 

 

 

Theo Hoàng Dung (Dân Trí)