Nguyễn Thị Oanh (18 tuổi) sinh ra trong một gia đình khó khăn tại xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Gia đình Oanh vốn thuộc hộ nghèo. Bà ngoại em đã 96 tuổi, hiện đang nằm liệt giường. Còn một ông trẻ bị mù không thể tự chăm sóc bản thân. Mẹ của Oanh sức khỏe cũng yếu, từng phải nằm viện 3 tháng điều trị đau xương, không đi lại được.
Cuộc sống khó khăn nên Oanh từ nhỏ đã có ý thức phụ giúp gia đình. Năm lớp 12, em phải xin rửa bát thuê, nhặt ve chai kiếm tiền đóng viện phí và mua thức ăn cho cả nhà. Ngoài giờ đi học trên lớp, Oanh sẽ đi làm thêm, sau đó phân bổ thời gian để nấu nướng, tắm rửa cho ông bà rồi lại lật đật vào viện chăm mẹ. Cô gái trẻ dường như không có phút giây rảnh rỗi nào cho bản thân.
Bận bịu là vậy nhưng Oanh vẫn học rất giỏi. Những năm cấp 1, cấp 2, em học tốt môn tiếng Anh và từng đạt giải nhì và giải ba học sinh giỏi tiếng Anh và Văn cấp huyện. Đến khi học cấp 3, Oanh lại học tốt thêm cả môn Toán, Địa và Giáo dục công dân. Điểm tổng kết của em luôn ở mức 8, 9 phẩy. Suốt 12 năm đèn sách, Oanh liên tiếp giành danh hiệu Học sinh giỏi.
Nói về bí quyết học tập, nữ sinh Nghệ An tâm sự: "Em đi làm thêm cả ngày để có tiền giúp đỡ gia đình. Thú thật, một ngày em chỉ có 3-4 tiếng để học và luôn bắt đầu vào lúc nửa đêm. Có hôm em thức đến 4h sáng để học nhưng hôm sau vẫn tỉnh táo được. Bởi em quen với việc thức đêm rồi".
Nhà nghèo không có tiền đi học thêm nên Oanh thường mượn vở của các bạn để ghi chép lại rồi học theo. Bạn bè, thầy cô đều thương cho hoàn cảnh của cô nữ sinh nghèo nhưng hiếu học nên giúp đỡ hết mình.
"Các bạn và thầy cô đến nhà em chơi, thấy hoàn cảnh như vậy nên thương và giúp đỡ em nhiều lắm. Thầy cô giúp đỡ em tiền học phí, nhiều khi là miễn học phí luôn. Em luôn biết ơn mọi người", Oanh xúc động kể lại.
Đến khi tốt nghiệp THPT, Oanh nhận thức rõ gia đình không đủ điều kiện để cho em lên bậc đại học. Chính vì vậy, nữ sinh này đã tìm kiếm các học bổng. Thông qua sự giới thiệu của quỹ Khát vọng, Oanh biết tới suất học bổng duy nhất có tên "Trái tim sư tử" của Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV).
Nữ sinh Nghệ An sau đó lao vào ôn luyện để giành học bổng. Hàng ngày Oanh đều dành quỹ thời gian buổi đêm để đọc sách. "Em cố gắng đọc thật nhiều để có thêm nhiều kiến thức. Mỗi khi đọc xong 1 cuốn sách, em lại ngồi viết cảm nhận về cuốn sách đó. Từ cách thức đó, em có thêm trải nghiệm để viết bài luận gửi tới BUV để giành học bổng. Bài luận không phải những thứ quá cao siêu mà chính từ những trải nghiệm từ cuộc sống của em.
Em đã trải qua 2 vòng xét tuyển để đạt được học bổng. Vòng 1 là phần bài luận, vòng 2 là ban giám khảo phỏng vấn trực tiếp. Để qua vòng 2, em đã tìm hiểu kỹ những câu hỏi thường được nêu khi phỏng vấn học bổng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, luyện tập hàng ngày", Oanh chia sẻ.
"Tôi tin rằng cuộc sống dù khó khăn thế nào, chỉ cần biết tin tưởng, nỗ lực thì chẳng có gì là không thể. Giá trị của mỗi con người là do chính chúng ta tự tạo nên", Oanh viết trong bài luận.
Được biết học bổng của Oanh bao gồm 3 năm học chính và 1 năm học tiếng Anh tại trường, tổng trị giá 1 tỷ đồng.
Cuộc sống sinh viên khó khăn nhưng tràn ngập niềm tin vào tương lai
Đại học BUV có trụ sở tại khu Ecopark, Hưng Yên. Hiện tại Oanh đang ở trong căn phòng trọ gần trường, được người quen cho mượn miễn phí. Nói về những ngày tháng sinh viên xa nhà, Oanh tâm sự: "Năm đầu em đang học tiếng Anh, sang đến năm 2 em với vào chương trình học chính.
Ở xa nhà cũng có nhiều khó khăn. Buổi chiều đi học về, em cũng đi làm thêm để có tiền gửi về cho mẹ để trang trải cuộc sống ở nhà. Mẹ em giờ yếu lắm, không lao động nặng được nữa".
Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng nữ sinh Nghệ An tràn đầy niềm tin vào tương lai. Em cũng đã lên kế hoạch cho sau này. "Em đăng ký học chuyên ngành Tài chính kinh tế. Thứ nhất vì em thích công việc kinh doanh. Em muốn làm doanh nhân mảng tài chính. Thứ hai em muốn giúp đỡ được gia đình. Thứ ba là vì em muốn nếu thành công thì sẽ mở một viện dưỡng lão để chăm sóc người già.
Hàng ngày em thấy mẹ chăm sóc ông bà vất vả, em thương lắm. Em muốn mình có thể giúp đỡ không chỉ người thân mình mà còn những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn khác".
Theo Thanh Hương (Pháp Luật và Bạn Đọc)